Giải ngân ở vùng giá tốt đối với các mã đang cho tín hiệu bật tăng

Nhà đầu tư tận dụng các nhịp rung lắc trong các phiên tiếp theo để giải ngân ở vùng giá tốt đối với các mã đang cho tín hiệu bật tăng từ vùng hỗ trợ với sự gia tăng ở lực cầu và thanh khoản. Một số nhóm ngành đáng chú ý thời điểm hiện tại là chứng khoán, bất động sản, thép...

Chứng khoán ngày 10/12, mở đầu phiên với diễn biến tích cực khi chỉ số chính được kéo lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, áp lực bán ngay lập tức dâng cao khiến đà tăng nhanh chóng thu hẹp.

Tâm lý chờ đợi vẫn bao trùm thị trường, khi nhà đầu tư ở thế lưỡng lự. Sự bất đồng về phương hướng khiến dòng tiền phân hóa cao, giao dịch diễn ra cầm chừng, thiếu đi xung lực. Thanh khoản vì thế duy trì ở mức thấp trong phiên sáng.

Giao dịch trong phiên chiều vẫn diễn ra theo chiều hướng giằng co. Tuy nhiên, áp lực bán có phần dâng cao trước giờ đóng cửa trong khi lực cầu yếu. Số mã giảm dần chiếm áp đảo trên bảng điện tử và diễn biến này đẩy VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.272,07 điểm, tương ứng giảm 1,77 điểm (-0,14%) so với phiên trước. Toàn sàn HOSE có 170 mã tăng, trong khi có 223 mã giảm và 80 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,03 điểm (0,01%) lên 229,24 điểm, với 73 mã tăng, 80 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,18%) xuống 92,74 điểm.

Giao dịch trên thị trường vẫn diễn ra trong không khí ảm đạm, với thanh khoản đi xuống so với các phiên trước.

Tổng khối lượng giao dịch sàn HOSE đạt hơn 631,4 triệu cổ phiếu, giảm 17% so với phiên giao dịch ngày 9/12, tương ứng giá trị giao dịch giảm 14% xuống 14.450 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận hôm nay ở mức 2.900 tỷ đồng, cũng giảm 27%. Giá trị giao dịch ở HNX và UPCoM tăng lần lượt 10% và 6,5% lên 1.151 tỷ đồng và 620,6 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechips biến động hẹp và có sự phân hóa cao. Tuy nhiên, sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn và điều này đẩy VN-Index xuống dưới mốc tham chiếu khi đóng cửa.

Trong đó, VIC gây chú ý nhất khi giảm 1,55%, VHM cũng giảm 1,21%. Hai cổ phiếu này cùng VCB là nhân tố chủ chốt gây áp lực lớn lên thị trường chung. VCB ghi nhận mức giảm 0,84% ở phiên hôm nay.

Chiều ngược lại, FPT tăng trở lại 1,7% lên 149.500 đồng và góp phần nâng đỡ VN-Index. Ngoài ra, các mã lớn khác như HDB, BVH, POW, SAB, HPG hay PLX cũng tăng giá. HDB tăng mạnh nhất nhóm này với 3,7%. BVH tăng 1,7% và giúp nhóm bảo hiểm có một phiên tích cực. BIC tăng 0,9%, ABI tăng 0,8%, VNR tăng 0,4%.

HPG phiên hôm nay tăng 0,9% sau thông tin chính thức khai lò tại siêu dự án thép 85.000 tỷ đồng. Bên cạnh HPG, nhiều cổ phiếu ngành thép khác cũng giữ được sự tích cực như HSG, SMC, DTL, TLH, HSG… Trong đó, SMC được kéo lên mức giá trần.

Nhóm cổ phiếu dược gây chú ý khi đi ngược thị trường chung. Trong đó, DHT tăng mạnh trở lại 4,5%, DHG có thêm 2,45%, IMP vượt tham chiếu 2,34%.

anh-chup-man-hinh-2024-12-10-luc-181143.png
Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Kiên nhẫn căn nhịp chỉnh về mốc hỗ trợ để tăng tỷ trọng cổ phiếu

Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Áp lực chốt lời gia tăng sau 3 phiên tăng điểm khiến VN-Index đóng cửa giảm điểm nhẹ. Thanh khoản sụt giảm so với 3 phiên trước và khối lượng khớp lệnh còn thấp hơn (-3,5%) so với mức trung bình 20 phiên. Biên độ giảm không lớn và thanh khoản sụt giảm nên phiên giảm hôm nay không đủ động lượng để thay đổi xu hướng đã hình thành trước đó.

Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường và bảo lưu vị thế nắm giữ danh mục. Đồng thời, kỳ vọng VN-Index sẽ có nhịp chỉnh test lại mốc hỗ trợ 1.260 điểm, tương ứng với ngưỡng MA200 ngày rồi mới quay lại xu hướng tăng điểm. Vì vậy, kiên nhẫn căn nhịp chỉnh về mốc hỗ trợ để gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu, cũng như thêm vị thế mua mới.

Giải ngân ở vùng giá tốt đối với các mã đang cho tín hiệu bật tăng

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Thị trường tiếp tục đi ngang tích lũy ở vùng giá cao với thanh khoản thấp cho thấy lực cung chốt lời ngắn hạn là không nhiều và vẫn đang được hấp thụ tích cực. Xu hướng chung của VN-Index đang được củng cố ổn định và nhiều khả năng sau đó sẽ tiếp tục đi lên hướng tới các vùng điểm số cao hơn.

Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng các nhịp rung lắc trong các phiên tiếp theo để giải ngân ở vùng giá tốt đối với các mã đang cho tín hiệu bật tăng từ vùng hỗ trợ với sự gia tăng ở lực cầu và thanh khoản. Một số nhóm ngành đáng chú ý thời điểm hiện tại là chứng khoán, bất động sản, thép.

Tăng tỷ trọng khi cổ phiếu lùi về lại vùng hỗ trợ gần

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Chỉ số VN-Index tiếp tục hình thành nến "Spinning" biên độ nhỏ và thanh khoản chậm lại, cho thấy hoạt động mua/bán có phần thận trọng hơn. Với lượng cung giá cao tại các ngưỡng kháng cự trên, thị trường sẽ có nguy cơ đối mặt với rủi ro áp lực điều chỉnh gia tăng.

Tuy nhiên, khi nhóm cổ phiếu trụ vẫn đang đóng vai trò giữ nhịp cho chỉ số và có lực cầu bắt đáy chủ động, cơ hội hồi phục khi chỉ số lùi về các vùng hỗ trợ tiếp tục được rộng mở. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể tiếp tục trải lệnh, gia tăng thêm tỷ trọng vị thế trading khi chỉ số hoặc mã cổ phiếu riêng lẻ lùi về lại vùng hỗ trợ gần.

Tập trung vào các cổ phiếu đầu tư dài hạn có nền tảng cơ bản

Chứng khoán Asean

Chúng tôi cho rằng thị trường có thể có một vài phiên rung lắc nhẹ trong quá trình gặp lại vùng kháng cự 1.270 điểm, nhà đầu tư nên quản trị danh mục cẩn trọng. Đồng thời, tiếp tục quan sát biến động của các yếu tố về tỷ giá và thị trường thế giới để quản trị rủi ro trong ngắn hạn.

Chúng tôi vẫn đánh giá tốt triển vọng chung của thị trường, nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu đầu tư dài hạn có nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tích cực, cân nhắc giải ngân khi cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn và thị trường có dấu hiệu xác nhận xu hướng tăng trưởng rõ ràng đi cùng với khối lượng giao dịch.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.