Dow Jones và S&P 500 đồng loạt giảm khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng

Chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm điểm vào thứ Hai (21/10), kết thúc chuỗi sáu tuần tăng liên tiếp. Nguyên nhân chính là do lợi suất trái phiếu tăng và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi chờ đợi các công ty lớn công bố báo cáo tài chính…

Kết thúc phiên 21/10, chỉ số Dow Jones giảm 344,31 điểm (-0,80%) xuống 42.931,60 điểm và S&P 500 mất 10,69 điểm (-0,18%) còn 5.853,98 điểm. Ngược lại, Nasdaq Composite nhích nhẹ 50,45 điểm (+0,27%) lên 18.540,01 điểm nhờ đà bứt phá 4,14% của cổ phiếu Nvidia lên mức cao kỷ lục 143,71 USD/cổ phiếu.

Hầu hết 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều giảm điểm, trong đó, bất động sản mất tới 2,08% do ảnh hưởng từ việc lợi suất trái phiếu tăng. Chỉ số Russell 2000, đại diện cho các công ty vốn hóa nhỏ, cũng mất 1,61%.

“Không có gì quá ngạc nhiên khi thị trường muốn “nghỉ xả hơi” sau 6 tuần liên tục lập kỷ lục”, giám đốc Đầu tư tại BMO Family Office Carol Schleif nhận định.

Trong số các mã đáng chú ý, cổ phiếu Boeing tăng 3,1% sau khi có thông tin công đoàn công ty có thể bỏ phiếu thông qua thỏa thuận mới để kết thúc cuộc đình công kéo dài năm tuần.

Spirit Airlines “nhảy vọt” 53,06% nhờ việc gia hạn được thời hạn tái tài trợ nợ thêm hai tháng.

Trong khi đó, Humana lại giảm 2,46% vì tin đồn Cigna nối lại đàm phán sáp nhập với hãng này, khiến cổ phiếu của Cigna cũng giảm 4,69%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,35 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 11,59 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch gần nhất.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức 4,17% - đánh dấu mốc cao nhất trong 12 tuần. “Lợi suất trái phiếu tăng mạnh gây ra lo ngại rằng nền kinh tế có thể đang tăng trưởng quá nhanh và thị trường lao động vẫn rất mạnh mẽ. Điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc cắt giảm lãi suất”, ông Sam Stovall, chiến lược gia trưởng của CFRA Research giải thích.

Tuần này, thị trường sẽ theo dõi báo cáo tài chính của 114 công ty thuộc S&P 500, bao gồm Tesla, Coca-Cola và Texas Instruments. Theo các chuyên gia, nhiều nhà đầu tư đã chủ động chốt lời trước một tuần lễ bận rộn. Theo dữ liệu từ LSEG, 83,1% công ty đã công bố báo cáo tài chính cho đến nay đều đã vượt kỳ vọng.

Bên cạnh đó, giới đầu tư còn hướng sự chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, khi các cuộc thăm dò cho thấy cơ hội của ứng viên Đảng Cộng hoà Donald Trump đang được cải thiện.

Thị trường cũng sẽ đón nhận thêm các báo cáo quan trọng như doanh số bán nhà, chỉ số PMI sơ bộ và hàng hoá lâu bền, song song với báo cáo "Beige Book" của Fed.

GIÁ DẦU TĂNG GẦN 2%

Trên thị trường năng lượng, giá dầu phục hồi gần 2% vào thứ Hai sau khi giảm hơn 7% vào tuần trước.

Tình hình chiến sự căng thẳng ở Trung Đông và lo ngại về phản ứng của Israel với Iran khiến các nhà đầu tư lo lắng về gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực này.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,23 USD, tương đương 1,68%, lên 74,29 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 1,34 USD, tương đương 1,94%, lên 70,56 USD/thùng.

Cả hai hợp đồng đều giảm mạnh vào tuần trước, với Brent mất hơn 7% và WTI giảm khoảng 8%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 9, do lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và mức độ rủi ro địa chính trị ở Trung Đông phần nào hạ nhiệt.

Theo Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể tiếp tục yếu trong năm 2025 bất chấp các biện pháp kích thích kinh tế gần đây. Lý do được nhắc đến là bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chuyển sang sử dụng xe điện và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Tin liên quan