Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT BAF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF) cho biết đối thủ cạnh tranh chính của công ty hiện nay là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chứ không phải các doanh nghiệp chăn nuôi heo công nghiệp khác.
Mục tiêu lãi ròng năm nay tăng gấp 10 lần, sẽ phát triển mảng Food
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa diễn ra, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF - sàn HoSE) cho biết, sau năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn thì hoạt động kinh doanh của công ty năm nay sẽ đón nhận nhiều cơ hội, thuận lợi hơn với việc tổng đàn heo tăng mạnh, giá heo hơi hồi phục, và triển khai loạt dự án mới để tăng cường năng lực cạnh tranh.
Cụ thể, tính trong quý 1/2024, tổng đàn của BAF Việt Nam đã tăng 87% so với cùng kỳ, đạt gần 430.000 con, tương ứng sản lượng khoảng 1 triệu heo thương phẩm/năm.
Dự kiến sản lượng heo bán ra năm nay của công ty sẽ đạt gần 610.000 con, tăng gấp 2,1 lần năm ngoái, và biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi ước tính đạt tới 23%, theo ông Trương Sỹ Bá.
Theo đó, HĐQT BAF Việt Nam đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu 5.544 tỷ đồng, tăng gần 7%, nhưng mục tiêu lãi ròng 306 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 2023.
Mục tiêu trên của BAF Việt Nam đã được chứng minh là khả thi khi kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của công ty đạt 120 tỷ đồng, cao cấp 38 lần cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành gần 38% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Theo Chủ tịch BAF Việt Nam, mảng Food - trong chuỗi 3F (Feed - Farm - Food) sẽ là yếu tố cạnh tranh chiến lược của công ty trong tương lai do có biên lợi nhuận lớn nhất chuỗi và áp lực cạnh tranh trong ngành chăn nuôi sẽ ngày càng tăng lên. Do đó, công ty sẽ đẩy mạnh các sản phẩm thịt chế biến có giá trị cao trong thời gian tới.
Hiện BAF Việt Nam đặt mục tiêu từ nay đến năm 2023 sẽ xây dựng mảng Food, dần trở thành mảng cốt lõi và dần chuyển từ doanh nghiệp chăn nuôi sang doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Chia sẻ về chiến lược trên, ông Trương Sỹ Bá cho biết: “Người dân vẫn có thói quen ra chợ mua thịt, chưa mua nhiều các sản phẩm chế biến sẵn. Nhưng không thể đợi thị trường bắt kịp mới xây, phải tạo nền tảng trước. Bởi vậy, công ty xác định từ nay đến 2030 là định vị thương hiệu cho mảng Food, chưa đặt nặng yếu tố lợi nhuận. Và sau năm 2030, công ty sẽ định vị bản thân là doanh nghiệp thực phẩm”.
Theo BAF Việt Nam, sau quá trình giết mổ, vẫn còn tới 60% thành phần phụ của heo khó tiêu thụ hoặc có giá bán rất thấp. Hiện công ty đang nghiên cứu để tạo thành các sản phẩm chế biến, nhằm tối ưu đầu ra.
Hộ nông dân nhỏ lẻ mới là đối thủ cạnh tranh chính
Trước câu hỏi của cổ đông về áp lực cạnh tranh hiện nay, ông Trương Sỹ Bá cho biết, thực chất đối thủ của BAF Việt Nam có nhiều, nhưng đối thủ “sống còn” lại là các hộ nông dân nhỏ lẻ.
“Kể cả các doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam như C.P Việt Nam (Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - PV)… cũng không chiếm tỷ lệ quá nhiều trên tỷ lệ tổng đàn. Trong khi đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang chiếm tới 70% tổng đàn trên cả nước”, ông Trương Sỹ Bá nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch BAF Việt Nam dự báo quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ nhanh chóng suy giảm trong thời gian tới và có thể sẽ chỉ còn chiếm dưới 30% tổng đàn heo trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi trong thời gian qua đã khiến nhiều nông dân “treo chuồng”. Bên cạnh đó, quy định mới về trang trại chăn nuôi của Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 sẽ khiến nhiều trang trại không đạt chuẩn buộc phải đóng cửa.
Xem thêm: "BaF Việt Nam (BAF): Giá thành gần như thấp nhất ngành, mảng chăn nuôi bứt phá" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Theo ông Trương Sỹ Bá, tỷ lệ tiêu thụ thịt heo trên đầu người tại Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng; trong khi, nguồn cung từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có xu hướng giảm xuống, sẽ tạo ra cơ hội để cho BAF Việt Nam cũng như các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp khác phát triển.
“Thực tế, sự tăng trưởng của BAF Việt Nam và các công ty khác thời gian qua là từ phần giảm của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chứ chưa cạnh tranh trực tiếp đến các doanh nghiệp FDI. Trong quy luật cạnh tranh, công ty nào chiếm thị phần trên 35-40% trở lên mới điều tiết được thị trường. Điển hình, C.P Việt Nam hiện nếu không bán được hàng thì vẫn phải giảm giá, do vẫn phải cạnh tranh với các hộ nông dân nhỏ lẻ”, ông Trương Sỹ Bá giải thích.