Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, các dự án đầu tư thượng nguồn và LNG sẽ là điểm nhấn triển vọng của ngành dầu khí trong năm 2024...
Mới đây, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã công bố báo cáo triển vọng ngành dầu khí trên thế giới và trong nước năm 2024 với điểm nhấn nhóm ngành này sẽ đối mặt với nhiều thách thức, song cũng không ít cơ hội hấp dẫn.
VPBankS dẫn dự báo của nhiều tổ chức rằng giá dầu sẽ biến động trong khoảng 75-80 USD/thùng vào nửa đầu năm 2024 và tăng lên trong khoảng 80-85 USD/thùng vào nửa cuối năm 2024 khi kinh tế hồi phục trở lại nhờ lãi suất giảm.
Trên trường quốc tế, VPBankS cho rằng khả năng lãi suất sẽ giảm vào nửa đầu năm, đồng USD do đó sẽ suy yếu. Kinh tế dự kiến hồi phục vào nửa cuối năm 2024, tác động tăng nhu cầu dầu của thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng. OPEC+ được dự báo tiếp tục chính sách kiểm soát nguồn cung phù hợp với nhu cầu để hỗ trợ giá dầu không giảm sâu.
Về thách thức, VPBankS giả định tăng trưởng kinh tế toàn cầu không như kỳ vọng, chỉ đạt 2,4%, làm nhu cầu dầu tăng chậm. Trong khi đó, cung dự kiến tăng mạnh. Đơn cử như nguồn cung dầu từ Mỹ, Guyana, Brazil dự kiến tiếp tục tăng mạnh. Cùng với đó, một số thành viên OPEC+ cũng muốn được sản xuất nhiều dầu hơn.
Ngoài ra, việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đầu tư vào xe điện tiếp tục là thách thức cho lĩnh vực nhiên liệu hoá thạch – dầu khí.
Đối với thị trường trong nước, VPBankS cho rằng việc giá dầu được dự báo ở mức 75-85 USD/thùng về cơ bản vẫn tiếp tục hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành dầu khí trong nước.
Cơ hội của ngành dầu khí sẽ đến từ các dự án đầu tư thượng nguồn trong nước như dự án Lô B – Ô Môn, dự án Sư Tử Trắng 2B, dự án Lạc Đà Vàng…
VPBankS dự đoán với việc kinh tế trong nước hồi phục, thương mại vận tải tăng sẽ gia tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.
Bên cạnh đó, nguồn cung khí đốt dự kiến được bổ sung từ dự án LNG Thị Vải, khả năng cung cấp 1 triệu tấn (1,4 tỷ m3 khí). Cùng với đó, các dự án điện khí LNG nhập khẩu, dự án năng lượng tái tạo trên biển, sản xuất Amoniac xanh, Hydrogen tiếp tục được Chính phủ, bộ ngành quan tâm hoàn thiện các cơ chế chính sách để sớm đưa vào thực hiện đầu tư. Theo VPBankS, đây là cơ hội cho trung hạn và dài hạn của ngành dầu khí.
Song song với những cơ hội, VPBankS cho rằng bức tranh ngành dầu khí năm 2024 cũng đan xen với thách thức. Nếu giá dầu bị điều chỉnh giảm sâu xuống mức 50-60 USD/thùng, hoạt động đầu tư, khai thác và kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành sẽ gặp khó khăn.
Đồng thời, nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến dừng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ lần 5, làm sản lượng có khả năng giảm khoảng 15% trong năm 2024.
Mặt khác, nhu cầu khí cho điện trong nước vẫn có khả năng tăng chậm. Năm 2024, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch huy động khí cho điện ở mức 4,19 – 4,47 tỷ m3, chỉ bằng 86% ước thực hiện năm 2023.
Đồng quan điểm với VPBankS, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng các dự án đầu tư thượng nguồn và LNG sẽ là điểm nhấn triển vọng của ngành dầu khí năm 2024.
Cụ thể, VDSC cho rằng trọng tâm ngành dầu khí trong nước giai đoạn 2023-2024 phần lớn sẽ tập trung vào phát triển chuỗi dự án Lô B - Ô Môn, bao gồm dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), dự án đường ống (trung nguồn) và 4 nhà máy nhiệt điện khí Ô Môn (hạ nguồn), với tổng giá trị đầu tư 12 tỷ đô.
Sau nhiều lần trì hoãn trong việc phê duyệt FID (quyết định đầu tư cuối cùng), năm 2023 Chính phủ đã có những động thái đáng chú ý trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án. VDSC kỳ vọng FID sẽ được phê duyệt trong 6 tháng đầu năm 2024, để việc xây dựng sẽ được đẩy mạnh và dự án có thể kịp tiến độ đón dòng khí đầu tiên vào quý 4/2026.
Lạc Đà Vàng (mỏ dầu) và Sư Tử Trắng – giai đoạn 2B (mỏ khí) là hai dự án đáng chú ý khác trong giai đoạn 2024-2026. Trong tháng 11/2023, Tập đoàn Murphy Oil (Mỹ) đã phê duyệt FID cho mỏ Lạc Đà Vàng, với kế hoạch đón dòng dầu đầu tiên vào năm 2026, với trữ lượng khai thác ước tính có thể lên tới 100 triệu thùng.
Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các nhà đầu tư nước ngoài tại mỏ Sư Tử Trắng đang xem xét đầu tư 1,3 tỷ USD để mở rộng khai thác mỏ Sư Tử Trắng. Giai đoạn 2B sẽ kéo dài tuổi thọ của mỏ thêm hơn 20 năm và tăng nguồn khí khai thác thêm 20 tỷ m3.
Về LNG, VDSC cho rằng LNG sẽ là giải pháp tối ưu nhất trong ngắn hạn đối với ngành năng lượng Việt Nam. Hiện nay điện khí chỉ chiếm khoảng 10% tổng nguồn điện huy động, trong khi theo Quy hoạch điện VIII, tỷ trọng điện khí đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, chiếm 24,8%, cao nhất trong cơ cấu nguồn điện.
Tuy nhiên, nguồn khí tự nhiên nội địa suy giảm khoảng 0,5 tỷ m3/năm, trong khi sản lượng khí tự nhiên từ các mỏ nhỏ không đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước. Do đó, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, VDSC cho rằng nhập khẩu LNG sẽ là giải pháp tối ưu nhất trong ngắn hạn.
Vũ Anh