Chứng khoán Mỹ “đỏ lửa”, giá dầu giảm sâu

Chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh vào thứ Ba, một khởi đầu khá tiêu cực cho tháng 9 trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đón dữ liệu kinh tế mới có thể ảnh hưởng đến quyết định giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed)…

Kết thúc phiên 3/9, chỉ số Dow Jones giảm 626,15 điểm (-1,51%) xuống 40.936,93 điểm, S&P 500 mất 119,47 điểm (-2,12%) còn 5.528,93 điểm và Nasdaq Composite trượt 577,33 điểm (-3,26%) thành 17.136,30 điểm.

Cả ba chỉ số chính đều ghi nhận mức giảm phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ đầu tháng 8.

9 trong số 11 ngành thuộc S&P 500 đều trượt dốc, dẫn đầu là công nghệ, năng lượng, dịch vụ truyền thông và nguyên vật liệu.

Nhóm cổ phiếu công nghệ hàng đầu, “Magnificent Seven”, giảm mạnh. Nvidia mất gần 10%, “thổi bay” 279 tỷ USD giá trị thị trường. Đây là mức giảm giá trị thị trường trong một ngày lớn nhất từ trước đến nay đối với một công ty Mỹ.

Alphabet mất 3,6%, Apple trượt 2,7% và Microsoft giảm 1,8%. Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor “bốc hơi” 7,8%.

Tesla cũng giảm 1,6% sau khi Reuters đưa tin nhà sản xuất xe điện Mỹ có kế hoạch sản xuất một biến thể sáu chỗ của mẫu xe Model Y tại Trung Quốc từ cuối năm 2025.

Boeing mất hơn 7,3% do thông tin Wells Fargo hạ cấp cổ phiếu của nhà sản xuất máy bay này từ “tỷ trọng đều” xuống “giảm tỷ trọng”.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 12,14 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.

Chỉ số biến động CBOE, thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, đã tăng vọt 33,2% lên 20,72 điểm, mức tăng phần trăm hàng ngày lớn nhất và mức đóng cửa cao nhất kể từ đầu tháng 8.

Tâm lý thị trường chịu ảnh hưởng tiêu cực khi dữ liệu từ Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho thấy ngành sản xuất của Mỹ vẫn đang trì trệ mặc dù có cải thiện nhẹ trong tháng 8 so với mức thấp nhất trong 8 tháng của tháng 7.

“Nhìn chung, tháng 9 vẫn thường được coi là một trong những tháng có hiệu suất thị trường ảm đảm nhất”, ông Jason Browne, chủ tịch tại Alexis Investment Partners cho biết, trích dẫn các dữ liệu được quan sát từ thập niên 50.

Bên cạnh báo cáo ISM đáng thất vọng, các nhà phân tích tin rằng tính mùa vụ cũng đóng một vai trò không nhỏ trong xu hướng suy giảm của thị trường. "Mọi người đều nói về việc tháng 9 là một tháng tồi tệ như thế nào và điều đó lại càng khiến tâm lý chán chường hơn”, ông Browne lưu ý.

Giới đầu tư hiện đang chờ đợi báo cáo thị trường lao động của Mỹ, tiếp sau đó là dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 sẽ được công bố vào thứ Sáu.

Cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 17-18/9 cũng là trọng tâm của tháng này sau khi Chủ tịch Jerome Powell gần đây lên tiếng ủng hộ việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Công cụ FedWatch của CME Group cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm là 63%, trong khi khả năng cắt giảm 0,50 điểm phần trăm là 37%.

GIÁ DẦU TRƯỢT DỐC

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm gần 5% vào thứ Ba và rơi xuống mức thấp nhất trong gần 9 tháng. Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 3,77 USD, tương đương 4,9%, xuống 73,75 USD/thùng, giá dầu WTI giảm 3,21 USD, tương đương 4,4%, xuống 70,34 USD/thùng. Cả hai đều ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023.

Xuất khẩu dầu của Libya tại các cảng lớn đã bị ngừng vào thứ Hai và sản xuất bị cắt giảm trên khắp cả nước khi bế tắc giữa các phe phái chính trị đối địch về việc kiểm soát ngân hàng trung ương và doanh thu dầu mỏ càng trở nên nghiêm trọng. Ngay sau đó, khi cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc bảo trợ kết thúc thành công, các cơ quan lập pháp của Libya đã đồng ý bổ nhiệm một thống đốc ngân hàng trung ương mới trong vòng 30 ngày, một tuyên bố được ký bởi đại diện của các cơ quan này vào thứ Ba cho thấy.

Trước khi có tin tức về việc nguồn cung dầu từ Libya có thể trở lại thị trường, giá dầu cũng đã giảm mạnh do niềm tin rằng nhu cầu tiếp tục suy yếu bởi khi tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - chưa có dấu hiệu phục hồi.