Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,1%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 01/2024 đạt quy mô cao hơn so với cùng kỳ các năm trước do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2024 ước đạt 407,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 22,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,4%; lương thực, thực phẩm tăng 6,2%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 2,5%; hàng may mặc tăng 1,5%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Quảng Ninh tăng 11%; Hải Phòng tăng 10,4%; Đà Nẵng tăng 9,2%; Đồng Nai tăng 8,1%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,5%; Bình Dương tăng 7%; Hà Nội tăng 6,1%; Bình Định tăng 4,2%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 01/2024 ước đạt 58,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương tăng như: Đà Nẵng tăng 29,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 14,7%; Hà Nội tăng 10,8%; Thừa Thiên - Huế tăng 9,3%; Bắc Ninh tăng 8,1%; Bình Định tăng 7%; Bình Dương tăng 6,6%.
Doanh thu du lịch lữ hành tháng 01/2024 ước đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, oanh thu tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước của Hà Nội tăng 24,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 22,8%; Đồng Nai tăng 9,1%; Quảng Ninh tăng 9%; Hải Phòng tăng 4,9%; Kiên Giang giảm 3,9%; Trà Vinh giảm 5,7%; Bình Thuận giảm 7,2%; Phú Yên giảm 24,6%.
Doanh thu dịch vụ khác tháng 01/2024 ước đạt 53,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể mức tăng, giảm tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 17,2%; Lâm Đồng tăng 15,3%; Cần Thơ tăng 13,7%; Kiên Giang tăng 11,8%; Hà Tĩnh tăng 10,8%; Bình Dương tăng 9,4%; Hải Phòng tăng 8,4%; Hà Nội tăng 6,5%; Ninh Bình tăng 5,3%; Thừa Thiên - Huế giảm 2,3%; Thái Nguyên giảm 5,8%; Phú Thọ giảm 8,8%; Đà Nẵng giảm 34,9%.
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2023 hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8% - 9%). Nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giúp ổn định thị trường, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương, nhu cầu mua sắm tăng. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ; củng cố liên kết giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc.
Năm 2024, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6% - 6,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 9% so với năm 2023.
Hoàng Phương