Một báo cáo về mức độ cam kết thực hiện ESG và thực hành báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam do PwC công bố cho thấy, tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết là 93%.
Song, chỉ có 35% số doanh nghiệp niêm yết đã thiết lập kế hoạch ESG. Gần 60% số doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đang và sẽ trong giai đoạn lập kế hoạch trong 2 - 4 năm tới. Nói đơn giản, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết mới nói chứ chưa làm.
Kể từ năm 2017, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã ra mắt chỉ số phát triển bền vững (VNSI), với thành phần là 20 công ty niêm yết có điểm phát triển bền vững cao nhất trên sàn.
Sự ra đời của VNSI được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc thực hiện và áp dụng các sáng kiến phát triển bền vững, tạo ra thước đo mới cho thị trường chứng khoán trong bối cảnh phát triển bền vững ngày càng được các nhà đầu tư quan tâm hơn.
Tuy nhiên, sau 6 năm vận hành, VNSI vẫn chỉ có 20 mã cổ phiếu thành phần, trong đó chủ yếu là những mã cổ phiếu vốn hóa lớn như Vinamilk, REE, Vietcombank, FPT, PAN Group.
Danh sách trên đa phần là các doanh nghiệp lớn, có sự tham gia của nhà đầu tư ngoại. Đây là đối tượng có yêu cầu cao về các yếu tố phát triển bền vững, định hướng các doanh nghiệp nhận vốn phải thay đổi để đáp ứng. Còn lại, với hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết khác trên thị trường, ESG vẫn còn là một viễn cảnh khá xa vời.
Tốn kém vì “xanh hóa”
Một thành công điển hình về thực hành ESG có thể kể tới là Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Từ năm 2017, PNJ đã triển khai chương trình thu gom bụi vàng để bảo vệ môi trường như một phần trong mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Điểm nhấn là năm 2021, khi PNJ chịu những tác động rất lớn của dịch Covid-19. Công ty bị gián đoạn sản xuất 90 ngày, không thể kinh doanh 80 ngày và ngành bán lẻ trang sức suy giảm nghiêm trọng.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, PNJ thay vì chú trọng cho hoạt động kinh doanh thì chuyển sang các mục tiêu mang tính xã hội. Khi Covid-19 bùng phát và vaccine khan hiếm, đội ngũ lãnh đạo đã nỗ lực tìm kiếm, ngoại giao bằng nhiều cách nhằm giúp hàng nghìn nhân sự tiêm chủng sớm.
Trong giai đoạn căng thẳng nhất, các siêu thị mini 0 đồng do công ty lập ra hoạt động hết công suất, những chuyến xe hàng tình nghĩa đi về liên tục trong đêm hỗ trợ người dân.
Trong dịch bệnh, khi hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa vì giãn cách xã hội, doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự, người lao động được trả lương đầy đủ, không trễ ngày. Khi hệ thống cửa hàng PNJ phải đóng cửa, các tư vấn viên vẫn bận rộn, liên tục gọi điện, nhắn tin thăm hỏi khách.
Việc thực hành ESG tác động tích cực tới kết quả kinh doanh của PNJ khi doanh số nhanh chóng phục hồi ấn tượng sau đại dịch. Những năm tiếp theo, công ty thành lập tiểu ban ESG và điều chỉnh các mục tiêu kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển bền vững. Ban lãnh đạo PNJ, với tầm nhìn của mình, nhận ra việc đầu tư thực hành ESG giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành, thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận về lâu dài.
Coteccons cũng được hưởng “trái ngọt” từ thực hành ESG. Cuối năm 2022, Coteccons đã thắng thầu xây dựng nhà máy Lego tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Nhà máy Lego có các tiêu chuẩn khắt khe về phát triển bền vững, là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên và bền vững nhất của Lego trên toàn thế giới, hướng tới tiêu chuẩn chứng chỉ LEED - chứng chỉ của Hội đồng xây dựng xanh của Mỹ. Do đó, hồ sơ chào thầu phải đáp ứng được những tiêu chuẩn về ESG.
Trong ngành xây dựng Việt, Coteccons là một trong số ít doanh nghiệp chịu đầu tư các báo cáo về phát triển bền vững. Kể từ báo cáo thường niên năm 2021, Coteccons bắt đầu căn cứ vào các tiêu chuẩn của ESG để làm “xương sống” cho việc thiết kế con đường phát triển của mình. Trong đó, doanh nghiệp áp dụng lựa chọn những giải pháp kỹ thuật và nguyên vật liệu theo tiêu chí tốt nhất cho môi trường, giảm thiểu tiêu hao năng lượng và tác động đến môi trường. Đây là lý do quan trọng giúp Coteccons dành được gói thầu tỷ đô của Lego.
Câu chuyện của PNJ và Coteccons cho thấy thực hành ESG giúp nâng cao vị thế doanh nghiệp, mang lại những hiệu quả kinh doanh to lớn và bền vững. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nó cũng chỉ ra rằng ESG cần thời gian và chi phí đầu tư không nhỏ. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi đây vẫn chỉ là cuộc chơi của doanh nghiệp đầu ngành.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, sau khoảng 2 năm theo dõi, các doanh nghiệp hiện được chia thành 3 nhóm trong việc ứng xử đối với chuyển đổi xanh.
Nhóm đầu tiên với tỷ trọng rất ít là các doanh nghiệp đã có chiến lược, mô hình sáng kiến chuyển đổi. Nhóm thứ hai đã thực thi một số hoạt động cụ thể song không gắn với chiến lược. Nhóm cuối cùng, chiếm phần lớn, đang lo lắng nhưng không biết bắt đầu thế nào cũng như huy động nguồn tiền từ đâu. “Trên 60% doanh nghiệp được hỏi gặp áp lực về bài toán nguồn vốn khi thực hành ESG. Câu chuyện tiền ở đâu tìm kiếm rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn duy trì hoạt động đã khó, nguồn để chuyển đổi còn khó hơn”, bà Thủy chia sẻ.
Xu thế bắt buộc
Dù nhìn nhận đầu tư cho ESG là cơ hội trong dài hạn thì đây vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều chủ doanh nghiệp. Quá trình chuyển đổi đòi hỏi tiêu tốn nhiều thời gian và chi phí, liệu doanh nghiệp có thể “trụ vững” cho đến ngày hái quả? ESG với nhiều doanh nghiệp không khác gì chuyện "con gà quả trứng".
Tuy nhiên, dù muốn hay không, việc chuyển đổi đã không còn là sự lựa chọn, mà dần trở thành một xu thế bắt buộc. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp khi niêm yết trên sàn chứng khoán đó là gọi vốn. Khi “khẩu vị” của dòng vốn thay đổi, doanh nghiệp cũng phải sớm điều chỉnh.
“Hiện nay, nhiều ngân hàng và các quỹ đầu tư quốc tế đều có chung nhận định là bộ tiêu chuẩn ESG đang ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định đầu tư. Trong thời gian sắp tới, các dự án và doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn ESG sẽ rất khó để tiếp cận nguồn vốn”, ông Don Lam, Tổng giám đốc quỹ VinaCapital cho biết.
VinaCapital cũng là đơn vị tiên phong trong quan điểm đầu tư này khi thống kê cho thấy, 6 trong số 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất của quỹ VEOF thuộc VinaCapital nằm trong rổ VNSI. Tương tự, quỹ DCBC thuộc Dragon Capital cũng có 7 trong số 10 cổ phiếu lớn nhất nằm trong rổ VNSI. “Từ nhiều năm nay, Dragon Capital đã chấp nhận mất khoảng 20% cơ hội đầu tư khi lập thêm bộ câu hỏi chấm điểm ESG, đưa thêm những quy trình, tiêu chí về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu vào trong các lựa chọn và đầu tư của mình”, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital chia sẻ.
Không chỉ riêng 2 quỹ trên, khảo sát danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư ngoại khác đang rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy sự xuất hiện chủ yếu của các cổ phiếu trong rổ VNSI. Sự ưa thích cổ phiếu trong rổ này cho thấy điểm chung trong xu hướng đầu tư của các quỹ lớn đang dần hướng đến sự phát triển bền vững.
Một số doanh nghiệp niêm yết quy mô cỡ vừa và nhỏ cũng nỗ lực thay đổi theo xu thế. Tháng 8/2023, Bamboo Capital đã công bố hợp tác với STACS - công ty công nghệ về dữ liệu ESG hàng đầu châu Á. Hợp tác nhằm hỗ trợ Bamboo Capital sử dụng nền tảng kỹ thuật số ESGpedia do STACS phát triển để thực hiện báo cáo ESG, đặt nền tảng xây dựng hệ thống dữ liệu minh bạch về phát thải CO2 và chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC).
Các nhà máy năng lượng tái tạo của Bamboo Capital sẽ được cấp chứng chỉ REC cho mỗi MWh điện tạo ra. Nhờ đó ngoài doanh thu bán điện, những nhà máy năng lượng tái tạo còn có thêm nguồn thu thụ động từ việc bán chứng chỉ REC. Việc mua chứng chỉ REC cho phép các doanh nghiệp khấu trừ hạn ngạch phát thải CO2 mình tạo ra và chứng minh quy trình sản xuất của công ty thân thiện với môi trường, thỏa mãn điều kiện “xanh hóa” từ đối tác quốc tế.
Thông qua việc sử dụng ESGpedia để ghi nhận chi tiết các dữ liệu REC, Bamboo Capital có thể minh bạch dữ liệu, giúp bên mua có thể truy xuất nguồn gốc REC và đảm bảo không có giao dịch kép.
Với vốn hóa chưa tới 5.000 tỷ đồng, Bamboo Capital chỉ là một doanh nghiệp quy mô tầm trung trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã cố gắng tận dụng tốt ưu thế hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để triển khai ESG. Thông qua thực hành ESG, doanh nghiệp đạt được mục tiêu kép, vừa thúc đẩy phát triển bền vững, vừa thu về lợi nhuận.
Theo ông Don Lam, để thực hiện xanh hóa nền kinh tế cần sự chung tay của rất nhiều nguồn lực. Nhà nước sẽ đóng vai trò định hướng cho thúc đẩy tăng trưởng xanh, qua đó dẫn dắt và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư lớn là rất cần thiết và quan trọng để thúc đẩy đầu tư và cung cấp nguồn vốn cho phát triển xanh.
“Để tiếp cận ESG, bước đầu các doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng của ESG đối với chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt và ban lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn thì sẽ có những chiến lược phù hợp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao phúc lợi cho nhân viên”, Tổng giám đốc VinaCapital nhấn mạnh.
Trần Dũng