Chệnh lệch giá HRC tại Việt Nam với thị trường Mỹ và châu Âu đã tăng cao trong thời gian gần đây, điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG).
Thép Nam Kim phụ thuộc mạnh vào kênh xuất khẩu
Trong quý 3/2023, sản lượng tiêu thụ của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) đạt 208.000 tấn, tăng gần 19% so với quý 3/2022 (mức đáy 3 năm) nhưng lại giảm 12,1% so với quý 2/2023. Đây cũng là mức giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm 0,6% của toàn ngành thép Việt Nam trong cùng kỳ.
Sản lượng của Thép Nam Kim giảm chủ yếu do sản lượng xuất khẩu trong quý 3/2023 đã giảm tới 19,2% so với quý 2/2023 khi lực cầu từ một số thị trường trọng điểm suy yếu. So với các doanh nghiệp ngành thép khác, kết quả kinh doanh của Thép Nam Kim phụ thuộc nhiều hơn vào kênh xuất khẩu.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng tiêu thụ qua kênh xuất khẩu chiếm khoảng 60% tổng sản lượng tiêu thụ của Thép Nam Kim, so với mức 45% của Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) và so với mức 40% của trung bình toàn ngành thép Việt Nam.
Biên lợi nhuận gộp trong quý 3/2023 của Thép Nam Kim đạt 4,8%, cải thiện mạnh so với mức -3,6% của quý 3/2022, nhưng thấp hơn nhiều so với mức 9% của quý 2/2023. Nguyên nhân do giá bán trung bình trong quý 3/2023 đã giảm 12% so với quý 2/2023, xuống còn 20,5 triệu đồng/tấn sản phẩm - mức thấp nhất kể từ quý 2/2021.
Điều này có thể do giá thép tại các thị trường phát triển (chiếm khoảng 80% sản lượng xuất khẩu của Thép Nam Kim) giảm nhanh hơn so với mức giảm giá ở thị trường châu Á.
Chệnh lệch giá HRC hỗ trợ kênh xuất khẩu tăng tốc trở lại
Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá hoạt động kinh doanh của Thép Nam Kim dự kiến sẽ ở mức tích cực hơn trong những quý tới với sản lượng xuất khẩu và biên lợi nhuận được cải thiện nhờ giá thép phục hồi.
Trong đó, hãng Chứng khoán SSI đánh giá, sản lượng xuất của Thép Nam Kim sẽ phục hồi nhờ nhu cầu từ các thị trường phát triển. Đáng chú ý, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Mỹ và châu Âu hiện đã tăng lần lượt trên 50% và 10% so với mức đáy hồi tháng 9 - tháng 10/2023.
Chênh lệch về giá tại các thị trường phát triển, đặc biệt là tại thị trường Bắc Mỹ, đã tăng trở lại trong hai tháng qua, do nguồn cung hạn chế khi thời gian giao hàng kéo dài, giá nguyên liệu đầu vào tăng, hoạt động dự trữ hàng và tăng thuế của châu Âu đối với thép xuất xứ từ Nga.
Mặc dù giá thép tại các thị trường phát triển sẽ khó có thể tăng mạnh thêm khi nhu cầu thực tế chưa hồi phục mạnh, nhưng chênh lệch giá gia tăng sẽ hỗ trợ xuất khẩu thép của Việt Nam nói chung, Thép Nam Kim nói riêng trong những tháng tới đây, SSI Research cho biết.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng bán hàng trong tháng 10 và tháng 11/2023 của Thép Nam Kim đã tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng quan điểm như trên, hãng Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định kênh xuất khẩu của Thép Nam Kim sẽ tăng tốc trong những tháng tới. Nhu cầu thép năm 2024 tại các thị trường chủ lực của doanh nghiệp này, gồm EU, ASEAN và Australia, đều được Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) dự báo ở mức cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung toàn cầu.
Ben cạnh đó, Thép Nam Kim đang được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp nhất ở nhiều thị trường tiềm năng với ngành thép Việt Nam như Canada, Mexico, Australia và Malaysia.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 26/12, thị giá cổ phiếu NKG đạt 24.200 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 95% so với hồi đầu năm nay.
Duy Quang