Apple giúp S&P 500 và Nasdaq vượt đỉnh

S&P 500 và Nasdaq một lần nữa đạt mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, với sự hỗ trợ từ cổ phiếu Apple trong khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu giá tiêu dùng và thông báo chính sách từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)….

Kết thúc phiên 11/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 120,62 điểm (-0,31%) xuống 38.747,42 điểm, S&P 500 tăng 14,53 điểm (+0,27%) lên 5.375,32 điểm và Nasdaq Composite thêm 151,02 điểm (+0,88%) thành 17.343,55 điểm.

Trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, ngành công nghệ có đà tăng mạnh nhất là 1,7%.

Cổ phiếu Apple đã tăng 7,3% lên mức đóng cửa cao kỷ lục và mang đến sự hỗ trợ lớn cho S&P 500 và Nasdaq. Tại sự kiện dành cho nhà phát triển thường niên của công ty, Apple đã tiết lộ các tính năng trí tuệ nhân tạo mới nhằm tăng sức hấp dẫn cho các thiết bị của mình, bao gồm trợ lý ảo Siri phiên bản cải tiến có thể trả lời nhiều truy vấn và hoàn thành nhiều nhiệm vụ phức tạp hơn trước.

General Motors leo 1,35% sau khi hãng sản xuất ô tô Mỹ công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 6 tỷ USD. GM cũng đã cắt giảm dự báo sản xuất xe điện hàng năm.

Sau tiếng chuông đóng cửa, cổ phiếu Oracle tăng vọt 8% nhờ báo cáo kết quả quý lạc quan. Ở phiên giao dịch thông thường, Oracle giảm nhẹ 0,5%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,65 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,83 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Mỹ sẽ được công bố trong phiên giao dịch ngày 12/6 và thông báo chính sách của Fed sẽ được công bố sau đó trong cùng ngày.

Dự kiến, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất và công bố các dự báo kinh tế cập nhật cùng biểu đồ “dot-plot”, trong đó cho thấy các nhà hoạch định chính sách có thể giữ nguyên lãi suất trong năm nay và dài hạn hơn.

Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường đã hạ bớt kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed diễn ra vào tháng 9, hiện chỉ được đặt cược khoảng 50% khả năng.

Oliver Pursche, phó chủ tịch cấp cao và cố vấn của Wealthspire Advisors cho biết: “Mọi người đều cảm thấy không thoải mái, nhưng dữ liệu và hành động mà người tiêu dùng đang thực hiện tiếp tục chỉ ra khả năng phục hồi và điều đó là khá lạc quan”.

GIÁ DẦU TIẾP ĐÀ TĂNG

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng nhẹ vào thứ Ba khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu trong năm, trong khi đó, OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng tương đối mạnh mẽ vào năm 2024.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 29 cent, tương đương 0,4%, lên 81,92 USD/thùng, tiếp tục phục hồi kể từ mức thấp 77,52 USD từ một tuần trước đó. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI của Mỹ tăng nhẹ 16 cent, tương đương 0,2%, đạt mức 77,90 USD/thùng.

EIA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2024 lên 1,10 triệu thùng/ngày, cao hơn so với ước tính trước đó là 900.000 thùng/ngày. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng duy trì dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng tương đối tốt, với kỳ vọng về du lịch trong nửa cuối năm.

Trong tháng này, OPEC và các đồng minh đã đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng dầu đến năm 2025 nhưng cho biết họ sẽ loại bỏ dần việc cắt giảm bắt đầu ngay từ tháng 10 năm nay. “Ít nhất chúng ta đang xem xét khả năng nhu cầu sẽ tăng trong nửa cuối năm và thị trường có thể thực sự cần một số nguồn cung bổ sung của OPEC+”, Tim Evans, một nhà phân tích năng lượng độc lập, nhận định.

Các nhà giao dịch cũng tỏ ra thận trọng trước khi dữ liệu kinh tế vĩ mô từ Trung Quốc được công bố. Mặt khác, xuất khẩu dầu thô của Arab Saudi sang Trung Quốc giảm tháng thứ ba liên tiếp.