Tổng công ty Viglacera – CTCP (mã cổ phiếu VGC) vừa tiến hành họp đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 11/2023 và triển khai kế hoạch tháng 12/2023 với nhiều thông tin quan trọng.
Tại cuộc họp, ban lãnh đạo Tổng công ty Viglacera (mã cổ phiếu VGC – sàn HoSE) cho biết, luỹ kế 11 tháng năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của công ty ước đạt 1.663 tỷ đồng, hoàn thành 137% kế hoạch cả năm nay; trong đó, lợi nhuận công ty mẹ hoàn thành 142% kế hoạch cả năm và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, ước tính riêng lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty Viglacera trong tháng 11/2023 là 74 tỷ đồng, tăng gần 30% so với tháng 10/2023. Ban lãnh đạo công ty chia sẻ, trong bối cảnh thị trường không thuận lợi kéo dài hơn một năm qua, công ty đã chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp để góp phần đảm bảo kết quả sản xuất kinh doanh.
Tổng công ty Viglacera có kế hoạch đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2030 và đã bắt đầu triển khai một số dự án.
Cụ thể, đối với mảng vật liệu xây dựng, dù bối cảnh thị trường bất động sản và xây dựng trong nước gần như đình trệ, các dòng sản phẩm mới và có tính khác biệt như đá nung kết và kính siêu trắng của công ty vẫn tìm được chỗ đứng.
Đồng thời, Tổng công ty Viglacera cũng đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng. Nhờ đó, doanh số xuất khẩu toàn công ty trong 11 tháng năm 2023 đạt 42,2 triệu USD (khoảng 1.024 tỷ đồng), tăng 54% cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu mạnh, như: các sản phẩm gạch ốp lát (tăng 126%), kính PFG (tăng 79%), kính ViFG (tăng 16%), và sứ (tăng 68%).
Đối với mảng bất động sản dân dụng, bất động sản công nghiệp, Tổng công ty Viglacera cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực cùng với cổ tức thu từ các công ty con và công ty liên kết; qua đó, đóng góp một phần lớn vào tổng doanh thu và lợi nhuận của toàn công ty.
Hiện Tổng công ty Viglacera sở hữu và vận hành 12 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.000 ha. Các khu công nghiệp này đã thu hút 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước, với hơn 16 tỷ USD vốn FDI, trong đó có các doanh nghiệp tên tuổi lớn trên thế giới như Samsung, Amkor, Canon, Hyosung, Anam Electronics, IRC Tire, Toyoda Gosei…
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VGC của Viglacera từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Ở mảng nhà ở xã hội, Tổng công ty Viglacera có kế hoạch đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2030 và đã bắt đầu triển khai một số dự án như dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Đồng Văn IV, dự án nhà ở xã hội tại Kim Chung, dự án nhà ở công nhân Hải Yên - Quảng Ninh, hoặc thông qua tham gia đấu thầu các dự án mới tại Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nội.
Trong tháng 12/2023, Tổng công ty Viglacera xác định lĩnh vực vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong ngắn hạn, bởi thị trường chưa xuất hiện nhiều dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên, công ty sẽ chủ động bám sát và đánh giá kịp thời diễn biến thị trường, từ đó điều tiết chủng loại sản phẩm và sản lượng, điều tiết sản lượng sản xuất theo nhu cầu thị trường, tiết giảm chi phí sản xuất, giảm lượng tồn kho, đẩy mạnh công tác bán hàng, tập trung tái cơ cấu mạnh mẽ về sản phẩm cũng như hoạt động quản trị công ty.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Tổng công ty Viglacera cho biết, sẽ tập trung thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các dự án khu công nghiệp: Thuận Thành I, Tiền Hải, Phong Điền, Phú Hà, Hải Yên để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cả năm 2023, Tổng công ty Viglacera ước tính sẽ ghi nhận doanh thu khoảng 218 ha diện tích kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, tiếp tục giữ vai trò đóng góp chính cho mức doanh thu chung của tổng công ty.
Lan Anh