Chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều giữ được đà tăng trong phiên 7/5, nối dài chuỗi tăng điểm gần đây được thúc đẩy bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay…
Kết thúc phiên 7/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhích nhẹ 31,99 điểm (+0,08%) lên 38.884,26 điểm, S&P 500 tăng 6,96 điểm (+0,13%) thành 5.187,70 điểm, trong khi Nasdaq Composite mất 16,69 điểm (-0,10%) còn 16.332,56 điểm.
Cổ phiếu Megacap Alphabet và Meta Platforms tăng lần lượt 1,9% và 0,6%, trở thành động lực thúc đẩy các chỉ số chính.
Mặc dù đã chính thức công bố dòng chip M4 mới nhưng cổ phiếu Apple chỉ nhích 0,4% khi công ty đưa ra lưu ý rằng chip sẽ được đưa vào iPad Pro thay vì Mac.
Những tiến bộ này đã đẩy S&P 500 đóng cửa ở mức cao thứ tư liên tiếp và đây là chuỗi tăng điểm tốt nhất kể từ tháng 3. Đối với Dow Jones, chỉ số này hiện đang có đợt tăng giá dài nhất kể từ tháng 12/2023, tăng ở phiên thứ năm liên tiếp.
Các tín hiệu tích cực đạt được bất chấp Walt Disney giảm 9,5%, mức giảm phần trăm lớn nhất kể từ tháng 11/2022, do lợi nhuận trong bộ phận giải trí trực tuyến của hãng bị lu mờ bởi hoạt động kinh doanh truyền hình truyền thống sụt giảm và doanh thu phòng vé yếu hơn.
Nvidia mất 1,7% sau khi Wall Street Journal đưa tin Apple đang phát triển chip riêng để chạy phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) trong các trung tâm dữ liệu.
Cổ phiếu Tesla trượt 3,8% do có dữ liệu cho thấy nhà sản xuất ô tô Mỹ chỉ bán được 62.167 xe điện sản xuất tại nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 4, giảm 18% so với một năm trước đó.
Palantir Technologies lao dốc 15,1%, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ tháng 5/2022, do dự báo doanh thu hàng năm của công ty phân tích dữ liệu không đạt được ước tính của các nhà phân tích.
Bất chấp lực cản từ Disney và Tesla, thị trường nhìn chung vẫn phấn chấn nhờ báo cáo thị trường lao động yếu hơn dự kiến vào tuần trước, điều này làm dấy lên kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Garrett Melson, chiến lược gia danh mục đầu tư tại Natixis Investment Manager Solutions cho biết: “Tôi nghĩ thị trường đang ở trong xu hướng này cho đến khi có dữ liệu lớn xuất hiện vào tuần tới”. Chỉ số CPI tháng 4 dự kiến sẽ được công bố vào ngày 15/5.
Nhìn chung, Fed và các nhà hoạch định chính sách đều nhất quán trong thông điệp của họ về việc cắt giảm lãi suất trong năm nay nhưng ngân hàng trung ương vẫn sẽ thận trọng khi thực hiện chúng. Điều này có nghĩa là, vào một ngày không có các thông báo dữ liệu quan trọng, thị trường dường như đã phớt lờ bình luận từ Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari rằng Fed có thể cần giữ lãi suất ổn định trong thời gian còn lại của năm do lạm phát dai dẳng và sức mạnh của thị trường nhà ở.
Theo LSEG, các nhà giao dịch đang dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,46 điểm phần trăm vào cuối năm 2024, với lần cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể được thực hiện vào tháng 9 và một lần khác vào tháng 12.
GIÁ DẦU GIẢM KHI DẤU HIỆU THẮT CHẶT NGUỒN CUNG GIẢM BỚT
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đóng cửa giảm nhẹ vào 7/5 khi bắt đầu có các dấu hiệu giảm bớt lo ngại về nguồn cung, trong khi những người tham gia thị trường chuyển sự chú ý sang dữ liệu dự trữ của Mỹ.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 17 cent ở mức 83,16 USD/thùng và giá dầu thô WTI của Mỹ đóng cửa giảm 10 cent ở mức 78,38 USD/thùng.
Giá tiếp tục đi xuống sau khi các nguồn tin thị trường cho biết tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ tăng vọt trong tuần trước, trích dẫn dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ. Hàng tồn kho tăng, thường là dấu hiệu của nhu cầu yếu, đã thách thức kỳ vọng của các nhà phân tích trong những tuần gần đây.
Mặt khác, các nhà giao dịch dầu có vẻ như đang bỏ qua tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Thay vào đó, trọng tâm của họ hướng tới những bất ổn xung quanh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tác động của việc tăng trưởng chậm lại đối với nhu cầu dầu, ông Ricardo Evangelista, nhà phân tích cấp cao tại công ty môi giới tài chính ActivTrades nhận định.
GIÁ BITCOIN CHẠY QUANH VÙNG 63.000 USD
Giá bitcoin giảm nhẹ khi tâm lý đối với tiền điện tử chưa có dấu hiệu cải thiện trong bối cảnh các vấn đề về quy định đang được thảo luận và dòng vốn chảy ra từ các sản phẩm đầu tư, đặc biệt là các quỹ ETF, vẫn tiếp tục.
Đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới đã giảm 0,2% trong 24 giờ qua, đứng quanh ngưỡng 63.500 USD.
Tâm lý đối với thị trường tiền điện tử đã bị ảnh hưởng trong tuần này bởi một báo cáo cho thấy rằng chưa đến 10% tổng số giao dịch stablecoin là tự nhiên hoặc từ người dùng thực. Báo cáo đã đặt ra câu hỏi về nhu cầu bán lẻ thực sự đối với tiền điện tử là bao nhiêu khi các nhà khai thác stablecoin, đặc biệt là Tether, đã tăng vốn thị trường một cách nhất quán.
Các yếu tố tiêu cực cũng xuất hiện trong bối cảnh dòng tiền liên tục chảy ra từ các sản phẩm đầu tư tiền điện tử, cho thấy tâm lý đối với không gian kỹ thuật số này phần lớn vẫn tiêu cực. Dòng tiền ETF Bitcoin chảy ra vẫn đang kéo dài sang tuần thứ ba liên tiếp.
Kim Nguyễn