Ngày giao dịch cuối cùng đối với 2 cổ phiếu trên là ngày 9/5/2024…
Ngày 11/4, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có quyết định về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với 279,6 triệu cổ phiếu POM của Công ty Cổ phần Thép Pomina và 69,3 triệu cổ phiếu QBS của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình kể từ ngày 10/5. Như vậy, ngày giao dịch cuối cùng đối với 2 cổ phiếu trên là ngày 9/5/2024.
Lý do huỷ niêm yết bắt buộc do Thép Pomina vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp.
Trước đó, HOSE đã gửi công văn nhắc nhở đến Thép Pomina về việc nếu tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán trong 3 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết.
Tuy nhiên, kết thúc thời gian 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2023, Thép Pomina vẫn không công bố báo cáo tài chính năm 2023 và gia hạn nộp tới ngày 15/5/2024.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý 4/2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 333,2 tỷ đồng, giảm 81,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty âm 313,5 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 460,8 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 3.281 tỷ đồng, giảm 74,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty âm 960,9 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 1.168 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2023, Thép Pomina đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến đạt 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lỗ 150 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, công ty mới hoàn thành 36,5% kế hoạch doanh thu và mức lỗ năm 2023 đã vượt xa kế hoạch lỗ 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, với việc tiếp tục lỗ trong năm 2023, tính tới 31/12/2023, tổng lỗ luỹ kế của Thép Pomina lên tới 1.270 tỷ đồng.
Cùng chung cảnh ngộ, 69,3 triệu cổ phiếu QBS của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình cũng chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 10/5 do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2023 của công ty.
Theo báo cáo tài chính năm 2023 đã kiểm toán, doanh thu của Xuất nhập khẩu Quảng Bình ghi nhận 453,2 tỷ đồng, lỗ sau thuế 41 tỷ đồng, trong khi báo cáo tài chính công ty tự lập là âm 22 tỷ đồng, tương ứng mức thua lỗ chênh lệch tăng thêm hơn 18,9 tỷ đồng.
Giải trình về vấn đề này, Xuất nhập khẩu Quảng Bình cho biết, nguyên nhân do Ban điều hành công ty đã đánh giá lại đối với các khoản nợ đã quá hạn thanh toán nên đã trích lập bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi với tổng số tiền 18,9 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến cho chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trên báo cáo tài chính được lập bởi công ty đang phản ánh không chính xác với báo cáo tài chính đã được kiểm toán với số tiền là 18,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lý do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến là tại thời điểm ngày 31/12/2023, kiểm toán không thể tham gia chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho cũng như không thực hiện được thủ tục thay thế.
Theo đó, bên kiểm không đánh giá được tính hiện hữu và tính giá trị của hàng tồn kho với giá trị là 55,3 tỷ đồng và bên kiểm toán cũng không đánh giá được giá trị dự phòng giảm giá hàng tồn kho cần phải trích lập (nếu có).
Cũng tại thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023, bên kiểm toán cũng chưa nhận được thư xác nhận số dư của các khoản công nợ như phải thu ngắn hạn của khách hàng, trả trước cho người bán ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác tại ngày 31/12/2023 với số tiền lần lượt khoảng 404,5 tỷ đồng; 43,08 tỷ đồng và 0,74 tỷ đồng.
Quốc Hưng