Trang bị cho sinh viên kiến thức tài chính, thoát bẫy lừa đảo

Hướng tới 3 yếu tố "hữu ích, hấp dẫn và sáng tạo", chuỗi sự kiện “Đồng tiền thông thái” năm 2024 bao gồm đa dạng các sự kiện hấp dẫn, sáng tạo, nhằm chuyển tải các thông tin về tài chính - ngân hàng một cách sinh động, đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu và có sức lan tỏa rộng rãi...

Trong hai ngày, 1-2/10/2024, Học viện Ngân hàng phối hợp với Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục tài chính năm 2024 với chủ đề “Đồng tiền thông thái”. Chuỗi sự kiện dành cho tân sinh viên và sinh viên đang theo học tại các trường Đại học, Học viện và Cao đẳng khu vực Hà Nội.

Chuỗi sự kiện năm nay được tổ chức nhằm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các Đề án của Chính phủ (Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công); nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn chính thức, góp phần giảm thiểu tín dụng đen…

Mục tiêu của chuỗi sự kiện là trang bị cho sinh viên trên địa bàn Hà Nội nói chung, tân sinh viên nói riêng những kiến thức cơ bản về tài chính - ngân hàng; lịch sử tiền tệ Việt Nam, hiểu về giá trị của đồng tiền; hướng dẫn cách tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, những lưu ý trong việc vay vốn ngân hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn chính thức cho người dân, giảm thiểu tín dụng đen; các quy định của pháp luật về tiết kiệm, hướng dẫn thủ tục, quy trình gửi tiết kiệm, những lưu ý, cảnh báo cho người dân trong việc gửi tiết kiệm; các quy định của pháp luật về hoạt động thanh toán, giới thiệu, hướng dẫn cách thức sử dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán; những lưu ý, cảnh báo trong sử dụng dịch vụ thanh toán nhằm đảm bảo an toàn, tránh rủi ro cho người sử dụng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng…

Chuỗi sự kiện bao gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như: talkshow tìm hiểu về đồng tiền Việt Nam; tọa đàm về giáo dục tài chính cho sinh viên; cuộc thi hiểu biết về tài chính; chương trình triển lãm gian hàng; các phần thi minigame hấp dẫn tại sân khấu ngoài trời; chương trình đại nhạc hội chào tân sinh viên; siêu thị sinh viên và chương trình bốc thăm quà tặng may mắn với hàng ngàn phần quà; thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ với gian hàng của các nhà xuất bản và chương trình ưu đãi hấp dẫn; trao tặng từ thiện cho Quỹ Tấm lòng Việt của Đài Truyền hình Việt Nam để ủng hộ khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Tại tọa đàm “Giáo dục tài chính cho sinh viên”, bà Nguyễn Thị Thúy Giang, Chuyên gia Phát triển sản phẩm - Khối Ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng SHB đã có những chia sẻ về xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và những lưu ý khi sử dụng.

Theo bà Giang, tính đến hết năm 2023, kết quả triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam là hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, khoảng hơn 80% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản thanh toán. Trong đó, có 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động. Số lượng giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng lên tới 130 triệu giao dịch, với tổng giá trị là 198.24 triệu tỷ đồng, tức là bình quân hệ thống xử lý hơn 789 nghìn tỷ đồng/ngày.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các công nghệ hiện đại, các gian lận trong thanh toán trực tuyến cũng gia tăng đáng kể trong những năm gần đây gây ra những thiệt hại đáng kể về tài chính và phi tài chính cho ngân hàng, khách hàng, các bên liên quan khác và nền kinh tế số.

Nhằm giúp sinh viên tránh bị mất tiền oan, đại diện ngân hàng SHB đã điểm danh một số chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay như: mạo danh cơ quan Nhà nước/cơ quan chức năng; mạo danh ngân hàng; mạo danh người thân, lãnh đạo; đối tượng lừa đảo lập các trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam; đối tượng rao bán sản phẩm dịch vụ qua mạng nhưng sau khi khách hàng chuyển tiền, không nhận được sản phẩm, không liên lạc được người bán…

“Thông thường các tội phạm rất tinh vi, nói chuyện ngon ngọt và như thật, nên khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi của người lạ, hay bảo click vào các link lạ (ko có hình ổ khóa) thì chúng ta phải cảnh giác, thực sự tỉnh táo", bà Giang khuyến cáo.

Bà Giang nhấn mạnh, tuyệt đối không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào từ người tự nhận là công an, cán bộ thuộc cơ quan nhà nước, cán bộ ngân hàng… Không truy cập/nhập thông tin bảo mật ngân hàng điện tử vào trang web/ứng dụng khác với trang web/đường dẫn Internet Banking/ứng dụng ngân hàng điện tử của ngân hàng. Không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link. Không cài các ứng dụng thử nghiệm của Apple. Không cấp quyền xem màn hình, xem dữ liệu nhập và điều khiển màn hình điện thoại. Không cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử như mật khẩu đăng nhập, mã xác thực (OTP, QR); thông tin về tài khoản, thẻ, cho bất kỳ ai. Không bẻ khoá (root, jailbreak) điện thoại.

Đại diện ngân hàng SHB cũng lưu ý thêm, nếu chẳng may đã làm theo những lời của những kẻ giả mạo thì ngay lập tức hãy khóa dịch vụ ngân hàng điện tử và tắt điện thoại, cài đặt lại điện thoại. Cùng với đó, liên hệ công an địa phương, ngân hàng qua hotline hoặc đến điểm giao dịch gần nhất.