Dự báo VN30 sẽ biến động mạnh trong ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh 16/5

Trong những phiên tiếp theo, VN-Index vẫn duy trì sự mạnh mẽ bứt phá khi lực tăng chưa đến 1%. Ngày 16/5 tới đây là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh và với độ lệch lớn hiện tại, chúng ta sẽ chứng kiến những biến động mạnh của VN30 hoặc VN30F1M vào ngày mai...

Sau phiên tăng điểm kết thúc xu hướng điều chỉnh 3 phiên liên tiếp, VN-Index trong phiên 15/5 tiếp tục có diễn biến tích cực, đầu phiên tăng điểm vượt lên vùng 1.245 điểm tương ứng giá cao nhất tháng 8/2023 với thanh khoản cải thiện mạnh, đà tăng duy trì tốt đến cuối phiên.

Kết phiên VN-Index tăng tốt 11,11 điểm (+0,89%) lên mức 1.254,39 điểm, vượt lên đường kháng cự kỹ thuật mạnh khi nối đường xu hướng giảm giá ngắn hạn các đỉnh giá cao nhất các ngày 29/3/2024 và 15/4/2024, tiếp tục kỳ vọng vượt lên giá cao nhất năm 2023 để hướng đến kiểm tra lại vùng giá 1.280 điểm, giá cao nhất trong phiên giảm mạnh ngày 15/4/2024.

HNX-Index tích cực có 10 phiên liên tiếp tăng điểm lên mức 238,78 điểm (+0,77%). Độ rộng thị trường trên 2 sàn giao dịch tích cực khi có 396 mã tăng (22 mã tăng trần), 209 mã giảm giá (3 mã giảm sàn) và 140 mã giữ giá tham chiếu.

Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết gia tăng mạnh 42,95% so với phiên trước lên 24.334,91 tỷ đồng được giao dịch, quay trở lại mức trung bình. Cho thấy thị trường phục hồi tốt với độ rộng và lực cầu giá lên ngắn hạn gia tăng khi VN-Index vượt mốc tâm lý 1.250 điểm.

Khối ngoại sau bán ròng mạnh đã mua ròng trở lại trong phiên hôm nay trên sàn HOSE với giá trị 294,63 tỷ đồng, góp phần ảnh hưởng tích cực lên thị trường; mua ròng trở lại trên HNX với giá trị 68,82 tỷ đồng.

Thị trường hồi phục mạnh với thanh khoản tăng mạnh là động lực tăng giá mạnh cho nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính chứng khoán trong phiên nay khi nhiều mã tăng giá mạnh hết biên độ, thanh khoản gia tăng mạnh như FTS (+7,02%), CTS (+6,96%), BVS (+4,97%), MBS (+3,46%)... ngoài APS (-2,94%) giảm điểm. Nhóm cổ phiếu thép dưới ảnh hưởng mua ròng tốt của khối ngoại cũng có diễn biến tăng giá nổi bật, thanh khoản đột biến với HPG (+3,31%), VGS (+4,32%), NKG (+1,87%)...

Nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông tiếp tục có diễn biến tăng giá vượt trội, nhiều mã tiếp tục tăng giá mạnh, thanh khoản đột biến như CTR (+6,96%), VGI (+6,16%), VTK (+4,36%), VTP (+3,92%), FPT (+2,76%)...

Nhóm cổ phiếu xuất khẩu, dệt may... cũng có diễn biến tăng giá mạnh trước những thông tin tích cực, thanh khoản tăng mạnh như TNG (+9,87%), GIL (+5,46%), VGT (+3,97%), STK (+3,53%), VCS (+6,02%)...

Trong khi đó các cổ phiếu ngân hàng đa số biến động trong biên độ hẹp, thanh khoản dưới mức trung bình với LPB (+2,49%), VAB (+2,08%), STB (+2,02%)... NVB (-1,08%), VBB (-0,84%), TPB (-0,28%)..

Các nhóm ngành khác cũng có nhiều mã có diễn biến rất nổi bật như vận tải dầu khí với VIP (+6,8%), vận tải biển VOS (+6,9%), xây dựng với DPG (+6,9%), bao bì TTP (+14,9%), bất động sản với TIG (+9,92%), NHA (+6,82%)...

anh-chup-man-hinh-2024-05-15-luc-191709-1939.png
Diễn biến VN-Index trong thời gian qua

Tiếp tục rung lắc

Chứng khoán BIDV (BSC)

Trong những phiên giao dịch tới, VN-Index có thể sẽ tiếp tục có diễn biến rung lắc khi tiến lên ngưỡng kháng cự 1.260. Đặc biệt, nhà đầu tư cần chú ý trong phiên đáo hạn Hợp đồng tương lai VN30 ngày mai.

Thu hẹp lại độ biến động

Chứng khoán DSC

Thị trường dù diễn biến khá ảm đạm nhưng cảm giác này thông thường đem đến kết quả vui hơn là buồn. Thị trường cần thêm thời gian để thu hẹp lại độ biến động nên những diễn biến như thế này nhìn chung là phù hợp với bối cảnh.

Về mặt kỹ thuật, có 3/5 tiêu chí kỹ thuật ở trạng thái tích cực, chỉ cần độ biến động và dòng tiền tăng mạnh trở lại là trạng thái kỹ thuật sẽ đạt tiêu chuẩn.

Nhà đầu tư trung - dài hạn ưu tiên cầm tiền, đây chưa phải thời điểm mua lý tưởng. Nhà đầu tư ngắn hạn tạm thời dừng việc mua mới, canh bán chủ động với các cổ phiếu không có lãi sau 10 phiên nắm giữ hoặc cổ phiếu đã thủng mốc hỗ trợ MA20.

Điều chỉnh giảm nhẹ về gần vùng 1.250 điểm

Chứng khoán Tiên Phong (TPS)

Tâm lý thận trọng trên thị trường đang dần được gỡ bỏ và hướng tới vùng tâm lý tích cực hơn. Trong những phiên tiếp theo, VN-Index có thể sẽ tiếp tục hồi phục lên vùng 1.270 - 1.280 điểm.

Tuy nhiên, thị trường vẫn đang giao dịch khá gần vùng 1.250, không loại trừ khả năng 1-2 phiên tiếp theo, thị trường sẽ điều chỉnh nhẹ về vùng này nhằm kiểm định cung cầu sau đó sẽ tiếp tục chinh phục các mốc kháng cự tiếp theo.

Việc có một phiên bật tăng với thanh khoản tăng mạnh so với phiên trước đó đang là những tín hiệu rất tích cực của thị trường, nhưng nếu xác nhận phiên bùng nổ thì phiên giao dịch ngày 15/5 chưa đạt đủ yếu tố của một phiên bùng nổ.

Thêm vào phiên tăng điểm chủ yếu đến từ lực đỡ của cổ phiếu trụ cho thấy dòng tiền không lan tỏa. Trên khung đồ thị 1D, RSI vẫn ở trong vùng trung tính nhưng có phần suy giảm dần về xung lực giá xuống vùng hấp dẫn hơn.

Trong những phiên tiếp theo, VN-Index vẫn duy trì sự mạnh mẽ bứt phá khi lực tăng chưa đến 1%. Ngày 16/5 tới đây là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh và với độ lệch lớn hiện tại, chúng ta sẽ chứng kiến những biến động mạnh của VN30 hoặc VN30F1M vào ngày mai.

Áp lực bán sẽ tăng mạnh nên hạn chế mở thêm vị thế mua mới

Chứng khoán Kiến Thiết (CSI)

Biên độ tăng điểm tốt, đi kèm với đó là thanh khoản trong phiên hôm nay cũng rất khởi sắc vượt mức (+5,57%) trung bình 20 phiên sau 4 phiên có khối lượng thấp hơn trước đó. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy đà tăng có xác suất cao sẽ tiếp diễn trong các phiên tới.

Mặc dù vậy, ngưỡng kháng cự quanh mốc 1.265 điểm đang ở mức rất gần và khả năng sẽ được VN-Index kiểm tra trong các phiên tới. Chúng tôi cho rằng tại mốc này áp lực bán sẽ tăng mạnh nên chúng ta hạn chế mở thêm vị thế mua mới. Thay vào đó, ưu tiên căn bán, thực hiện hóa lợi nhuận những mã cổ phiếu đã mua thăm dò trong những phiên điều chỉnh trước đó.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Tin liên quan