Chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức cao kỷ lục vào thứ Tư sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024…
Kết thúc phiên 6/11, chỉ số Dow Jones tăng 1.508,05 điểm (+3,57%) lên 43.729,93 điểm; S&P 500 thêm 146,28 điểm (+2,53%) đạt 5.929,04 điểm và Nasdaq Composite leo 544,29 điểm (+2,95%) thành 18.983,47 điểm.
Cả ba chỉ số chính đều ghi nhận mức đóng cửa kỷ lục khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào những chính sách thuế thấp hơn, giảm bớt quy định và một tổng thống Mỹ không ngần ngại can thiệp vào mọi vấn đề, từ thị trường chứng khoán đến đồng USD, mặc dù mức thuế mới có thể mang lại những thách thức dưới dạng thâm hụt và lạm phát gia tăng.
“Các nhà đầu tư trước đó đã có những điều chỉnh để chuẩn bị cho một kết quả khó đoán. Nhưng rõ ràng, mọi thứ đã thay đổi rất nhanh chóng và dẫn đến một ngày giao dịch rất tích cực”, ông Mark Luschini, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Janney Montgomery Scott cho biết.
Trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, tài chính là lĩnh vực có hiệu suất tốt nhất, tăng vọt 6,16%. Ngân hàng, dự kiến sẽ được hưởng lợi từ việc nới lỏng quy định dưới thời ông Trump, là yếu tố thúc đẩy đà tăng trưởng này, với chỉ số ngân hàng S&P 500 tăng 10,68%, mức tăng hàng ngày lớn nhất trong hai năm qua.
Chiến thắng của đảng Cộng hòa cũng đã kích thích một đợt tăng giá mạnh mẽ ở các "cổ phiếu Trump", đồng thời đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên cao, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất trong bốn tháng là 4,479%. Giá Bitcoin cũng chạm mốc kỷ lục trên 76.000 USD, và đồng USD đang trên đà ghi nhận mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ tháng 9/2022.
Các cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như bất động sản và tiện ích công cộng giảm lần lượt 2,64% và 0,98% khi thị trường đánh giá khả năng các chính sách của ông Trump có thể làm gia tăng lạm phát và thay đổi lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vốn là yếu tố hỗ trợ quan trọng trong đợt phục hồi gần đây của Phố Wall.
Các cổ phiếu được cho là sẽ hoạt động tốt dưới thời “Trump 2.0” đều có diễn biến tích cực, với cổ phiếu Trump Media & Technology Group tăng 5,94% sau một phiên giao dịch đầy biến động, trong khi cổ phiếu của Tesla “nhảy vọt” tới 14,75%. CEO Tesla Elon Musk là một trong những người ủng hộ lớn nhất của ông Donald Trump.
Ngành tiền điện tử, doanh nghiệp năng lượng và cổ phiếu của các đơn vị điều hành nhà tù cũng ngập tràn sắc xanh. Ngược lại, cổ phiếu năng lượng tái tạo lại trượt dốc.
Chỉ số Russell 2000 đại diện cho nhóm vốn hóa nhỏ, leo 5,84%. Đây là mức tăng mạnh nhất sau 3 năm, với các cổ phiếu tập trung vào thị trường nội địa được cho là sẽ hưởng lợi từ các quy định dễ dàng hơn, thuế thấp hơn và ít bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu tăng cao có thể tác động xấu đến các công ty nhỏ, vốn thường phụ thuộc nhiều vào vay vốn và nhạy cảm với lãi suất cao.
Chỉ số VIX, hay còn gọi là công cụ đo lường nỗi sợ của Phố Wall, giảm 4,22 điểm xuống còn 16,27, mức thấp nhất trong sáu tuần.
Thị trường cũng đang chú ý đến khả năng đảng Cộng hòa có thể duy trì được đa số tại Hạ viện sau khi giành quyền kiểm soát Thượng viện, từ đó sẽ dẫn đến ít sự phản đối đối với các kế hoạch và chính sách mới của chính quyền Donald Trump trong tương lai.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 18,68 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 12,16 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Ở một khía cạnh khác, ngân hàng trung ương Mỹ được dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp kết thúc vào thứ Năm. Tuy nhiên, các nhà giao dịch đã dần hạ bớt kỳ vọng về một đợt nới lỏng chính sách khác vào tháng 12 cũng như số lần cắt giảm dự kiến trong năm tới, theo công cụ FedWatch của CME.
GIÁ DẦU DAO ĐỘNG
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm nhẹ vào thứ 6/11 khi các nhà đầu tư cân nhắc sức mạnh của đồng USD cũng như khả năng các chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể gây áp lực lên nguồn cung dầu toàn cầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 61 cent, tương đương 0,81%, còn 74,92 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 30 cent, tương đương 0,42%, còn 71,69 USD/thùng.
Trong đầu phiên giao dịch, giá dầu có thời điểm giảm hơn 2 USD/thùng do đồng USD tăng mạnh khi thị trường dõi theo ngày bầu cử Mỹ. Đồng USD mạnh lên làm cho các hàng hóa tính bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác và có xu hướng gây áp lực lên giá.
“Về phần mình, tôi nghĩ rằng dầu trong ngắn hạn sẽ có nhiều cơ hội tăng giá hơn là giảm”, Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group nhận định.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử cũng có thể dẫn đến việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran và Venezuela, loại bỏ nguồn dầu thô khỏi thị trường và điều này sẽ có lợi cho giá, theo nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS lưu ý.