Thanh khoản èo uột, dư nợ margin vẫn tăng cao

Nhiều doanh nghiệp chứng khoán công bố dư nợ cho vay margin trong quý 4/2024 tiếp tục tăng cao trái ngược với bối cảnh thanh khoản của thị trường ở mức thấp...
 

Số liệu từ nhóm 10 công ty chứng khoán dẫn đầu về dư nợ ký quỹ (margin), chiếm tới 62% toàn ngành tính đến cuối tháng 9/2024, cho thấy tổng giá trị cho vay của nhóm này vào cuối năm 2024 đạt xấp xỉ 147.500 tỷ đồng. So với ba tháng trước, con số này tăng thêm gần 9.600 tỷ đồng, tương đương mức tăng 7%.

Trong vòng một năm, dư nợ margin của nhóm này đã nhảy vọt lên gần 39.900 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng ấn tượng 37%. Tuy nhiên, bước sang quý 4/2024, thị trường chứng khoán vẫn chưa ghi nhận sự khởi sắc rõ rệt cả về diễn biến lẫn thanh khoản. VN-Index tiếp tục dao động trong khoảng 1.200 - 1.300 điểm, trong khi giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên HOSE chỉ đạt chưa tới 15.000 tỷ đồng, thấp hơn tới 30% so với quý đầu năm.

Thanh khoản thị trường bị thu hẹp, cộng với các đợt tăng vốn dồn dập và áp lực cạnh tranh khốc liệt từ chính sách cho vay margin, đã khiến dư nợ ngành chứng khoán trong quý vừa qua ghi nhận sự phân hóa rõ nét.

Bức tranh này càng trở nên đa dạng hơn khi các công ty chứng khoán lớn điều chỉnh khẩu vị rủi ro và chiến lược cho vay. Một số tập trung vào khách hàng lớn, bao gồm các doanh nghiệp và các thương vụ tài chính (deal), trong khi những công ty khác lại chọn ưu tiên đẩy mạnh hoạt động bán lẻ.

TOP 10 CÔNG TY CHỨNG KHOÁN CÓ DƯ NỢ CHO VAY MARGIN LỚN NHẤT

Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) mở màn với con số ấn tượng khi báo lãi trước thuế quý 4/2024 đạt 933 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, lợi nhuận trước thuế của công ty chạm mốc hơn 4.802 tỷ đồng, tăng vọt 59% so với năm 2023 và vượt 23% kế hoạch đề ra.

Điểm sáng khác của TCBS là dư nợ cho vay ký quỹ, đạt 25.606 tỷ đồng vào ngày 31/12/2024. Con số này tăng nhẹ 2% so với quý 3/2024 nhưng đã nhảy vọt hơn 1,5 lần so với cuối năm 2023.

Trong khi đó, Chứng khoán SSI ghi dấu với tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế riêng quý 4/2024 lần lượt đạt 2.078 tỷ đồng và 475 tỷ đồng. Theo báo cáo hợp nhất, doanh thu quý 4 ước đạt 2.259 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 547 tỷ đồng.

Tính cả năm 2024, SSI ước tính đạt doanh thu hợp nhất 8.704 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.536 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 107% và 104% kế hoạch được đại hội đồng cổ đông thông qua.

Dư nợ ký quỹ của SSI cuối quý 4/2024 đạt 21.815 tỷ đồng, tăng mạnh 14,6% so với quý trước và tăng gần 48,7% so với đầu năm. Đây cũng là mức dư nợ margin cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của công ty, khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường.

Một đơn vị khác cũng ghi nhận mức cho vay margin vượt 20.000 tỷ đồng là Chứng khoán TP.HCM (HSC – mã chứng khoán: HCM) khi tăng 6% trong quý qua, lên mức 20.429 tỷ đồng.

Cả 3 doanh nghiệp trên đều ghi nhận những đợt tăng vốn ấn tượng trong năm 2024 và tiếp tục có kế hoạch mở rộng vốn điều lệ trong năm 2025.

Đơn cử, tại HSC, Đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 12/2024 đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, dự kiến phát hành gần 360 triệu cổ phiếu. Nếu kế hoạch này thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 7.208 tỷ đồng lên mức 10.800 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Trịnh Hoài Giang nhấn mạnh rằng nhu cầu vay margin từ khách hàng vẫn rất tốt và hoạt động cho vay tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định, tỷ lệ dư nợ margin trên vốn chủ sở hữu tối đa chỉ ở mức 200%, và hiện tại, tỷ lệ này tại HSC đã đạt ngưỡng giới hạn. Vì vậy, để mở rộng hoạt động cho vay, công ty cần thực hiện các kế hoạch tăng vốn. Đặc biệt, việc triển khai dịch vụ giao dịch không cần ký quỹ trước (Non-Prefunding) cho khách hàng tổ chức nước ngoài cũng làm gia tăng áp lực cần thêm nguồn vốn.

Ngoài HSC, các tên tuổi như Mirae Asset Việt Nam (18.255 tỷ đồng), VPS (12.204 tỷ đồng), Vietcap (11.103 tỷ đồng), MBS (10.120 tỷ đồng) và VNDirect (10.149 tỷ đồng) cũng ghi nhận dư nợ margin vượt 10.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024.

Đáng chú ý, VPBank Securities (VPBankS) và KIS Việt Nam (KISVN) cũng báo cáo tăng trưởng mạnh mẽ về dư nợ margin trong quý 4/2024. Đặc biệt, VPBankS dẫn đầu với mức tăng trưởng ấn tượng 25%, đạt 9.450 tỷ đồng. Với nguồn vốn chủ sở hữu hơn 17.400 tỷ đồng vào cuối quý 4/2024, dư địa cho vay margin của VPBankS vẫn dồi dào, lên tới hơn 25.360 tỷ đồng.

Tổng quan cho thấy, các công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần trên sàn HOSE đều công bố mức dư nợ margin cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây (quý 4/2023 – quý 4/2024), ngoại trừ Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán: VND). Theo báo cáo tài chính, dư nợ margin của VNDirect trong quý 4/2024 chỉ đạt 10.149 tỷ đồng, thấp hơn so với quý 3/2024 (10.434 tỷ đồng) và quý 2/2024 (10.936 tỷ đồng).

Về kết quả kinh doanh, VNDirect ghi nhận lợi nhuận trước thuế 275 tỷ đồng trong quý 4/2024, giảm mạnh 72% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng, giảm 69%. Lũy kế cả năm 2024, doanh thu hoạt động của công ty giảm 19%, còn 5.324 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế giảm 15%, xuống còn 1.718 tỷ đồng.

VNDirect từng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ vụ tấn công hệ thống vào tháng 3/2024, khiến nhà đầu tư không thể giao dịch trong suốt một tuần. Sự cố này được cho là khởi đầu cho sự thu hẹp thị phần môi giới của công ty trong các quý còn lại của năm.

Ở nhóm các công ty chứng khoán có dư nợ nghìn tỷ đồng, nhiều đơn vị ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong dư nợ margin. Đáng chú ý là Chứng khoán FPT (FTS), Maybank, Yuanta Việt Nam (YSVN), BVSC, VIX, CTS... Trong đó, YSVN và VIX dẫn đầu với mức tăng trưởng vượt bậc, lần lượt đạt 30% và 40%. Ngược lại, một số công ty lại chứng kiến sự sụt giảm trong dư nợ margin trong quý 4/2024, bao gồm Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), VCBS, DNSE, và Rồng Việt (VDSC).

DƯ NỢ CHO VAY MARGIN SẼ CÒN TĂNG

Dư nợ cho vay margin tại nhiều công ty chứng khoán tiếp tục leo thang, trong khi thanh khoản trên thị trường chứng khoán lại ngày càng sụt giảm. Điều này đặt ra câu hỏi: Dòng tiền margin thực sự đang được sử dụng như thế nào?

Theo chia sẻ từ các chuyên gia, mức tăng mạnh mẽ của dư nợ không hẳn bắt nguồn từ nhu cầu đòn bẩy của nhà đầu tư cá nhân. Nhiều khả năng, dòng vốn này chủ yếu phục vụ cho hoạt động vay deal của các cổ đông lớn và lãnh đạo doanh nghiệp, trong bối cảnh kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp không ít trở ngại.

So với việc thế chấp tài sản để vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu, sử dụng cổ phiếu làm tài sản thế chấp lại dễ dàng hơn rất nhiều. Điều này đã thúc đẩy các công ty chứng khoán dần chuyển mình, mang dáng dấp của “ngân hàng trong bóng tối” (shadow banking) ngày càng rõ nét.

Phần lớn sự gia tăng dư nợ hiện nay đến từ các tổ chức và “tay to” trên thị trường, trong khi nhu cầu vay margin từ nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm một phần nhỏ. Đáng chú ý, không phải toàn bộ dòng tiền này đều chảy vào thị trường chứng khoán, mà một phần được sử dụng cho các mục đích khác. Đây có thể là nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường không song hành với đà tăng của dư nợ margin.

Theo các chuyên gia từ Chứng khoán SSI, dư nợ cho vay ký quỹ tại thời điểm quý 3/2024 đạt 224.000 tỷ đồng. Đây là mức cao kỷ lục về số tuyệt đối, xét về tương đối thì dư nợ ký quỹ chiếm 81% vốn chủ sở hữu và tỷ lệ này được giữ tương đối ổn định từ năm 2023 và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 120% trong năm 2021.

Dư nợ cho vay ký quỹ tăng không tương đồng với thanh khoản thị trường, cho thấy mức tăng này có thể không đến từ đòn bẩy của nhà đầu tư cá nhân, mà từ cho vay ký quỹ theo thỏa thuận. SSI dự báo, năm 2025, dư nợ cho vay ký quỹ có thể tiếp tục tăng dựa trên giải pháp mới hỗ trợ thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư cá nhân trong nước quay lại thị trường.