Vụ từ chối bồi thường hơn 2,7 tỷ đồng: Bảo hiểm PVI không chấp nhận phán quyết của tòa

Cho rằng bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân TP.HCM là "không có cơ sở, không khách quan, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật" nên Bảo hiểm PVI đã có đơn đề nghị thủ tục giám đốc thẩm, đồng thời đề nghị hoãn thi hành án…
Bảo hiểm PVI thua kiện, phải bồi thường cho Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng

Liên quan đến vụ việc từ chối bồi thường hơn 2,7 tỷ đồng bảo hiểm của Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM, Tạp chí Thương Gia đã nhận được phản hồi của Tổng công ty Bảo hiểm PVI. Văn bản do ông Vũ Văn Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ký ngày 2/8/2024.

Trước đó, Thương Gia đã có bài viết: "Tổng công ty Bảo hiểm PVI thua kiện, chây ì thanh toán tiền bồi thường" theo phản ánh của của Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM về việc Tổng tổng công ty Bảo hiểm PVI viện các lý do để từ chối bồi thường số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Theo phản ánh, ngày 11/8/2020, Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM ký kết hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển với Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành, chi nhánh của Tổng công ty Bảo hiểm PVI (sau đây gọi là PVI) và được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm số 20/18/41/VCND/PC00637. Đối tượng bảo hiểm là 3.670 tấn đá (0-6cm) đóng bao được chở trên tàu Thành Hưng 41 khởi hành ngày 15/01/2021 từ cảng PTSC Nghi Sơn Thanh Hóa đến cảng TP.HCM.

Thật không may, trong quá trình vận chuyển, ngày 22/8/2021, khi tàu Thành Hưng 41 đang neo đậu tại vùng biển tiếp giáp giữa Nghệ An và Thanh Hóa thì bị chìm, dẫn tới việc tổn thất hoàn toàn 3.670 tấn đá (0-6cm) đóng bao của Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM.

Ngày 23/8/2021, Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM đã thông báo cho PVI biết về sự kiện bảo hiểm trên và yêu cầu PVI bồi thường. Tuy nhiên, PVI đã viện đủ lý do để từ chối bồi thường, buộc doanh nghiệp này phải khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi.

Cả bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Tân Bình (TP.HCM) ngày 25/9/2023 và bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân TP.HCM ngày 17/5/2024 đều tuyên PVI phải bồi thường cho Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM số tiền 2.719.523.170 đồng. Tuy nhiên, đến nay, Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM cho biết, họ vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào từ PVI.

NHỮNG LÝ LẼ CỦA PVI

Phản hồi về vụ việc, PVI khẳng định tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự thủ tục bảo hiểm hàng hóa; khi xảy ra tổn thất đã giải quyết khiếu nại theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng và quy định luật kinh doanh bảo hiểm đối với Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM. Tuy nhiên, đơn vị này đã không đồng ý và khởi kiện ra tòa.

Theo PVI, quyết định của Tòa án án cấp sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm "không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của PVI; vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho PVI không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật và có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của PVI".

PVI nhận định: Việc Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm cho rằng vấn đề Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa số 00014/20V15 (sau đây gọi là giấy đăng kiểm) đối với tàu Thành Hưng 41 không còn hiệu lực là lỗi hoàn toàn của PVI là không có căn cứ, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật. PVI cho rằng, đơn vị này là nhà bảo hiểm hàng hóa và tại hợp đồng bảo hiểm do Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM đã ký có cam kết: “Phương tiện vận chuyển hàng hóa theo điều khoản này phải đảm bảo đủ điều kiện vận hành, tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện và đáp ứng các yêu cầu về an toàn chuyên chở theo quy định pháp luật”.

PVI cũng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tàu chìm là do tình trạng kỹ thuật của tàu Thành Hưng 41 xuống cấp nhưng không được bảo dưỡng, sửa chữa, các trang thiết bị không hoạt động được, dù đã được các cơ quan có thẩm quyền (Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa) nhắc nhở. Với các vi phạm của chủ tàu liên quan trực tiếp tới vụ tổn thất như trên cộng với việc chủ tàu không thỏa mãn/duy trì sự liên tục của Giấy đăng kiểm nhưng tòa án không đưa Công ty TNHH Hàng hải Trường Giang (chủ tàu Thành Hưng 41, là người trực tiếp thực hiện việc vận chuyển lô hàng) tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Do đó, cần đưa Công ty TNHH Hàng hải Trường Giang tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm rõ trách nhiệm của chủ tàu.

Mặt khác, theo PVI, căn cứ điều khoản loại trừ, người bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm đối với mất mát, hư hỏng hay chi phí gây ra bởi... phương tiện vận chuyển không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông" tại Quy tắc bảo hiểm đã ban hành, đính kèm Hợp đồng bảo hiểm giữa PVI và Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM thì PVI không có trách nhiệm đối với tổn thất lô hàng trên tàu Thành Hưng 41. Do đó, bản án phúc thẩm tuyên PVI phải bồi thường Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM số tiền 2.719.523.170 đồng là không có cơ sở.

“Xét thấy bản án phúc thẩm là không khách quan, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật nên PVI đã có đơn đề nghị thủ tục giám đốc thẩm gửi tới Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp cao và làm đơn đề nghị hoãn thi hành án gửi tới Chi cục Thi hành án”, văn bản của PVI nhấn mạnh và cho biết, hiện nay PVI chưa nhận được quyết định thi hành án. Vì vậy, PVI chưa thực hiện việc thanh toán cho Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM.

TÒA ÁN ĐÃ BÁC BỎ NHƯ THẾ NÀO?

Xin nhắc lại rằng, đây cũng chính là những lý lẽ mà PVI đã đưa ra trong các phiên tòa và đều đã bị cả tòa sơ thẩm Quận Tân Bình và tòa Phúc thẩm TP. HCM bác bỏ.

Cụ thể, bản án phúc thẩm nhận định: Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm và cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hàng hóa, PVI đã kiểm tra tàu Thành Hưng 41 đủ điều kiện chuyên chở, tuổi tàu 11 năm (chưa quá 20 năm), tàu có đăng kiểm, có bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực. PVI chấp nhận bảo hiểm khi tàu đáp ứng các điều kiện chuyên chở nên không thể áp dụng điều khoản loại trừ khi PVI đã cấp đơn, đã kiểm tra các điều kiện về tàu, xác định đủ điều kiện tham gia bảo hiểm đối với lô hàng.

Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM không được PVI yêu cầu phải cam kết chịu trách nhiệm về các điều kiện của chủ phương tiện (tàu Thành Hưng 41) sau khi Giấy chứng nhận bảo hiểm hàng hóa có hiệu lực, cũng như giải thích về điều kiện loại trừ.

Cụ thể, giấy đăng kiểm của tàu Thành Hưng 41 do Chi cục đăng kiểm số 10 cấp chỉ có hiệu lực đến ngày 09/4/2021 mà tàu Thành Hưng 41 bị chìm ngày 22/8/2021, tức giấy chứng nhận này đã hết hiệu lực hơn bốn tháng. Như vậy, theo trách nhiệm bảo hiểm chưa kết thúc hành trình vận chuyển hàng hóa thì PVI phải có trách nhiệm thông báo đôn đốc cho chủ phương tiện hoặc Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM làm thủ tục đăng kiểm tàu. PVI đổ lỗi cho chủ phương tiện là không đúng.

Mặt khác tại phiên tòa, PVI xác nhận bảo hiểm hàng hóa theo chuyển chứ không bảo hiểm phương tiện vận chuyển. Trong vụ án này, nếu có tranh chấp về hợp đồng vận chuyển liên quan tàu Thành Hưng 41 thì PVI khởi kiện vụ án khác.

pvi-7-1097.jpg
PVI Bến Thành, chi nhánh của Tổng công ty Bảo hiểm PVI là đơn vị trực tiếp bán bảo hiểm cho Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM

Tòa phúc thẩm cũng nhận định, trong nội dung hợp đồng bảo hiểm không có quy định bắt buộc trách nhiệm cũng như yêu cầu Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM hoặc chủ phương tiện vận chuyển phải đảm bảo các điều kiện phương tiện vận chuyển phải tiếp tục đăng kiểm, trong thời gian hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực từ (10/4/2021 đến hết thời gian bảo hiểm, không có thời gian kết thúc bảo hiểm).

"Như vậy, có cơ sở lỗi này hoàn toàn thuộc về PVI. Đây là thiếu sót của PVI dẫn đến tranh chấp nên PVI không được miễn trừ trách nhiệm bảo hiểm. Việc công ty PVI không kiểm tra, không thông báo nhắc nhở chủ phương tiện là có thiếu sót trong quá trình cấp và trong thời gian bảo hiểm, không giải thích rõ trách nhiệm của khách hàng sau khi cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm nên không thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm”, bản án phúc thẩm nhận định.

PVI cho rằng nội dung công văn của Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa đã thể hiện tàu Thành Hưng 41 không có khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông, nhưng theo trích yếu của công văn đã ghi: “Báo cáo tình trạng và xin ý kiến xử lý đối với tàu Thành Hưng 41 neo đậu dài ngày tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong khu vực ". Nội dung công văn mang tính chất cảnh báo và tình trạng thực tế của tàu, mặt khác tại phiên tòa các bên xác nhận tại thời điểm tàu chìm qua phương tiện thông tin đại chúng được biết thời tiết xấu là do có cơn bão mạnh và chưa có cơ quan có thẩm quyền nào xác nhận hoặc thẩm định nguyên nhân tàu Thành Hưng 41 chìm.

Căn cứ văn bản trả lời ngày 16/3/2023 của Cảng vụ Hàng hải Nghệ An có cơ sở xác định tàu Thành Hưng 41 đã chìm ngày 22/8/2021 tại vùng biển tiếp giáp giữa Nghệ An và Thanh Hóa và lời xác nhận của các bên có thể xác định lô hàng 3.670 tấn đá (0-6cm) đóng bao của Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM đã bị tổn thất. Đây là việc xảy ra sự kiện bảo hiểm, do đối tượng được bảo hiểm bị tổn thất hoàn toàn. Căn cứ Điều 21 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010 quy định: “Trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản quy định không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”.

“Với lý do kháng cáo của Công ty PVI, tại phiên tòa phúc thẩm Công ty PVI không cung cấp thêm tài liệu chứng cứ hay trình bày các tài liệu chứng cứ nào cho yêu cầu kháng cáo của mình là không có cơ sở xem xét”, bản án của Tòa án nhân dân TP.HCM khẳng định.

DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Đoàn Thị Thu Hiền, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định: Trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng của mình vì thiệt hại của khách hàng là có thật, cũng như Toà án đã phân xử đúng sai rõ ràng bằng phán quyết có hiệu lực.

Theo Luật sư Hiền, bản án, quyết định của Toà án phải được mọi cơ quan tổ chức chấp hành. Điều 106, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Sau khi cơ quan thi hành án có quyết định thi hành án, nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân không chấp hành án thì ngoài tiếp tục phải trả tiền lãi theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường, họ sẽ bị cơ quan thi hành án áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án như phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản… hoặc nếu trốn thi hành án thì sẽ bị xử phạt hành chính, hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý tội “không chấp hành án”.

Nếu qua quá trình xác minh điều kiện thi hành án mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không còn tài sản gì để thi hành án, thì người yêu cầu thi hành án có thể làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp bảo hiểm này theo Luật Phá sản. Pháp luật sẽ bảo vệ bên mua bảo hiểm trong trường hợp đã có phán quyết có hiệu lực của toà án và mọi hành vi sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

pvi-5-3675.jpg
Trụ sở Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM

Cũng cần nói thêm là, trong đơn gửi đến Thương Gia, Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM, phản ánh: Vì tin tưởng vào uy tín, thương hiệu và nhiều cái nhất của PVI nên mới mua bảo hiểm của đơn vị này nhưng khi xảy ra sự cố mới thấy PVI đã hoàn toàn đứng ngoài và chỉ tìm mọi lý do để thoái thác, từ chối trách nhiệm bồi thường. Hiện vụ việc đã có bản án của toà án nhưng PVI tiếp tục chiêu bài kéo dài, chây ỳ thanh toán, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro, mà khi rủi ro đến lại nhận được thêm nhiều rủi ro khác. Thật trần ai cho những ai mua bảo hiểm mà lại bị “hành” như với trường hợp của chúng tôi khi mua tại Tổng công ty Bảo hiểm PVI”, đại diện Công ty Cổ phần Hóa chất TP.HCM bức xúc trước cách hành xử của một tổng công ty lớn về bảo hiểm như PVI.

BẢO HIỂM PVI ĐÃ NHẬN ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH THI HÀNH ÁN

Ngày 13/8, trả lời Thương Gia, đại diện Bảo hiểm PVI cho biết, đơn vị này đã nhận được Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 2912/QĐ-CCTHADS của Chi cục Thi hành án Dân sự quận Tân Bình (Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM).

Đại diện theo ủy quyền của Bảo hiểm PVI cũng đã có phiên làm việc trực tiếp với Chi cục Thi hành án dân sự quận Tân Bình vào sáng ngày 12/8/2024. Bảo hiểm PVI khẳng định sẽ thực hiện đầy đủ các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, “xét thấy bản án, quyết định của tòa án các cấp không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, do đó Bảo hiểm PVI vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục tố tụng cần thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Bảo hiểm PVI”, đại diện Bảo hiểm PVI nhấn mạnh.