Mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 được Ngân hàng Nhà nước định hướng khoảng 15%, có điều chỉnh theo tình hình thực tế...
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Với bối cảnh như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Hiện tại, tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu định hướng tăng trưởng 15% của Ngân hàng Nhà nước về đích đúng hẹn, nền kinh tế sẽ được bơm thêm khoảng 2 triệu tỷ đồng.
"Con số 15% chỉ là định hướng. Nếu nhu cầu thực tế của nền kinh tế cao, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng thêm để phù hợp. Do đó, lượng tiền đưa vào thị trường có thể vượt 2 triệu tỷ đồng", Phó Thống đốc nói.
Đồng thời, theo ông Tú, đích của dòng vốn tín dụng vẫn được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
"Năm 2023 lãi suất đã giảm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Sang năm 2024, ngành ngân hàng sẽ cố gắng không đề cập đến vấn đề tăng. Đồng thời, tôi cũng đề nghị các ngân hàng thương mại nên công khai, minh bạch cả lãi suất cho vay và lãi suất huy động bình quân trên website của mình", ông Tú nói.
Về việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức yếu kém. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%.
Bên cạnh đó, Ngân hàng sẽ định hướng và nhiều giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành Ngân hàng; thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Xây dựng, trình ban hành/ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết sau khi Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được ban hành.
Vũ Phong