Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những mức thưởng nóng từ 900 nghìn đồng đến hơn 10 triệu đồng cho người giới thiệu lao động mới. Song sự cạnh tranh này không mang lại hiệu quả.
Nhờ tích cực tìm kiếm, kết nối mở rộng thị trường, từ đầu năm đến nay, Công ty CP May và dịch vụ Hưng Long đã có lượng đơn hàng tăng dần. Từ tháng 5, công ty đã thực hiện tăng ca trở lại. Thị trường dần ổn định nhưng khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp lúc này chính là duy trì đội ngũ hơn 3.000 công nhân để bảo đảm các đơn hàng xuất khẩu. Giữ chân lao động trở thành thách thức lớn khi nhiều lao động liên tục nhảy việc.
Bài toán “giữ chân” lao động
Chị Hoàng Thị Phương, một công nhân đã nhiều năm gắn bó với công ty cho biết, năm nay công ty đã có nhiều đơn hàng hơn. Nhờ đó mà thu nhập của người lao động cũng tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên vẫn có không ít công nhân nghỉ việc để sang doanh nghiệp khác vì nhiều lý do. Theo chị Phương: “Những công nhân như chúng tôi thường xuyên được chào mời để sang các đơn vị khác. Nếu không gắn bó với công ty thì rất dễ chuyển việc”.
Ông Phí Quang Đức, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, kinh tế suy thoái, kinh doanh đã khó nhưng tìm giải pháp để thu hút và giữ chân lao động càng khó khăn hơn. Không có lao động thì doanh nghiệp không thể duy trì và phát triển được.
Để giải bài toán này, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những mức thưởng nóng từ 900 nghìn đồng đến hơn 10 triệu đồng cho người giới thiệu lao động mới. Song sự cạnh tranh này không mang lại hiệu quả khi số lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất vẫn thường xuyên bị thiếu hụt.
Đây cũng là tình trạng diễn ra khá phổ biến từ nhiều năm nay của các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực gia công như dệt may, da giày. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Hưng Yên, các doanh nghiệp đang phải nỗ lực để duy trì một mặt bằng lương ổn định. “Chúng tôi không chỉ cạnh tranh về đơn giá mà còn phải cạnh tranh về lao động nên rất khó khăn”.
Không chỉ những doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng gặp khó khi tuyển và giữ chân lao động, đặc biệt là những lao động có tay nghề. Foxconn Việt Nam, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apply cho biết, năm nay, tập đoạn dự kiến sẽ tuyển từ 73 nghìn đến 100 nghìn lao động tại Việt Nam. Nhưng doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Ông Chou I Wen, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KHKT Hồng Hải (Foxconn Việt Nam) cho biết, hiện tập đoàn đã xây dựng nhiều chính sách ưu đãi khi tuyển dụng để gia tăng cơ hội thu hút lao động có chất lượng. Thí dụ lương khởi điểm cho lao động phổ thông cao hơn mức lương quy định của Nhà nước là 5%, đối với lao động qua đào tạo thì cao hơn 7%. Chưa kể lao động còn được hưởng thêm các khoản phụ cấp như tiền ăn, nhà ở, thai sản…
Để thu hút lao động, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các chế độ đãi ngộ, phúc lợi đầy đủ và việc làm ổn định. Ngoài ra, người lao động còn được nhận thêm các khoản tiền thưởng khác. Nhưng có lẽ bài toán tuyển dụng lao động vẫn đang là nút thắt khó gỡ với nhiều doanh nghiệp.
Xây dựng hệ sinh thái lao động bền vững
Là một trong những địa phương công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, nhu cầu lao động tại Bắc Ninh rất lớn. Hiện số lao động tại địa phương chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Còn lại phần lớn các doanh nghiệp phải tuyển lao động từ các tỉnh lân cận.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, trong bối cảnh nhiều địa phương khác cũng đang tích cực thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp thì việc giữ chân và thu hút lao động tại Bắc Ninh ngày càng khó khăn. “Nhiều lao động lựa chọn quay về quê hương để làm việc, nơi mà mức lương không phải là yếu tố quyết định. Chính vì vậy, tôi cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải tăng cường chính sách an sinh tốt hơn cho các lao động nhập cư. Địa phương cũng cần tham gia tích cực hơn với các doanh nghiệp trong việc tạo dựng một môi trường sống, môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động”.
Thu hút và giữ chân lao động đang trở thành một trong những trở ngại đối với không ít doanh nghiệp khi tính toán tới mở rộng hoạt động sản xuất. Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, chính quyền các địa phương cũng cần vào cuộc trong việc xây dựng một hệ sinh thái lao động bền vững thông qua hoạt động đào tạo tại chỗ, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, nghiên cứu cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp làm tốt công tác an sinh để tạo ra mặt bằng tích cực cho địa phương. Tránh tình trạng “nơi thừa, nơi thiếu” khiến doanh nghiệp bị động.
Theo khảo sát của Falmi (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh), thị trường lao động quý I vừa qua sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2023 khi nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề tăng 11,22%. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ với gần 54.000 chỗ làm việc, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái; khu vực công nghiệp - xây dựng với hơn 29.000 chỗ làm việc, tăng 5,46%…
Tại Hà Nội, những tín hiệu cũng cho thấy thị trường lao động khởi sắc. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tuy còn nhiều khó khăn song có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động Hà Nội tiếp tục duy trì đà phục hồi khi số người có việc làm tăng và tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm so với đầu năm, nhu cầu tuyển dụng của phần lớn các ngành sẽ có xu hướng tăng trưởng.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự báo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong năm nay là hơn 1 triệu lao động, tập trung vào ba lĩnh vực chính gồm: Dịch vụ 56%; công nghiệp - xây dựng 37%; nông - lâm - thuỷ sản 7%.
ĐẠI KIM