Mới đây, WiGroup đã công bố Báo cáo đầu tư chiến lược năm 2024. Theo báo cáo, lũy kế từ đầu năm đến cuối năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 314.344 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022, bao gồm 270.170 tỷ đồng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ (chiếm 86% tổng giá trị phát hành) và 44.174 tỷ đồng giá trị phát hành trái phiếu đại chúng (chiếm 14%).
Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm đa số với 177.338 tỷ đồng (chiếm 56%) đạt mức tăng trưởng 80% so với cùng kỳ năm trước, theo sau là nhóm bất động sản với 81.388 tỷ đồng (chiếm 26%).
Theo WiGroup, sự gia tăng trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong cuối 2023 có thể được giải thích bởi sự thay đổi trong quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, giảm xuống mức 30%. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp các ngân hàng có thêm nguồn vốn trung dài hạn để cung cấp vốn cho các khoản vay kỳ hạn dài tương ứng.
So với những năm trước thì mức lãi suất phát hành giữa các ngành nghề có sự phân hóa rõ rệt. Trong những năm trước thì lãi suất của các doanh nghiệp nhóm ngành sản xuất phải chịu mức lãi suất tương đương với nhóm ngành bất động sản để huy động nguồn vốn. Tuy nhiên hiện nay, thị trường có sự nhận thức rõ hơn về mức độ rủi ro giữa các đợt phát hành của các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành nghề khác nhau.
Đến thời điểm cuối năm 2023, có 87 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất trên thị trường phần lớn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng.
Doanh thu của các doanh nghiệp phát hành đa phần có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù bối cảnh năm 2023 được coi là kém thuận lợi đối với ngành bất động sản và xây dựng.
Ở chiều hướng khác, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến cuối 2023 đạt 236.639 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 75,3% giá trị phát hành.
Nhiều doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu trước hạn để tái cơ cấu nguồn vốn. Phần lớn các đợt trái phiếu mua lại trước hạn diễn ra trong năm đều thuộc nhóm được phát hành riêng lẻ trước đây.
Trong đó, ngành ngân hàng và bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong việc mua lại trái phiếu trước hạn nhằm mục đích tận dụng lãi suất thấp, đảm bảo tài trợ ổn định, cải thiện cơ cấu tài chính và tối ưu hóa chi phí vay.
Bên cạnh đó, việc các đợt thanh tra phát hành trái phiếu được diễn ra mạnh trong năm khiến các doanh nghiệp phát hành có năng lực tài chính tốt hoặc khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng muốn cơ cấu lại nguồn vốn để hạn chế những vướng mắc liên quan pháp lý.
Đến thời điểm cuối năm 2023, có 281 doanh nghiệp mua lại với giá trị 236.639 tỷ đồng, số lượng trái phiếu được mua lại đạt gần 520 triệu trái phiếu. Hầu hết các doanh nghiệp mua lại đều tăng các khoản nợ vay ngân hàng để tài trợ cho việc trả nợ trước khoản trái phiếu đáo hạn.
Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn được diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng, với tình hình kinh doanh còn nhiều khó khăn thì nguồn tiền chính để thực hiện việc mua lại chủ yếu từ nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng thương mại.
WiGroup dẫn chứng số liệu của VIS Rating, giá trị chậm trả trái phiếu doanh nghiệp lên đến 195.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Ngoài ra, đã có khoảng 60% số trái phiếu chậm trả gốc, lãi đang được đàm phán khắc phục theo các phương án được quy định trong Nghị định 08/2023/NĐ-CP.
Tính đến thời điểm 22/12, có hơn 100 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc và lãi trái phiếu.
Đáng chú ý, ngành bất động sản chiếm 70% trong cơ cấu chậm trả trái phiếu chậm thanh toán do thị trường bất động sản đóng băng và thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi, dẫn đến tổ chức phát hành không thể thu xếp nguồn tiền để thanh toán gốc lãi trái phiếu đúng hạn so với kế hoạch.
Bước sang năm 2024, WiGroup đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Xét về tình hình vĩ mô, WiGroup dự kiến lãi suất huy động và cho vay giảm và nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, từ đó làm giảm nhu cầu phát hành trái phiếu.
Thêm vào đó, Wigroup cũng ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp là 330.000 tỷ đồng trong 2024, trong đó gần một nửa tổng nợ này là của các doanh nghiệp bất động sản. Điều này cũng gây áp lực lên tình hình tài chính của các doanh nghiệp từ đó tăng khả năng chậm trả, làm các đợt phát hành mới của các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn.
Tuy nhiên, nhiều yếu tố tích cực về pháp lý cũng sẽ hỗ trợ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm tới. Cụ thể, tại Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 17 Phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp, quy định về việc xử lý các vụ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hành vi gian lận, lừa đảo, quy định mới bổ sung yêu cầu về công bố thông tin, hồ sơ phát hành, phương thức phát hành và chế tài xử lý vi phạm. Điều này nhằm tăng cường minh bạch, an toàn và hiệu quả của thị trường, giúp nhà đầu tư có thông tin sáng suốt hơn để đưa ra quyết định đầu tư.
Đồng thời, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Singapore chính thức tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam. Sự xuất hiện của Moody's giúp thúc đẩy việc xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp, yếu tố tiên quyết thúc đẩy sự minh bạch của thị trường.
Vũ Anh