Chuyên gia Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng rất khó để dự báo khi nào khối ngoại ngừng bán ròng cổ phiếu Việt thời điểm hiện tại.
Chuyên gia Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng rất khó để dự báo khi nào khối ngoại ngừng bán ròng cổ phiếu Việt thời điểm hiện tại.
Kết phiên 14/12, VN-Index giảm 4 điểm về mức 1.110; HNX-Index giảm 1,2 điểm trong khi UPCoM ngược dòng hồi lên tham chiếu.
Khối ngoại tiếp tục là tác nhân gây tiêu cực khi bán ròng phiên thứ 12 liên tiếp trên sàn HOSE với giá trị 356 tỷ đồng.
Tính từ đầu tháng 12, khối ngoại đã rút ròng gần 6.800 tỷ đồng trên sàn HOSE - lớn hơn tổng lượng bán ròng trong cả tháng 10 và 11.
Nếu không có sự đảo chiều trong nửa cuối tháng 12, không ngoại trừ khả năng khối ngoại sẽ ghi nhận tháng bán ròng thứ 9 liên tiếp trên thị trường chứng khoán Việt cùng mức bán ròng kỷ lục trong năm.
Theo quan sát, khối ngoại bán ròng trên cả hai kênh cổ phiếu và chứng chỉ quỹ ETF. Lý giải về động thái này, trong chương trình Gõ cửa tháng mới của Chứng khoán SSI, ông Bùi Văn Tốt - Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho biết một phần lực bán ròng thời gian này đến từ các nhà đầu tư Thái Lan.
Động thái giao dịch từ các nhà đầu tư Thái Lan liên quan đến chính sách thuế sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024. Thái Lan sẽ áp thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài lũy tiến giống như thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam. Do đó, khối ngoại sẽ bán ra trước khi bắt đầu năm mới. Sau đó có thể kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại.
Từ ngày 1/1/2024, quy định mới cho phép các cơ quan chức năng Thái Lan đánh thuế thu nhập từ nước ngoài của các cá nhân nếu họ là cư dân Thái Lan tối đa 180 ngày/năm và kiếm thu nhập ở nước ngoài từ công việc hoặc tài sản trong năm đánh giá cụ thể.
Quy định mới sẽ hướng đến ba nhóm đối tượng gồm, cư dân giao dịch trên thị trường chứng khoán nước ngoài thông qua các công ty môi giới nước ngoài, nhà giao dịch tiền điện tử và những người lợi dụng lỗ hổng pháp lý cho phép chuyển thu nhập từ nước ngoài về nước miễn thuế.
Dữ dội hơn thị trường Việt Nam, chứng khoán Thái Lan cũng được mua ròng gần 6 tỷ USD trong năm 2022 trước khi bị chốt lời gần như toàn bộ kể từ đầu năm 2023 tới nay. Đà bán ròng diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán nước này giảm 20% kể từ đầu năm trong khi VN-Index tăng khoảng 10%.
Ông Tốt cho rằng, đây chính là lý do khiến dòng vốn từ Thái Lan rút một phần khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam và quay về nước.
Phân tích thêm về diễn biến dòng vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Bùi Văn Tốt cho rằng xu hướng chung trong năm nay là rút tiền khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam và quay trở lại các thị trường phát triển như Mỹ trong bối cảnh nền lãi suất bên Mỹ đang neo cao.
Còn theo khối phân tích của Chứng khoán ACB (ACBS), nguyên nhân chính của đợt bán ròng gấp gáp thời gian này được cho là đến từ chiến lược cơ cấu tỷ trọng danh mục của một số quỹ vào tháng cuối năm. Tuy nhiên, áp lực bán có xu hướng chỉ tập trung vào một số cái tên cho thấy mục đích bán có thể phục vụ cho tái cân bằng danh mục đầu tư thay vì rút khỏi thị trường trên diện rộng.
Quốc Trung