“Sóng” cổ tức trên thị trường ngân hàng

Cổ đông ngân hàng sắp nhận được cơn “mưa” cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu khi các ngân hàng đã chốt quyền chi trả cổ tức để tăng mạnh vốn, nâng cao năng lực tài chính...
 

Nhiều ngân hàng tiếp tục thông báo ngày chốt quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh.

"SÓNG" CỔ TỨC NGÂN HÀNG

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) vừa thông báo 30/8 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới.

Theo kế hoạch, ngân hàng sẽ phát hành gần 411 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến sẽ lên gần 24.658 tỷ đồng.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu của OCB.

Ngoài kế hoạch tăng vốn trên, OCB cũng dự kiến phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu ESOP mới sẽ chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, mỗi năm được giải tỏa 25%.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có kế hoạch chào bán tối đa 882.353 cổ phiếu riêng lẻ với tổng giá trị dự kiến chào bán tối đa hơn 8,8 tỷ đồng. Mức giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần nhất với thời điểm phát hành.

Thông tin tại Đại hội đồng cổ đông, ban lãnh đạo OCB cho biết mục đích chào bán riêng lẻ là để đảm bảo Aozora Bank duy trì tỷ lệ sở hữu 15% sau phát hành ESOP.

Với ba phương án trên, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ mức 20.548 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng. Số tiền thu được từ tăng vốn, Ngân hàng sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay và mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.

Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã thông báo về ngày chốt quyền hưởng cổ tức bằng cổ phiếu 30%. Cụ thể, MSB theo công bố ngày 29/8 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Theo đó, MSB sẽ tăng vốn theo hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại tính theo báo cáo tài chính kiểm toán tại 31/12/2023 sau khi trích các quỹ theo luật định.

Tỷ lệ phát hành là 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành, tức người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 30 cổ phiếu, tương đương phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu. Với tỷ lệ này, MSB trở thành ngân hàng có mức trả cổ tức cao nhất trong năm nay. Sau khi tăng vốn, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ là 2,6 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ mới đạt 26.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 13,2% và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 0,41%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 23/8.

Về cổ tức bằng cổ phiếu, với tỷ lệ thực hiện gần 13,2% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 13,2 cổ phiếu mới) và 2,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, SeABank dự kiến phát hành gần 329 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông.

Cùng với chia cổ tức bằng cổ phiếu, SeABank còn phát hành 10,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ hơn 0,41% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm hơn 0,41 cổ phiếu mới).

Sau khi hoàn thành 2 đợt phát hành cổ phiếu trên, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng thêm gần 3.393 tỷ đồng, từ 24.957 tỷ đồng lên 28.350 tỷ đồng. Kế hoạch này nằm trong lộ trình tăng vốn được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của SeABank thông qua và đã nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước

Cũng theo lộ trình đã được phê duyệt, SeABank dự kiến phát hành 45 triệu cổ phiếu ESOP và tối đa 120 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ và/hoặc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ để tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 30,000 tỷ đồng. Phương án này sẽ được triển khai trong năm 2024 hoặc 2025 sau thời điểm chốt danh sách cổ đông nhận quyền hưởng cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng.

Vào đầu tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) đã chốt quyền chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu tổng tỷ lệ 30% (gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu). Với tổng tỷ lệ cổ tức lên đến 30%, HDBank là ngân hàng chia cổ tức cao nhất năm 2024 (không kể Techcombank chia cổ tức lớn sau chuỗi nhiều năm không chia cổ tức).

HDBank là ngân hàng luôn chia cổ tức cho cổ đông cao dẫn đầu thị trường trong nhiều năm liền. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, HDBank này đã trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức dự kiến thực hiện trong năm 2025 lên đến 30%, gồm tối đa 15% tiền mặt.

Theo tài liệu được công bố, đối với cổ tức bằng tiền mặt, ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền nhận cổ tức là 15/7/2024, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 12/7/2024. Ngày thanh toán cổ tức bằng tiền mặt dự kiến là 26/7/2024. Cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ được nhận 1.000 đồng/cổ phiếu.

Đồng thời, HDBank cũng triển khai chia cổ tức bằng cổ phiếu theo nghị quyết được Đại hội đồng cổ đông thông qua với tỷ lệ 20%. Cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng được hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ phân phối là 100:2, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 20 cổ phiếu mới.

Thời điểm chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền sẽ được công bố sau khi có chấp thuận của các cơ quan chức năng, dự kiến trong quý 3/2024.

ĐẶT “NGÔI SAO HY VỌNG” VÀO NHÓM CỔ PHIẾU “VUA”

Trong báo cáo chiến lược kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ là một trong 2 nhóm “dẫn dắt” thị trường trong giai đoạn cuối năm, khi mà hoạt động kinh tế được kỳ vọng hồi phục tích cực hơn trong nửa cuối năm 2024 (đặc biệt là nhóm ngành phi tài chính) giúp tăng trưởng tín dụng khởi sắc và giảm căng thẳng về nợ xấu.

Bên cạnh đó, hệ số NIM kỳ vọng cải thiện nhờ chi phí huy động giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Trong năm 2025, TPS dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng 20% tạo ra những cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng khả năng cao vẫn là nhóm dẫn dắt thị trường trong những tháng cuối năm 2024, bởi nhu cầu mở rộng của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt mức mục tiêu 14%-15%.

Đồng thời, quy mô nợ xấu sẽ giảm nhẹ vào cuối năm khi các ngân hàng có vị thế về lợi nhuận trước dự phòng tốt hơn so với năm 2023 để tiếp tục hấp thụ và làm sạch bảng cân đối, hoạt động kinh tế phục hồi giúp giảm áp lực nợ xấu hình thành và giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.

Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng của ngành ngân hàng đã cho thấy sự cải thiện tích cực trong quý 2/2024, đặc biệt là vào tháng 6, kéo tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế lên mức 6% vào cuối quý so với cuối năm ngoái, đạt mục tiêu Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đặt ra trong nửa đầu năm.

Tăng trưởng tín dụng cải thiện là động lực thúc đẩy lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng trưởng trong quý 2 vừa qua cũng như các quý còn lại của năm.

Mặc dù triển vọng lợi nhuận tốt hơn nhiều ngành khác, song thực tế, lợi nhuận ngân hàng cũng đang có sự phân hóa mạnh mẽ. Số ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội không nhiều. Dù định giá cổ phiếu ngân hàng khá hấp dẫn, song cũng không phải rẻ. Do đó, chỉ những ngân hàng có “câu chuyện riêng” mới có sức hấp dẫn.

Chưa kể, chất lượng tài sản toàn ngành đang suy giảm. Tính đến hết quý 2/2024, hơn 80% ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng so với cuối năm 2023. Số dư nợ xấu tuyệt đối của các ngân hàng tăng hơn 20% so với cuối năm ngoái. Con số này có thể còn tăng vào năm 2025, khi quy định về gia hạn nợ hết hiệu lực vào cuối năm 2024.

Trong khi nợ xấu gia tăng, thì bao phủ nợ xấu lại suy giảm. Hiện tại, tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành chỉ còn 81,5%, giảm khá mạnh so với mức 99% vào cuối năm ngoái.

Những yếu tố trên khiến cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường những tháng cuối năm, song sẽ khó có sự tăng trưởng đột phá.