Rà soát người bán hàng trên sàn thương mại điện tử chưa đăng ký kinh doanh

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Mục tiêu là nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch…
hoan-thien-the-che-xay-dung-du-lieu-lon-de-quan-chat-thuong-mai-dien-tu-20241119203547.jpg

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cung cấp thông tin về việc về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Cùng với đó, đại diện Bộ Công an cũng thông tin về kết quả điều tra các đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm giả.

QUẢN LÝ THUẾ ĐỒNG BỘ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, việc triển khai Nghị định 117/2025/NĐ-CP đang được thực hiện đồng bộ trên cả hai phương diện: phía cơ quan nhà nước và phía các sàn thương mại điện tử. Nghị định đánh dấu một bước tiến trong công tác quản lý thuế trên nền tảng thương mại điện tử. Theo đó, trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế (GTGT, TNCN) sẽ do các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử có chức năng thanh toán thực hiện thay cho hộ, cá nhân kinh doanh.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính (cơ quan thuế) trong việc chuẩn hóa, chia sẻ dữ liệu sàn và ứng dụng thương mại điện tử (bao gồm mã số thuế, định danh cá nhân, tình trạng hoạt động). Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Dự án Luật Thương mại điện tử (dự kiến trình Quốc hội tháng 10/2025) để hoàn thiện khung pháp lý, bổ sung quy định về định danh điện tử và trách nhiệm sàn đối với các mô hình thương mại điện tử mới như livestream bán hàng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân kinh doanh tuân thủ pháp luật về thuế. Việc thu thuế, nộp thuế được quy định cụ thể tại Nghị định 117/2025 NĐ/CP.

hop-bao-3-1751540009893176887052.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Trong thời gian tới để triển khai Nghị định 117/2025, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, đặc biệt là các cơ quan thuế sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn với các sàn, người bán trên các sàn hiểu rõ hơn và thực hiện tốt các nghĩa vụ, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.

Đối với các nền tảng thương mại điện tử: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ phục vụ khấu trừ và nộp thuế thay; Tự động hóa quy trình trích thuế GTGT, TNCN; Chuẩn hóa dữ liệu định danh người bán; Rà soát dữ liệu người bán chưa đăng ký kinh doanh, chưa kê khai thuế; Tiếp tục hỗ trợ người bán hàng.

“ Đối với cộng đồng nhà bán hàng, chúng tôi đề nghị chủ động cập nhật thông tin định danh và mã số thuế cá nhân; Theo dõi thông tin hướng dẫn từ nền tảng, cơ quan thuế để tuân thủ nghĩa vụ mới; Điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với chính sách thuế, ví dụ xuất hóa đơn, theo dõi khấu trừ...”, Thứ trưởng Tân nói.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện nay việc triển khai Nghị định 117/2025 đang diễn ra nghiêm túc và đồng bộ. Bộ Công Thương và cơ quan thuế tiếp tục chủ động chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng cơ chế phối hợp; các sàn thương mại điện tử đã tích cực chuẩn bị hệ thống, tổ chức truyền thông, hướng dẫn và hỗ trợ người bán nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả nghĩa vụ khấu trừ và nộp thuế thay từ thời điểm Nghị định có hiệu lực.

TRONG THÁNG CAO ĐIỂM, KHỞI TỐ 124 VỤ SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ, HÀNG NHÁI

Đây là thông tin được Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, cung cấp tại họp báo. Cụ thể, theo Thiếu tướng Toản, trong tháng cao điểm, công an các đơn vị, địa phương đã khởi tố 124 vụ và 297 bị can liên quan hành vi này; xử lý hành chính 944 vụ và 968 đối tượng, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Sau 1 tháng cao điểm, Bộ vẫn tập trung và sẽ làm thường xuyên, liên tục.

Theo đánh giá của Bộ Công an, loại tội phạm này diễn biến rất phức tạp và thủ đoạn vi phạm hết sức tinh vi, từ khâu chuẩn bị thành lập các công ty bình phong và hệ sinh thái đến hoạt động nhập nguyên liệu, sản xuất hàng giả, tổ chức quảng cáo, tiêu thụ.

Việc này đi theo chu trình tinh vi, nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng và có tính chất rất nguy hiểm như sản phẩm Ofood đã đi vào các bữa ăn hằng ngày.

san-xuat-hang-gia.jpg

Về vụ án liên quan sản xuất, buôn bán sữa giả HIUP, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với 10 đối tượng về 2 nhóm hành vi. Một là vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và hai là sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Đối với vụ án sản phẩm Ofood, Bộ Công an nhận định, đây là vụ án buôn lậu, sản xuất dầu thực vật giả quy mô lớn, biến dầu dành cho thức ăn chăn nuôi thành dầu ăn cho người. Đây là hành vi rất nguy hiểm, chưa thể đánh giá hết hệ lụy đến sức khỏe người tiêu dùng. Đến nay, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng.

Về trách nhiệm của cơ quan chức năng và những người quảng cáo sản phẩm giả. Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, cả hai vụ án đang trong quá trình điều tra, trên tinh thần tập trung, khẩn trương nhưng phải chặt chẽ, thận trọng, khách quan, đúng bản chất, Cơ quan điều tra cũng làm rõ sơ hở, lỗ hổng trong quy định pháp luật để có kiến nghị liên quan, đặc biệt trong công tác quản lý Nhà nước. Toàn bộ nội dung này đang trong quá trình điều tra và khi có thông tin Bộ Công an sẽ gửi đến báo chí.