'Điểm chạm' khơi thông dòng vốn

“Thừa tiền, thiếu vốn” là tình trạng được nhắc nhiều trong thời gian qua...

'Điểm chạm' khơi thông dòng vốn

“Thừa tiền, thiếu vốn” là tình trạng được nhắc nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc thừa tiền là có thật nhưng thiếu vốn thì chưa chắc, bởi tình trạng kinh doanh ảm đạm, buôn bán ế ẩm khiến các DN không dám hoặc không biết vay vốn để làm gì. Chính vì vậy, việc hạ lãi suất để có vốn rẻ hơn, thậm chí là “hạ chuẩn” cho vay sẽ là “điểm chạm” để ngân hàng và dn gặp nhau, khơi thông nguồn vốn, kích hoạt sự lưu thông bình thường của nền kinh tế.

Ngày 27/10, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,78% so với cuối năm 2022, trong đó, tín dụng đối với DN đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế. Tuy đã có sự khởi sắc so với thời gian trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (9 tháng tăng 11,05%). Mức tăng trưởng này cũng còn rất xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là khoảng 14%.

THẾ TRẬN “TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN”

Garmex Sài Gòn là một trong những DN dệt may có tiếng ở TP.HCM với doanh thu đều đặn hàng nghìn tỷ đồng và lợi nhuận từ vài chục đến cả trăm tỷ mỗi năm. Thế nhưng, đó là câu chuyện của những năm trước. Còn hiện nay, công ty này đang rơi vào thảm cảnh khi đơn hàng èo uột. Thậm chí, trong quý 3 năm nay, Garmex Sài Gòn không có đơn hàng, doanh thu hợp nhất của công ty chỉ vỏn vẹn 73 triệu đồng đến từ dịch vụ.

Từ chỗ có hàng nghìn công nhân, tại thời điểm cuối quý 3/2023, Garmex Sài Gòn chỉ còn 37 nhân sự, giảm 4 người so với cuối quý 2/2023 nhưng giảm hơn 1.900 người so với cuối năm 2022 và hơn 3.700 người so với cuối 2021.

'Điểm chạm' khơi thông dòng vốn 2

Thạc sỹ Phạm Nguyễn Hữu Hậu

Chính phủ không nên quá lo ngại về lạm phát khi chỉ số CPI đang được kiểm soát khá ổn định và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang giảm sút nghiêm trọng, mà mạnh dạn “bơm” tiền cho nền kinh tế để cứu doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thạc sỹ Phạm Nguyễn Hữu Hậu

Garmex Sài Gòn là điển hình cho hàng nghìn DN tại TP.HCM đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Thạc sỹ Nguyễn Phạm Hữu Hậu, Phó Chủ tịch Hanita Master, Chuyên gia kinh tế nhận định: Bức tranh ảm đạm của nền kinh tế Việt Nam trong suốt hai năm trở lại đây rất đáng quan ngại về khả năng xuất hiện của “mầm mống” giảm phát.

“Đa phần những DN có đủ điều kiện vay vốn không mặn mà vay thêm để mở rộng kinh doanh vì nhu cầu tiêu dùng của người dân đã và đang giảm sút rất đáng kể”, Thạc sỹ Hậu nhận định và cho biết: Những doanh nghiệp này lựa chọn phương án khá an toàn trong thời điểm này là giảm sản lượng, giảm nhân sự. Điều này dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Khi người lao động mất việc, mất thu nhập lại phải cắt giảm chi tiêu tối đa khiến hàng hóa ế ẩm.

'Điểm chạm' khơi thông dòng vốn 3

Đó là cái vòng luẩn quẩn mà DN đang mắc kẹt, chưa thể tìm ra lối thoát trong bối cảnh hiện nay. Trong lĩnh vực bất động sản cũng diễn ra tình trạng tương tự khi tâm lý chờ đợi đã kéo thanh khoản tụt dốc không phanh. Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – bất động sản DXS – FERI hồi đầu năm đã đưa ra 3 kịch bản cho thị trường bất động sản năm 2023 gồm: Kịch bản lý tưởng, kịch bản kỳ vọng và kịch bản thách thức. Đến giờ, dường như thị trường đang ứng với kịch bản thách thức khi nguồn cung vẫn tiếp tục khan hiếm, tỷ lệ hấp thụ giảm sâu về mức trung bình chỉ trên dưới 20%, có phân khúc, có thị trường chỉ hấp thụ tầm 5%.

“Tất cả các bên tham gia vào thị trường đều đang ở trong thế trận “tiến thoái lưỡng nan”. Cụ thể, Chính phủ vừa phải giảm lãi suất để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhưng cũng phải cân đối để tránh làm ảnh hưởng đến tỷ giá, tính an toàn của hệ thống tài chính. Các DN trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ cũng chung hoàn cảnh, đứng trước tình thế vay hay không vay. Bởi áp lực cần vay nợ để có chi phí duy trì hoạt động nhưng nguy cơ phải gánh thêm nợ mới trước tình trạng đơn hàng không có, hàng tồn kho còn nhiều, khó càng thêm khó”, TS. Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện DXS – FERI nhận định.

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Tất nhiên, không phải DN nào cũng “chê tiền”. Là một chuyên gia kinh tế, làm công tác hiệp hội DN nhiều năm và cũng là một doanh nhân trên thương trường, TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Trần Liên Hưng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội DN ĐBSCL, khi tiếp xúc, trao đổi với các DN đều nhận thấy sự thất vọng vì không có nguồn tiền, không tiếp cận được vốn vay trong thời điểm vừa qua.

'Điểm chạm' khơi thông dòng vốn 4

“Dòng vốn luôn được xem là “mạch máu” của DN. Nó vừa là động lực, vừa là đòn bẩy giúp các DN có thể thực hiện việc sản xuất kinh doanh, phục hồi khó khăn sau giai đoạn vô cùng khó khăn từ dịch Covid-19 bùng phát đến nay.

Đặc biệt, trong giai đoạn “nước rút”, chỉ còn cách Tết Nguyên đán 2024 chưa đầy 3 tháng nữa, rất nhiều DN cần dòng tiền, nguồn vốn để mở rộng sản xuất, tăng gia sản xuất, “chạy đua” cung ứng ra thị trường các sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất phục vụ khách hàng dịp Tết đến, Xuân về.

Hiện các doanh nghiệp đang rất cần các chính sách hỗ trợ mang tính đồng bộ để tạo động lực, cú huých lớn giúp họ phục hồi. Khi các doanh nghiệp phục hồi thì việc tiếp cận vốn và hấp thụ vốn cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.

TS.Trần Khắc Tâm

Thế nhưng, nhiều DN không thể tiếp cận được vốn vay và khả năng hấp thụ vốn rất yếu, trong khi ngân hàng lại đang thừa tiền”, TS.Trần Khắc Tâm đưa ra nghịch lý và chỉ ra 4 nguyên nhân chính:

Đầu tiên phải kể đến là việc các tổ chức tín dụng siết lại việc cho vay, đặc biệt là đối với các DN kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Bởi mấy năm qua, nhiều DN bất động sản phát triển nóng, đầu tư dàn trải, huy động trái phiếu, vay nợ ngân hàng rất lớn. Nếu các DN này xảy ra vấn đề thì rủi ro tài chính cho hệ thống ngân hàng rất lớn. Vì vậy, ngân hàng phải siết chặt lại việc cho vay.

Thứ hai, nhiều DN không tiếp cận được nguồn vốn vay vì vướng thủ tục, nhất là các chương trình tín dụng ưu đãi. Để được vay ưu đãi, DN phải chứng minh được mình nằm trong danh sách đủ điều kiện được vay. Bên cạnh đó, cũng không ít DN không dám vay nguồn vốn lãi suất thả nổi vì sợ rằng sản xuất kinh doanh không như mong đợi, phải gánh lãi suất cao.

Thứ ba, nhiều DN muốn vay vốn nhưng phương án kinh doanh của họ không thuyết phục được ngân hàng cho vay. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi các tổ chức tín dụng cũng phải đảm bảo an toàn cho nguồn tiền của mình, hạn chế tối đa việc rủi ro dẫn đến mất vốn. Không có ngân hàng nào muốn khách hàng của mình phá sản, phải kê biên tài sản, đấu giá tài sản đảm bảo cả.

Thứ tư, cũng có thể thấy các tổ chức tín dụng đã thiếu linh hoạt, còn cứng nhắc trong việc cho vay vốn. Có nhiều DN trao đổi rằng, họ vay vốn để sản xuất kinh doanh phải 12 tháng mới thu được sản phẩm. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn là 6 tháng dẫn đến DN không đủ thời gian để quay vòng vốn nên họ ngại vay.

GIẢI PHÁP KHƠI THÔNG NGUỒN VỐN

Áp lực tăng trưởng tín dụng và nhu cầu vốn của nhiều DN là có thật, có thể chưa phải là vốn để đưa vào sản xuất kinh doanh mà có thể là vốn để duy trì hoạt động DN, cầm cự để chờ sự phục hồi của nền kinh tế. Việc hạ lãi suất để có vốn rẻ hơn, thậm chí là “hạ chuẩn” cho vay sẽ là “điểm chạm” để ngân hàng và DN gặp nhau, khơi thông nguồn vốn.

Theo TS.Trần Khắc Tâm, thời gian qua, Chính phủ đã không ít lần chỉ đạo nghiên cứu nới room tín dụng hợp lý cho các DN, đồng thời có các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Ông đề xuất, hóa giải nghịch lý “thừa tiền, thiếu vốn”, Chính phủ cần phải chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhiều hơn nữa các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với các DN, nhất là đối với DN sản xuất.

Các ngân hàng cũng cần linh hoạt, chủ động hơn trong việc cho vay, tạo điều kiện cho DN được giãn nợ trước áp lực nợ nần khủng khiếp đang bủa vây để yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó cũng nên xem xét giảm các điều kiện cho vay để DN có thể tiếp cận nguồn vốn. Ở chiều ngược lại, DN cũng cần phải có những kế hoạch, đề án tốt để ngân hàng tin tưởng giải ngân.

“Hiện các DN đang rất cần các chính sách hỗ trợ mang tính đồng bộ để tạo động lực, cú huých lớn giúp họ phục hồi. Khi các DN phục hồi thì việc tiếp cận vốn và hấp thụ vốn cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn”, TS.Trần Khắc Tâm nhận định.

'Điểm chạm' khơi thông dòng vốn 5

Thạc sỹ Nguyễn Phạm Hữu Hậu cũng có chung quan điểm khi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Các ngân hàng thương mại lành mạnh có thể được nới tỷ lệ tín dụng/huy động ở mức cao hơn 80% như hiện nay trên cơ sở kiểm soát lượng cung tiền chung.

Theo ông Hậu, việc siết chặt hay thậm chí nghiêm cấm tình trạng kho bạc đem tiền gửi ngân hàng để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, không để tình trạng có tiền nhưng không tiêu được như hiện nay. Ông Hậu cho rằng, Chính phủ cũng không nên quá lo ngại về lạm phát khi chỉ số CPI đang được kiểm soát khá ổn định và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang giảm sút nghiêm trọng, mà mạnh dạn “bơm” tiền cho nền kinh tế để cứu DN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng giảm dần nhưng lãi suất cho vay hiện nay vẫn chưa hề giảm, đó là một nguyên nhân rất lớn dẫn đến hiện tượng giảm cầu tín dụng”, Thạc sỹ Hậu nhận định và cho biết: Chỉ khi lãi suất giảm, nghĩa là chi vốn rẻ hơn thì mới kích thích được các DN vay vốn đầu tư, làm ăn.

Trước tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Cần phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song cũng không thể “ném tiền qua cửa sổ” dẫn tới mất vốn, mất an toàn của các tổ chức tín dụng, bởi nguồn cho vay của các ngân hàng là tiền huy động của dân, phải trả lại cho người dân. Vì vậy, ngân hàng có thể giãn, hoãn nợ để hỗ trợ DN, song không phải là cấp phát, cho vay vẫn phải thu hồi được nợ”.