Tích cực cải thiện môi trường kinh doanh

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index - viết tắt là PCI) năm 2023 mới được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đã cho thấy doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn; cần được hỗ trợ, đồng hành nhiều hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh để vượt khó.

Doanh nghiệp vẫn khó khăn, mức độ lạc quan giảm sút

Chỉ số PCI (do VCCI triển khai nghiên cứu và công bố thường niên từ năm 2005 tới nay) là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, PCI đã được coi như “hàn thử biểu”, công cụ để doanh nghiệp gửi gắm nỗi niềm của mình, giúp chuyển tải tới chính quyền các địa phương những vấn đề doanh nghiệp gặp phải trong môi trường đầu tư kinh doanh. Chỉ số PCI cao cho thấy chất lượng điều hành kinh tế, mức độ hấp dẫn đầu tư đồng thời thể hiện niềm tin yêu của cộng đồng doanh nghiệp dành cho bộ máy chính quyền cấp tỉnh. Chính vì vậy, nhiều địa phương hằng năm đã công bố chương trình hành động nhằm cải thiện chỉ số này.

Đáng lưu ý, 2023 là năm nền kinh tế Việt Nam chạm đáy khó khăn do tác động dai dẳng, kéo dài của đại dịch Covid-19, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột quân sự, lạm phát thế giới ở mức cao, nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ; một số vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được khắc phục triệt để như lạm phát tăng, lãi suất cao và những bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản... Kết quả PCI 2023 đã phần nào thể hiện được thực trạng này.

Tại Lễ công bố chỉ số PCI 2023 hôm 9/5/2024, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, Trưởng nhóm nghiên cứu Dự án PCI cho biết, kết quả điều tra PCI 2023 thông qua phản hồi của 10.676 doanh nghiệp tham gia khảo sát tại 63 tỉnh, thành phố (trong đó có 9.127 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.549 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam) đã “cảm nhận” được 2023 là năm khó khăn, vất vả của Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, trong 14 vấn đề khó khăn cụ thể, có 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải bao gồm: tiếp cận vốn (với 57,1% doanh nghiệp được hỏi xác nhận), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%), khó khăn từ tác động của dịch Covid-19 (25,5%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (17,1%).

Đáng lưu ý, con số 57,1% số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay trong khảo sát doanh nghiệp thường niên của VCCI. Phân loại theo lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thì 60% số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đang gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng, cao nhất trong các nhóm; kế đến là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, với con số 58%.

Bên cạnh đó, khó khăn do biến động thị trường với 34,5% doanh nghiệp lựa chọn đã cho thấy sự khốc liệt của thị trường gia tăng (con số này đã tăng tới 10,7 điểm phần trăm so với kết quả khảo sát năm 2022 là 23,8%).

Mặc dù đã giảm mạnh từ con số 67,4% năm 2021 và 34,1% năm 2022, dịch Covid-19 vẫn đứng thứ tư về mức độ khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh trong khảo sát 2023 (chiếm 25,5%). Điều này cho thấy không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn chịu tác động tiêu cực của đại dịch này.

Ngoài ra, 14,5% số doanh nghiệp được khảo sát cho thấy họ vẫn gặp khó khăn do biến động chính sách và pháp luật, là khó khăn được doanh nghiệp xếp thứ 6 trong số 14 khó khăn cụ thể của năm 2023. Chỉ số này đã tăng mạnh so với con số 9,5% của năm 2022 và làm gián đoạn xu hướng giảm của chỉ tiêu này trong các năm từ 2018 đến năm 2022.

“Việc chỉ tiêu này đã tăng khoảng 5,1 điểm phần trăm so với năm trước đó đã ghi nhận mức tăng lớn thứ 2 trong số các nội dung khảo sát trong năm 2023. Dấu hiệu này có thể là hệ quả của những biến động chính sách trong điều hành thị trường xăng dầu, điện, trái phiếu trong năm vừa qua”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, Báo cáo PCI 2023 cho thấy, trở ngại đối với doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai tiếp tục gia tăng, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới; tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh có chi trả chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực có dấu hiệu tăng lên như đăng ký kinh doanh và thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện…

Đáng lưu ý hơn cả, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, mức độ lạc quan của doanh nghiệp đang có chiều hướng giảm. Cụ thể, khi được hỏi về kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới, chỉ 27% doanh nghiệp cho biết, sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh trong năm 2024 và 2025, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022 và thấp hơn cả mức đáy trước đây trong giai đoạn 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.

Dữ liệu khảo sát còn cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp trong khảo sát 2023 lên tới 16,2%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức cao kỷ lục 16,6% của khảo sát 2021 khi Việt Nam còn nằm trong tâm dịch Covid-19.

Cần đưa ra thêm hỗ trợ, đồng hành về cải thiện môi trường kinh doanh

Phát biểu ý kiến tại Lễ công bố chỉ số PCI 2023, ông Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc Quảng Ninh 7 năm liền đứng đầu xếp hạng PCI là kết quả quá trình liên tục nỗ lực, bền bỉ nâng cao năng lực của đội ngũ lãnh đạo, luôn đề cao và thực hành văn hóa phục vụ người dân và doanh nghiệp, kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hơn 10 năm qua...

“Chúng tôi luôn xác định trên hành trình cải cách, những nỗ lực phải đến hằng ngày, không tự chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được, mà luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ, giải quyết theo phương châm cái gì không đo lường được thì không quản trị được, cái gì không đo lường được thì không thay đổi được”, ông Huy nói.

Đối chiếu với bối cảnh hiện tại, Phó Tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, hơn lúc nào hết, 2024 là năm phải đưa ra những hỗ trợ đồng hành để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; đặc biệt là những nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Dữ liệu PCI 2023 cho thấy, tính tiên phong, dám nghĩ dám làm của các tỉnh, thành phố đang chững lại.

Đại diện cho nhóm doanh nghiệp bất động sản, một trong những nhóm doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhất hiện nay, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn G6 (G6 Land) cho biết, G6 Land hiện đang có một số dự án bất động sản chậm triển khai do vướng mắc thủ tục pháp lý, điều này khiến cho doanh nghiệp chậm ra sản phẩm bất động sản, thiếu hụt dòng tiền, thêm gánh nặng lãi vay… từ đó bị giảm sức chống chịu trong quá trình phục hồi và phát triển sau đại dịch.

“Một số dự án của chúng tôi đang phải chờ các luật mới có hiệu lực như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn ra đời thì mới có thể tháo gỡ được. Khi các văn bản luật này chưa được thực thi, một số cán bộ quản lý ở địa phương hiện đang lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp”, ông Quê phản ánh.

Đây cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp bất động sản nói riêng, doanh nghiệp khác nói chung hiện nay. Một báo cáo gần đây của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, 70% khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là vướng mắc về pháp lý, đặc biệt những vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Báo cáo 3768/BTC-QLCS ngày 10/4/2024 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” mà Bộ Tài chính vừa gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản đã tăng mạnh từ mức 3.970 tỷ đồng của năm 2016 lên mức “bùng nổ” 178.413 tỷ đồng và 265.906 tỷ đồng năm 2020 và 2021; sau đó đột ngột giảm mạnh về con số 52.643 tỷ đồng năm 2022. Sau một loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu và bất động sản, tỷ lệ này mới nhích lên 91.053 tỷ đồng năm 2023.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu riêng lẻ đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để doanh nghiệp bất động sản có thể hấp thụ các nguồn vốn mới, các vấn đề của thị trường phải được giải quyết một cách triệt để. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có chính sách bảo vệ nhà đầu tư cá nhân trên thị trường tài chính và các doanh nghiệp bất động sản làm ăn chân chính.

Trao đổi ý kiến với PV báo Thời Nay, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp đang khó khăn hiện nay, việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thậm chí còn quan trọng hơn những hỗ trợ trực tiếp khác (thí dụ hỗ trợ về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa…)

Theo vị chuyên gia, cải cách thể chế ở thời điểm hiện tại phải hướng đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Để hoạt động này thường xuyên, liên tục, dài hơi, ông Hiếu kiến nghị nghiên cứu xây dựng cơ quan độc lập, có thẩm quyền trực thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ với chức năng giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.