Doanh nghiệp điện tái tạo: 'Người vui, kẻ buồn' với khung giá điện 2025

Dẫu vậy, một bộ phận doanh nghiệp thuộc top đầu ngành điện vẫn còn đó tâm thế "hững hờ" thậm chí "nản lòng" vì hành trình xử lý những vi phạm thời quy hoạch điện VII, VII điều chỉnh cũng như những vướng mắc đến từ khung giá điện tái tạo năm 2025.

Hồi tố doanh thu và kế hoạch tham vọng của GEG

Với doanh thu tăng đột biến chỉ sau ba tháng đầu năm, Công ty CP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) – đơn vị chủ lực của Tập đoàn Thành Thành Công trên mặt trận năng lượng - tự tin sẽ thu về mức lợi nhuận sau thuế gấp hơn 7 lần so với năm vừa qua.

Cơ sở của kế hoạch làm nức lòng cổ đông GEG, đến từ biến chuyển tích cực xoay quanh danh mục các dự án điện tái tạo của công ty.

Cụ thể, rổ dự án của GEG ghi nhận 4 nhà máy điện gió trên biển, 4 trang trại điện mặt trời tập trung cùng một số nhà máy thủy điện công suất tầm trung đã được triển khai, hoàn thành, phát triển toàn bộ/một phần.

Trong số này, một số trường hợp thuộc danh mục dự án điện tái tạo chuyển tiếp, chờ tháo gỡ xử lý các vấn đề về giá FIT, điều kiện khởi công (như kết luận của Thanh tra Chính phủ kiến nghị hai năm nay) cũng như đàm phán giá PPA chính thức (cho phần công suất hưởng giá tạm) với EVN.

Trị giá hơn 4.460 tỷ đồng, điện gió trên biển Tân Phú Đông 100MW tại tỉnh Tiền Giang được hưởng giá phát điện tạm chỉ bằng 50% giá trần của khung giá phát do thuộc dạng chuyển tiếp (không kịp giá FIT) từ tháng 5/2023 tới tháng 2/2025.

Đến tháng 3, tin vui đã tới với dự án khi chính thức ký PPA với EVN theo cơ chế giá chuyển tiếp – khoảng 1.800 đồng/kWh, đồng thời GEC được hưởng hơn 390 tỷ đồng tiền hồi tố sản lượng điện mà Tân Phú Đông 1 đã phát lên lưới khoảng hai năm qua. Đây là yếu tố quan trọng đóng góp vào khoản lợi nhuận đột biến trong quý I vừa qua của GEG.

Tuy vậy, bên cạnh trường hợp này, GEG vẫn đang dở tay với nhiều dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng từ thời kỳ quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh chờ xử lý, tháo gỡ.

Doanh nghiệp điện tái tạo: 'Người vui, kẻ buồn' với khung giá điện 2025
Những tâm thế trái chiều đang bao phủ giới doanh nghiệp điện tái tạo xoay quanh bức tranh tháo gỡ các dự án chuyển tiếp - trước khi dốc sức vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Ảnh: Hoàng Anh

Rõ nhất, là điện mặt trời TTC Đức Huệ 1 công suất 49MW tại Long An được Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt vấn đề vi phạm về công nhận COD, khởi công xây dựng, cho thuê đất. Hiện tại, những tồn tại ở dự án này, cũng như hàng loạt trường hợp tương tự trên nhiều địa phương khác vẫn đang được Bộ Công thương đốc thúc địa phương cùng EVN xử lý.

Tiếp theo, điện gió VPL Bến Tre 1 công suất 30MW, điện gió Tân Phú Đông 2 quy mô 50MW và Ia Bang 1 tại Gia Lai cũng được yêu cầu cung cấp hồ sơ tài liệu để phục vụ điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh, thành phố.

Ở chiều hướng tích cực, GEG kỳ vọng và đặt quyết tâm đẩy nhanh thủ tục để triển khai các dự án mới được bổ sung vào điều chỉnh Quy hoạch điện VIII như điện mặt trời TTC Đức Huệ 2 công suất 49MW, điện gió ngoài khơi VPL giai đoạn 2 quy mô 30MW.

Chưa kể, danh mục dự án tiềm năng trong Quy hoạch điện 8 điều chỉnh, bao gồm thủy điện tích năng, điện gió, điện mặt trời và lưu trữ năng lượng, với tổng công suất hơn 1GW cũng được bà Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc GEG hé mở tại đại hội cổ đông diễn ra cách đây ít ngày.

Tuy nhiên, áp lực trả nợ của GEG tính tới hết quý I/2025 đang ở mức 8.500 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng các khoản vay Vietcombank – chi nhánh Gia Lai để phục vụ 6 dự án điện gió, điện mặt trời tại Gia Lai, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang của GEG đã lên tới gần 7.300 tỷ đồng – đa phần đã qua thời gian giải ngân theo lãi suất cố định ưu đãi khoảng 1 - 2 năm nay.

Như vậy, có thể đánh giá, tham vọng lãi trước thuế năm 2025 tăng hơn 300% so với năm ngoái của GEG dựa trước hết từ yếu tố dự án điện gió Tân Phú Đông 1, còn lại trông chờ vào kết quả xử lý tháo gỡ các dự án điện tái tạo khác, và sự tin tưởng vào mức độ hấp dẫn của khung giá phát điện tái tạo năm 2025 hay cơ chế DPPA điện tái tạo mới ban hành và đi vào áp dụng.

Những nốt trầm

Trao đổi với TheLEADER, không ít doanh nghiệp điện tái tạo từ thời quy hoạch điện VII tỏ ra chưa mấy lạc quan về hiệu quả từ công tác tháo gỡ, xử lý vướng mắc cho các dự án điện gió, điện mặt trời theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2023 – tức việc triển khai Nghị quyết 233 của Chính phủ.

Một lãnh đạo doanh nghiệp nắm giữ danh mục khoảng 20 dự án điện tái tạo cho biết vẫn đang mong ngóng được xử lý tháo gỡ triệt để cho các trường hợp điện gió gặp chồng lấn quy hoạch, dự trữ khoáng sản.

Dù Nghị quyết 233 đã đi vào cuộc sống hơn một năm nay, nhưng những dự án gặp chồng lấn quy hoạch khoáng sản của doanh nghiệp này tại khu vực miền Trung Tây Nguyên vẫn chưa được tháo gỡ - bất chấp giải pháp “lưỡng dụng quy hoạch” đã được xác định làm chìa khóa giải quyết.

Bên cạnh đó, vị chủ tịch công ty này tỏ ra không mặn mà với khung giá điện tái tạo năm 2025 (cho thủy điện, điện mặt trời và nhiệt điện khí) mới ban hành. Nguyên nhân, khung giá này chỉ dành áp dụng cho các dự án nguồn hoàn thành, COD đàm phán giá điện năm 2025 và không dành cho các dự án thuộc dạng chậm, muộn, chuyển tiếp. Điện gió dưới nước có giá chuyển tiếp 1.815 đồng/kWh, còn trên bờ khoảng 1.600 đồng/kWh.

“Năm 2025 sẽ gần như không có dự án điện tái tạo nào hoàn thành để áp theo khung giá mới. Trong khi đó, suốt vài năm qua, hàng loạt dự án nguồn điện vẫn đang nằm phơi sương phơi nắng, vận hành chỉ với giá dưới 1.000 đồng mỗi số điện một cách lãng phí", vị doanh nhân cay đắng cho biết.

Hơn 170 nhà máy điện gió, điện mặt trời thuộc trường hợp chuyển tiếp, chậm giá FIT tới nay vẫn chưa thể đàm phán được giá chính thức, dù một số đã được duyệt giá tạm. Vị doanh nhân này cũng bày tỏ chán nản về tình cảnh chung của nhiều dự án gặp chồng lấn quy hoạch (như bauxite) thậm chí chưa được phát điện. Nguyên nhân là giải pháp lưỡng dụng quy hoạch được thông qua từ bộ ngành, Chính phủ vẫn chưa được một số địa phương liên quan quán triệt bằng hành động cụ thể.

Dẫu vậy, một dự án điện gió biển tại Cà Mau vừa được ký PPA chính thức với giá khoảng 1.810 đồng/kWh – tức gần kịch khung giá điện gió gần bờ mà EVN đề xuất, tính toán mới đây (khoảng 1.890 đồng/kWh), cũng cho thấy điểm sáng tích cực trong bức tranh tháo gỡ cho loạt dự án điện năng lượng tái tạo ách tắc thời gian qua.

Đại diện doanh nghiệp đang phát triển dự án này cho biết, việc đàm phán thành công giá chính thức ngang mức trần chuyển tiếp đã là rất tốt cho dự án, thay vì nằm yên ở mức 900 đồng/kWh. Với khung giá điện tái tạo năm nay, nhiều quan điểm cho rằng khó cho nhà đầu tư yên tâm rót vốn triển khai vì mất thời gian thu hồi vốn lâu hơn. Ví dụ với một dự án điện gió trung bình 5 năm, thì sẽ phải mất 7 năm nếu theo khung giá mới.

“Tuy nhiên, quan trọng là mức vốn vay của chủ đầu tư sẽ quyết định thời gian và mức độ hiệu quả kinh doanh của dự án. Với chúng tôi, thường mức vay vốn phục vụ một dự án điện sẽ là 65%, để giảm gánh nặng từ trả lãi nhà băng”, vị giám đốc này thông tin.
 

Hiện tại, Bộ Công thương đã ban hành các quyết định phê duyệt khung giá phát điện (chưa VAT) cho các loại hình thủy điện, nhiệt điện khí và điện mặt trời, điện rác.

Theo đó, với điện mặt trời mặt đất không có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa cho khu vực miền Bắc là gần 1.400 đồng/kWh, miền Trung khoảng 1.100 đồng/kWh, miền Nam khoảng 1.010 đồng/kWh.

Với điện mặt trời nổi không có hệ thống pin tích trữ, giá tối đa cho khu vực miền Bắc là gần 1.700 đồng/kWh, miền Trung 1.336,1 đồng/kWh, miền Nam 1.228 đồng/kWh.