Công ty Cổ phần Thép Pomina (mã cổ phiếu POM) đã đề xuất kế hoạch tái cấu trúc toàn diện mới sau khi dừng kế hoạch huy động vốn thông qua việc chào bán riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phần.
Theo kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp được Công ty Cổ phần Thép Pomina (mã cổ phiếu POM - sàn HoSE) công bố, công ty dự kiến thành lập một pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Pomina Phú Mỹ với vốn điều lệ khoảng 2.700 - 2.800 tỷ đồng (chiếm 40% cơ cấu vốn) và vốn vay ngân hàng khoảng 4.000 tỷ đồng (chiếm 60% cơ cấu vốn).
Trong đó, Thép Pomina sẽ góp vốn bằng hiện vật là toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của các nhà máy Pomina 1 và Pomina 3, nhằm đổi lấy 35% vốn điều lệ. Nhà đầu tư khác sẽ góp bằng tiền mặt để nắm giữ 65% cổ phần còn lại.
Ban lãnh đạo Thép Pomina cho biết, kết quả định giá tài sản của hãng kiểm toán AFC và hãng tư vấn Savills, tổng giá trị tài sản của 2 nhà máy đem góp vốn là 6.694 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Trong đó, Nhà máy Pomina 1 được định giá là 336 tỷ đồng và Nhà máy Pomina 3 được định giá gần 6.358 tỷ đồng.
Đây là phương án tái cấu trúc mới sau khi Thép Pomina tạm dừng kế hoạch huy động 700 tỷ đồng từ việc chào bán riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phần (hơn 20% vốn điều lệ) cho đối tác Nansei (Nhật Bản). Theo kế hoạch ban đầu, số tiền huy động được từ đợt bán vốn này sẽ được dùng để khởi động lại lò cao và tái cấu trúc để tăng năng lực tài chính cho công ty.
Trong phương án tái cấu trúc lần này, ban lãnh đạo Thép Pomina cũng cho biết, Pomina Phú Mỹ sẽ có quyền sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối của Pomina. Đồng thời, các bên cũng chấm dứt đăng ký kinh doanh của Nhà máy Pomina 1 và Nhà máy Pomina 3.
Đáng chú ý, Thép Pomina đề xuất việc sát nhập cả Nhà máy Pomina 2 vào Pomina Phú Mỹ nhằm tận dụng ưu thế lò cao để giảm chi phí sản xuất.
Theo tính toán của ban lãnh đạo Thép Pomina, tổng giá trị các nhà máy Pomina 1 và Pomina 3 vào khoảng 6.000 - 6.800 tỷ đồng. Số tiền thu hồi được từ hai nhà máy này sẽ dùng để để góp 35% vốn điều lệ cho Pomina Phú Mỹ (900 - 1.000 tỷ đồng), thanh toán nợ vay ngắn hạn và dài hạn tại các ngân hàng (3.757 tỷ đồng) và nợ các nhà cung cấp (1.343 tỷ đồng).
Ban lãnh đạo Thép Pomina nhấn mạnh, việc tái cấu trúc hoạt động kinh doanh là cần thiết nhằm đồng bộ các khâu luyện và cán thép để tối ưu hóa năng lực sản xuất tại nhà máy thép Pomina 1 và nhà máy luyện phôi thép Pomina 3.
Hiện Thép Pomina đang rơi vào “vòng xoáy khủng hoảng” khi thua lỗ kéo dài và người có liên quan liên tục thoái vốn. Trong năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu 3.281 tỷ đồng, giảm 74,6% so với năm 2022 và tiếp tục báo lỗ ròng gần 960 tỷ đồng, so với mức lỗ gần 1.167 tỷ đồng trong năm 2022.
Như vậy, tổng lỗ luỹ kế của hãng sản xuất thép này hiện đã lên tới gần 1.271 tỷ đồng, tương đương 45,4% vốn chủ sở hữu (tính đến cuối năm 2023). Đây cũng là những mức lỗ cao nhất lịch sử 25 năm hoạt động của Thép Pomina.
Duy Quang