'Big 4' ngân hàng quốc doanh đua tăng vốn

Việc tăng vốn điều lệ cho nhóm ngân hàng quốc doanh, theo Ngân hàng Nhà nước, là cần thiết để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn và có dư địa cho vay.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông năm 2024 với tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2022.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ kiểm toán năm 2022 của Vietcombank đạt hơn 29,387 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng sẽ dùng toàn bộ hơn 21.680 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông.

Ước tính tỷ lệ thực hiện quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu của Vietcombank sẽ là 38,79%/vốn điều lệ, tương đương phát hành thêm khoảng 2,17 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Sau khi hoàn tất chia cổ tức năm 2022, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm 21.680 tỷ đồng, lên mức hơn 77.571 tỷ đồng.

Trước đó, một ngân hàng khác thuộc nhóm 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Việt Nam – Big 4 là Vietinbank cũng thông qua phương án tăng vốn bằng lợi nhuận để lại.

Cụ thể, Vietinbank sẽ sử dụng phần lợi nhuận còn lại năm 2022, khoảng 11.648 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Theo phương án này, vốn điều lệ của Vietinbank sẽ tăng từ 53.700 tỷ đồng lên hơn 65.300 tỷ đồng.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 gần đây, Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình đã kiến nghị tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại Nhà nước tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính.

Sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, Vietinbank tiếp tục đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

BIDV – một ông lớn ngân hàng quốc doanh khác chưa công bố kế hoạch cụ thể song nhiều khả năng cũng sẽ tiến hành tăng vốn trong năm nay.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây, BIDV đã thông qua việc điều chỉnh thời gian thực hiện chào bán thêm cổ phiếu tại phương án tăng vốn điều lệ năm 2023. Cụ thể, Đại hội cổ đông đã quyết định lùi thời gian thực hiện phương án tăng vốn sang năm 2024.

Hiện BIDV còn kế hoạch phát hành thêm 455 triệu cổ phiếu theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Ngân hàng chưa công bố chi tiết kế hoạch chào bán, song BIDV từ lâu đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và đến nay chưa thực hiện thành công.

Với Agribank, ngân hàng chưa niêm yết và tốc độ tăng vốn cũng khá chậm so với các ngân hàng quốc doanh khác.

Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021 - 2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 của ngân hàng, tối đa là 17.100 tỷ đồng.

Nghị quyết nêu rõ, trong năm 2023 bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt để tăng vốn cho Agribank.

Năm 2024, bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Như vậy, nếu được bổ sung, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng.

Việc tăng vốn điều lệ cho nhóm ngân hàng quốc doanh, theo Ngân hàng Nhà nước, là cần thiết để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn và có dư địa cho vay. Trong đó, Agribank là trường hợp bức thiết nhất.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng dẫn số liệu thống kê tính đến cuối năm 2022, vốn điều lệ của Agribank là 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước và thậm chí thấp hơn nhiều so với một số nhà băng tư nhân khác như Techcombank, MB, VPBank.

Do đó, việc bổ sung vốn cho Agribank là rất cấp thiết, giúp nhà băng 100% vốn nhà nước này đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định 8%, hướng tới tuân thủ quy định Basel II.

Tin liên quan