Khoảng trống tài chính của doanh nghiệp SME ở Việt Nam ước tính khoảng 24 tỷ USD - gấp 2,11 lần mức cho vay doanh nghiệp SME hiện tại. Trong khi đó, khoảng trống tài chính của doanh nghiệp SME tại các nước đang phát triển chỉ cao hơn 1,23 lần các khoản vay hiện thời dành cho doanh nghiệp SME...
Sáng ngày 24/7, Công ty Cổ phần Fiin Group Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Đổi mới dịch vụ và sản phẩm tài chính ngân hàng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”.
KHOẢNG TRỐNG TÀI CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP SME TẠI VIỆT NAM ƯỚC ĐẠT 24 TỶ USD
Thông tin tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc Điều hành Khối Thông tin Doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Fiin Group cho biết số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam chiếm gần 85% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam.
Doanh thu từ nhóm doanh nghiệp này đạt khoảng 20% doanh thu toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam. So với GDP, doanh thu của doanh nghiệp SME tương đương 70% GDP Việt Nam.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ phân bố ở khắp các vùng thành thị và nông thôn, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng.
Trong đó, hơn 40% doanh nghiệp SME Việt Nam tham gia vào hoạt động bán buôn và bán lẻ. Đây được xem là một ngành kinh doanh quan trọng, đóng vai trò trung gian giữa nhà sản xuất, đại lý và người tiêu dùng.
Mặc dù là động lực vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, song các doanh nghiệp SME đang đối mặt với rất nhiều thách thức như: khó khăn trong việc tiếp cận tài chính; khó khăn trong tiếp cận khách hàng mới; thiếu công cụ quản lý rủi ro; thiếu thông tin kinh doanh.
Ông Tú cũng cho biết thêm, giai đoạn 2019-2022, đa phần các ngành kinh tế đều ghi nhận sự gia tăng rủi ro, tỷ lệ doanh nghiệp SME gặp khó khăn tài chính tăng trung bình hơn 10%. Đặc biệt một số nhóm ngành như nghệ thuật, vui chơi và giải trí; và xây dựng, ghi nhận mức tăng rủi ro tài chính lần lượt là 16,39% và 15,51%. Tuy nhiên, một số ngành ghi nhận sự cải thiện chỉ báo rủi ro như sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí - giảm 7,65%.
Năm 2023, các ngành khác đều có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ trong tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn tài chính, ngoại trừ ngành hoạt động kinh doanh bất động sản.
“Khoảng trống tài chính (finance gap) của doanh nghiệp SME ở Việt Nam ước tính khoảng 24 tỷ USD - gấp 2,11 lần mức cho vay doanh nghiệp SME hiện tại. Trong khi đó, dự toán khoảng trống tài chính của doanh nghiệp SME tại các nước đang phát triển chỉ cao hơn 1,23 lần các khoản vay hiện thời dành cho doanh nghiệp SME”, ông Tú thông tin.
Đại diện Fiin Group đánh giá, khoảng trống tài chính lớn cho thấy rằng doanh nghiệp SME tại Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Điều này có thể do nhiều yếu tố như yêu cầu cao về tài sản đảm bảo, quy trình phê duyệt tín dụng phức tạp, và sự thiếu hụt thông tin tài chính minh bạch từ các doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp SME chiếm gần 85% số doanh nghiệp cả nước, nhưng khả năng vay vốn còn rất thấp. Theo đó, tổng nợ vay của các doanh nghiệp SME thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn - nhóm chỉ chiếm chưa tới 20% số doanh nghiệp cả nước nhưng tổng nợ vay chiếm tới hơn 90% tổng nợ vay của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam.
Với phương pháp chấm điểm tín dụng truyền thống, vị chuyên gia này dự báo, doanh nghiệp SME sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức tín dụng ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.
DƯ NỢ TÍN DỤNG DOANH NGHIỆP SME TIẾP TỤC “PHÌNH TO”
Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Nam, Phó giám đốc khối Thông tin Doanh nghiệp, phụ trách Mô hình Rủi ro và Phân tích Dữ liệu, Fiin Group nhận định, ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách tài chính. Mặc dù tỷ lệ dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp SME còn khiêm tốn, tuy nhiên, các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng đã và đang tham gia tích cực hỗ trợ doanh nghiệp SME.
Theo số liệu của Fiin Group, năm 2023, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đạt 13,79%, thấp hơn mức 14,17% của năm 2022. Về cơ cấu dư nợ, phân khúc cho vay doanh nghiệp SME ghi nhận sự gia tăng đáng kể vào năm 2023, đánh dấu tốc độ tăng trưởng 19,13% so với năm trước.
Tổng dư nợ tín dụng doanh nghiệp SME của nhóm công ty tài chính phi ngân hàng đạt 74,03 nghìn tỷ đồng, trong khi đó nhóm ngân hàng ghi nhận ở mức 2.739,11 nghìn tỷ đồng năm 2023.
Tuy nhiên, nhóm tổ chức tài chính phi ngân hàng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, với mức tăng trưởng đạt 26,8% vào năm 2023.
Ông Nam cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp SME sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận tài chính như: Thiếu minh bạch thông tin; Các tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ hơn của các tổ chức tín dụng; Không có khả năng cung cấp tài sản thế chấp; Năng lực chấm điểm tín dụng và quản lý rủi ro; Dữ liệu không đáp ứng; Sản phẩm và quy trình tín dụng mang tính truyền thông…
Song, nhóm doanh nghiệp này cũng tiếp cận được nhiều cơ hội: Hỗ trợ của Chính phủ từ Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Xu hướng chuyển đổi số như Nền tảng quản trị cho SMEs, Chuyển đổi số ngành ngân hàng, Hạ tầng dữ liệu quốc gia và sự hỗ trợ từ Tín dụng xanh và phát triển bền vững…
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Văn Nam đề xuất, các tổ chức tín dụng có thể tối ưu hóa danh mục cho vay SMEs dựa trên năng lực phân tích rủi ro nâng cao nhằm tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng SMEs, đặc biệt là các doanh nghiệp còn non trẻ.
Nguyễn Lan