EVN quyết định tăng giá điện, cổ phiếu ngành điện chịu 'tác động kép' như thế nào?

Theo các chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh tăng giá điện của EVN được cho là không mang lại lợi nhuận cao hơn cho các nhà máy điện nhưng sẽ tác động tích cực tới các cổ phiếu ngành điện. Ngược lại, giá vốn bán hàng tại một số doanh nghiệp như thép, hóa chất, giấy sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực...

EVN quyết định tăng giá điện, cổ phiếu ngành điện chịu 'tác động kép' như thế nào?

EVN quyết định tăng giá điện, thị trường chịu “tác động kép” như thế nào?

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có quyết định tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm hơn 86,4 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh (tăng 4,5%), chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng, đưa giá điện tăng tổng cộng 7,5%.

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, cổ phiếu ngành điện đã “rực sáng”, đặc biệt trong phiên 10/11, VN-Index giảm hơn 12 điểm về sát mốc 1.100 điểm với hàng loạt nhóm ngành chìm trong sắc đỏ, nhưng hầu hết cổ phiếu nhóm ngành điện vẫn trụ vững.

Các cổ phiếu đại diện cho ngành đều tăng giá đáng kể như: NTH (tăng 8,74%), KHP (tăng 3,01%), NT2 (tăng 2,46%), GEG (tăng 2,66%), POW (tăng 2,16%), HND (tăng 2,11%)...

NHÀ ĐẦU TƯ ĐỪNG VỘI “VUI SỚM”

Tuy nhiên, cũng phải nói lại, chứng khoán được coi là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, mà trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngành điện chưa tạo được đà tăng bứt phá. Do đó, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, nhà đầu tư không nên “vui quá sớm” vì có khả năng “sắc xanh” trên nhóm ngành này chỉ diễn ra trong ngắn hạn và sẽ sớm điều chỉnh.

Trong khi đó bức tranh kết quả kinh doanh quý 3/2023 của nhóm ngành điện nhuốm màu ảm đạm khi phần lớn lợi nhuận của các doanh nghiệp ở cả nhóm thủy điện, lẫn nhiệt điện đều giảm sâu, thậm chí có doanh nghiệp báo lỗ kỷ lục.

Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết, giá phát điện trên thị trường cạnh tranh trong quý 3/2023 giảm 30% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp bán lẻ cũng ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận 62,4% so với cùng kỳ do cạnh tranh giá gay gắt giữa các công ty lớn.

Điển hình như Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán: NT2) là công ty có lợi nhuận giảm mạnh nhất so với cùng kỳ. Trong kỳ, doanh thu của công ty đạt 816 tỷ đồng giảm 62% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế lỗ 124 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi sau thuế 199 tỷ đồng.

EVN quyết định tăng giá điện, cổ phiếu ngành điện chịu 'tác động kép' như thế nào? 2

Một doanh nghiệp nhiệt điện khác ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý 3/2023 là Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán: PPC). Cụ thể, doanh thu trong kỳ của công ty đạt 1.337 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp này lỗ gộp 84 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty vẫn báo lãi sau thuế đạt 84 tỷ đồng, giảm gần 46% so với cùng kỳ năm trước.

Hay Công ty Cổ phần Đầu tư Điện lực 3 (mã chứng khoán: PIC) ghi nhận doanh thu sụt giảm 26% so với cùng kỳ, đạt 17 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp lỗ sau thuế 2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 2,2 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ đầu tiên sau 6 quý liên tiếp báo lãi của PIC.

EVN quyết định tăng giá điện, cổ phiếu ngành điện chịu 'tác động kép' như thế nào? 3

Ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng tự doanh Công ty Chứng khoán Kiến Thiết

Chia sẻ với nhà đầu tư tại một chương trình chứng khoán được tổ chức gần đây, ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng tự doanh Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cho biết, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất điện sẽ không hưởng lợi trong ngắn hạn.

"Vì các doanh nghiệp này đã ký hợp đồng với EVN trước đó rồi, thậm chí kéo dài theo từng lộ trình, từng hợp đồng. Việc tăng giá điện là để EVN bù lỗ với tỷ giá, than đá, sự cố môi trường... còn các doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp điện với EVN thì tôi không kỳ vọng được hưởng lợi trong ngắn hạn", ông Kháng phân tích.

Tuy nhiên trong dài hạn, nếu các hợp đồng được ký kết lại giữa các doanh nghiệp cung cấp điện và EVN với mức giá tăng thì các doanh nghiệp mới được hưởng lợi.

Các doanh nghiệp phân phối điện có phần khả quan hơn khi ông Kháng cho rằng, các công ty này sẽ được hưởng lợi khi đã ký với EVN với giá này nhưng lại phân phối lại với dân, doanh nghiệp với mức khác thì chênh được mức lợi nhuận nào đó.

Song, vị chuyên gia không đặt nhiều kỳ vọng cho nhóm ngành này. Ông khuyến nghị nhà đầu tư nên cẩn thận, không nên mua đuổi ở mức giá cao nhất là khi nhóm này có kết quả kinh doanh không mấy sáng.

NHỮNG CỔ PHIẾU HƯỞNG LỢI TỪ GIÁ ĐIỆN TĂNG?

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, quyết định tăng giá đến khá bất ngờ nhưng cũng phần nào phản ánh thực trạng tình hình tài chính của EVN, đặc biệt khi doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận lỗ ròng 29.000 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2023. MBS đánh giá đợt tăng giá dù chưa đủ giúp EVN có lãi trong năm 2023 nhưng sẽ làm giảm đi những áp lực tài chính cho doanh nghiệp này.

MBS cũng đánh giá, giá điện bán lẻ tăng ảnh hưởng tích cực lên chuỗi giá trị ngành điện, đặc biệt, khi EVN đóng vai trò là nhà mua - bán điện chính. Xu hướng khoản phải thu tăng mạnh từ các doanh nghiệp điện bắt đầu từ 2022, khi nền giá đầu vào thế giới bắt đầu tăng mạnh và EVN gặp khó khăn về tài chính.

Đặc biệt nhiều doanh nghiệp nhiệt điện nổi bật trên sàn như: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: POW), Tổng Công ty Phát điện 3 (mã chứng khoán: PGV), Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán: NT2), Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán: QTP), Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán: HND) ghi nhận mức tăng mạnh nhất do giá bán điện cao. Đây cũng là những doanh nghiệp ghi nhận tỷ lệ phải thu/tổng tài sản cao trong ngành, chủ yếu là phải thu từ EVN.

EVN quyết định tăng giá điện, cổ phiếu ngành điện chịu 'tác động kép' như thế nào? 4

Nguồn: Chứng khoán MBS

“Do đó, chúng tôi đánh giá việc EVN tăng giá điện sẽ làm giảm đáng kể xu hướng này từ cuối 2023 và sang năm 2024, hỗ trợ cải thiện dòng tiền kinh doanh (CFO) và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp này. Ngoài ra, việc EVN tăng giá điện cũng phần nào tạo dư địa lớn hơn để huy động từ các nguồn điện giá cao như than, khí, hỗ trợ triển vọng sản lượng của các nhà máy này phục hồi trong thời gian tới”, MBS đánh giá.

Ngoài ra, công ty chứng khoán này cũng cho rằng, khi tình hình tài chính của EVN được cải thiện, những doanh nghiệp xây lắp điện sẽ cũng được hưởng lợi. Theo MBS, giai đoạn 2022 - 2023 là giai đoạn rất khó khăn cho các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng điện, hầu như không ký được hợp đồng xây lắp mới từ EVN, chính sách giá cho năng lượng tái tạo vướng mắc, và dòng tiền cho các dự án cũng bị gián đoạn.

Hầu như các doanh nghiệp ghi nhận kết quả doanh thu xây lắp thấp, giá trị back-log ký mới không cao khi EVN liên tục cắt giảm chi phí đầu tư, sửa chữa bảo dưỡng cho hệ thống điện. Theo đó, với nhu cầu công việc nhiều cho phát triển lưới điện, trung bình khoảng 1,5 - 1,6 tỷ USD hàng năm, EVN cần ổn định dòng tiền của mình để thực hiện hóa điều này.

Theo đó, MBS nhận định, hoạt động xây lắp sẽ tích cực hơn và các doanh nghiệp nổi bật trên sàn như Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (mã chứng khoán: PC1), Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (mã chứng khoán: TV2) sẽ được hưởng lợi.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho rằng mặc dù việc tăng giá điện lần này sẽ không mang lại lợi nhuận cao hơn cho các nhà máy điện, nhưng sẽ có lợi cho các cổ phiếu ngành điện do việc tăng giá điện bán lẻ sẽ củng cố dòng tiền của các nhà máy điện.

Trong bối cảnh đó, VCSC khuyến nghị nhà đầu tư nên “bỏ giỏ” các cổ phiếu như POW, NT2, REE và GEX; khuyến nghị "khả quan" cho PPC, PC1.

ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC TỚI GIÁ VỐN CỦA MỘT SỐ DOANH NGHIỆP

Ở chiều ngược lại, nhiều công ty chứng khoán cho rằng quyết định tăng giá điện của EVN có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng tiêu cực: xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy.

Trong báo cáo được công bố gần đây, các chuyên gia của Mirae Asset ước tính, chi phí điện chiếm khoảng 9 - 10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất.

EVN quyết định tăng giá điện, cổ phiếu ngành điện chịu 'tác động kép' như thế nào? 5

Đối với lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14 - 15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9 - 10% giá vốn hàng bán.

Với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng thấp hơn một vài ngành khác, chiếm trung bình 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Với giả định, nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng.

Ước tính, chi phí điện tăng 4,5% làm cho giá vốn hàng bán tăng thêm, thì tổng lợi nhuận trước thuế của từng ngành có thể giảm tối đa tương ứng là: lợi nhuận trước thuế ngành thép giảm 23%, lợi nhuận trước thuế ngành giấy giảm 2%, lợi nhuận trước thuế ngành xi măng giảm 21%, lợi nhuận trước thuế ngành hóa chất giảm 1%.

EVN quyết định tăng giá điện, cổ phiếu ngành điện chịu 'tác động kép' như thế nào? 6

Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy sự sụt giảm đáng kể của lợi nhuận khi chi phí điện tăng thêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

"Nhìn tổng thể bức tranh EVN tăng giá điện bán lẻ sẽ làm giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp sản xuất tăng làm giảm lợi nhuận, đâu đó sẽ ảnh hưởng phần nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp”, các chuyên gia của Mirae Asset đánh giá.

Đối với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất điện dường như không được hưởng lợi trong ngắn hạn, niềm vui vẫn thuộc về doanh nghiệp phân phối điện.

Về dài hạn, giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỷ lệ cung cầu trên thị trường điện.