Theo Chứng khoán Dầu khí (PSI), sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua, nhóm cổ phiếu thép đã về vùng giá tương đối hấp dẫn so với giá trị thực nhưng cần lưu ý ngành thép vẫn đang trải qua giai đoạn khó khăn.
Ông Đồng Việt Dũng - Trưởng nhóm Phân tích doanh nghiệp thuộc Chứng khoán Dầu khí (PSI) đã có những chia sẻ về diễn biến thị trường chứng khoán tuần vừa qua và triển vọng đối với nhóm cổ phiếu thép trong thời gian tới.
PV: Thị trường vừa trải qua phiên giao dịch cuối tuần khá giằng co. VN-Index đóng cửa với mức tăng nhẹ 2,54 điểm, đạt 1.285,32 điểm nhưng độ rộng thị trường lại nghiêng về “sắc đỏ” với 390 mã giảm so với 345 mã tăng, Ông đánh giá như nào về sự vận động của thị trường ngày hôm nay?
Ông Đồng Việt Dũng: Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một tuần giao dịch tương đối tích cực khi chỉ số VN-Index tiếp tục ghi nhận tăng 33,09 điểm chỉ trong 5 phiên giao dịch vừa qua. Thị trường diễn ra khá sôi động khi giá trị giao dịch trên sàn HoSE tăng 19% so với tuần trước, ghi nhận giá trị giao dịch trung bình đạt hơn 17.778 tỷ đồng/phiên.
Việc phiên giao dịch cuối tuần diễn ra giằng co với biên độ giao dịch hẹp cùng độ rộng “tạm thời” nghiêng về bên bán theo tôi là một diễn biến lành mạnh của thị trường.
Chỉ trong vòng 3 tuần vừa qua, chỉ số VN-Index đã hồi phục tăng 100,79 điểm kể từ đáy. Đây là mức tăng hồi phục tương đối nhanh, song song với đó nhiều mã cổ phiếu cũng ghi nhận mức hồi phục tăng trung bình hơn 10%. Do đó thị trường sẽ cần những nhịp nghỉ mang tính kỹ thuật nhằm tích lũy cũng như kiểm nghiệm lại lực cầu tại vùng nền giá cao hơn của chỉ số.
PV: Về cuối phiên, nhóm cổ phiếu thép tăng tốc và có phần dẫn dắt tâm lý thị trường. Ông có nhận định gì về nhóm cổ phiếu này?
Ông Đồng Việt Dũng: Thị trường thép Việt Nam nhìn chung vẫn đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn do nhu cầu tiêu thụ nội địa còn yếu, các thị trường thép lớn trên thế giới cũng không có sức mua tốt để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, ngành thép có thể đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và vẫn đang trong quá trình phục hồi nhẹ, các dấu hiệu tích cực cũng bắt đầu xuất hiện. Giá thép thanh nội địa sau quãng thời gian giảm liên tiếp đã đi ngang quanh mốc 14 triệu đồng/tấn, khi nhu cầu tiêu thụ có sự phục hồi nhẹ.
Trong khi đó giá HRC sụt giảm sâu, về vùng đáy của năm 2022, điều này có thể khiến cho các giao dịch trở nên sôi động hơn tại Trung Quốc cũng như tại thị trường Đông Nam Á khi tâm lý các thương nhân rất chần chừ và e ngại trong nhiều tháng qua.
Ngoài ra, bệ đỡ từ ngành bất động sản cũng được kỳ vọng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn đặc biệt vào năm 2025 khi Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8 vừa qua.
Bên cạnh đó, chúng tôi nhận định rằng sau khi xuất hiện thông tin về việc các thị trường EU hay Ấn Độ khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam, các cổ phiếu nhóm thép đã điều chỉnh khá mạnh, HPG giảm gần 14% trong vòng 1 quý, HSG giảm 8,5%; NKG giảm 17,4%...
Đây là vùng giá tương đương hoặc thậm chí thấp hơn thời điểm đầu năm nay, chúng tôi cho rằng đây là vùng giá tương đối thấp so với giá trị thực của nhóm cổ phiếu thép nói trên, do đó các nhà đầu tư có thể đã nhận thấy cơ hội tiềm năng để mua vào.
Tuy nhiên vẫn cần lưu ý rằng ngành thép vẫn đang trải qua giai đoạn khó khăn, đặc biệt khi nhu cầu tiêu thụ nội địa còn yếu, sự phục hồi rõ ràng có thể sẽ chỉ xuất hiện trong năm 2025.
PV: Mặc dù áp lực tỷ giá đã “hạ nhiệt” đáng kể trong tuần vừa qua nhưng nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên toàn thị trường 6/10 phiên giao dịch gần đây nhất. Ông đánh giá sao về vấn đề này?
Ông Đồng Việt Dũng: Tiếp nối xu hướng bán ròng mạnh trong năm 2023, sang năm 2024 khối ngoại vẫn tăng cường bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sau 6 tháng đầu năm 2024, khối ngoại bán ròng gần 52.134 tỷ đồng trên HoSE, bỏ xa tổng giá trị gần 24.466 tỷ đồng của cả năm 2023, đồng thời tiệm cận với giá trị “khủng” hơn 56.208 tỷ đồng của năm 2021. Trong tuần giao dịch từ 19-23/8, giá trị bán ròng của khối ngoại cũng đạt 964,6 tỷ đồng.
Diễn biến bán ròng của khối ngoại cũng diễn ra ở nhiều thị trường chứng khoán khác trong khu vực Đông Nam Á. Lũy kế từ đầu năm tới tháng 7, khối ngoại rút ròng hơn 3,2 tỷ USD trên thị trường Thái Lan, trên 500 triệu USD tại Philippines, và khoảng 400 triệu USD tại Indonesia.
Ngược lại, các thị trường có hiệu suất tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan ghi nhận xu hướng mua ròng của các nhà đầu tư ngoại.
Chúng tôi cho rằng nguyên nhân của việc khối ngoại rút ròng chủ yếu do hiệu suất hoạt động của các thị trường, khi mà những thị trường cận biên và mới nổi nhìn chung thường sẽ có hiệu suất thấp hơn so với các thị trường phát triển.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hai tổ chức là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên, trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi. Ngoài ra, trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại số lượng doanh nghiệp niêm yết lớn vẫn chưa nhiều, khiến cho mức độ tin cậy và sự lành mạnh ít nhiều bị ảnh hưởng.