Giá điện năm 2023 chỉ tăng, EVN vẫn báo lỗ 2 năm liên tiếp

Theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán lẻ điện năm 2023 chỉ có tăng nhưng Tập đoàn này vẫn nhận lỗ 2 năm liên tiếp. Nguyên nhân lỗ chủ yếu do giá bán ra của EVN vẫn thấp hơn giá thành…

Giá điện năm 2023 chỉ tăng, EVN vẫn báo lỗ 2 năm liên tiếp
EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp

Sáng 2/1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024. Năm 2023, EVN đã tăng giá bán điện 2 lần nhưng không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện nên vẫn lỗ.

EVN BÁO LỖ 2 NĂM LIÊN TIẾP

Báo cáo tại hội nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2023, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt hơn 80.000 MW, tăng gần 3.000 MW so với năm 2022. Trong đó, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo hơn 21.000 MW. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng đầu ASEAN.

Nhiệt điện than là nguồn năng lượng chiếm tỷ trọng 33,2%, sản xuất được 46,2%; tuabin khí và nhiệt điện dầu chiếm tỷ trọng 10,3%, sản xuất được 9,8%; nhập khẩu điện chiếm 1,46%; năng lượng tái tạo có công suất đặt chiếm 26,9%, sản xuất đạt 13%.

Sản xuất điện của nguồn thủy điện trong năm 2023 chỉ đạt 28,4%. Điều này ảnh hưởng đến cung ứng điện và là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tài chính của EVN.

Bên cạnh đó, công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành cung ứng điện vẫn còn tồn tại hạn chế như xảy ra tình trạng thiếu điện và phải thực hiện tiết giảm điện một số địa phương khu vực miền Bắc trong các ngày đầu tháng 6.

Giá điện năm 2023 chỉ tăng, EVN vẫn báo lỗ 2 năm liên tiếp 2
Tổng giám đốc EVN báo cáo kết quả công tác tại hội nghị

Về cân đối tài chính, doanh thu bán điện toàn Tập đoàn năm 2023 ước đạt 497.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022. Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 630.537 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 201.535 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần trong năm qua nhưng vẫn không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện do các thông số đầu vào vẫn duy trì ở mức cao, nên EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.

Số lỗ không được nêu tại hội nghị tổng kết hôm nay, nhưng theo báo cáo Bộ Công Thương trước đó, EVN cho biết ghi nhận lỗ trước thuế hợp nhất 17.000 tỷ đồng năm 2023 (trong đó lỗ công ty mẹ gần 24.600 tỷ đồng). Mức này giảm hơn 5.000 tỷ đồng so với 2022.

Số lỗ trên chủ yếu do giá bán ra của EVN vẫn thấp hơn giá thành. Hiện, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải và phân phối là 2.092,78 đồng một kWh, trong khi giá bán bình quân 1.950,32 đồng. Tức mỗi kWh bán ra, EVN lỗ gần 142,5 đồng.

Về nguyên nhân làm tăng chi phí khâu sản xuất điện, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, giá nhiên liệu vẫn ở mức cao hơn nhiều so với các năm trước đây. Cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thủy điện giảm, trong khi tăng huy động các nhà máy nhiệt điện than, dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn giá thành thủy điện. Cùng với đó, chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng.

Theo Tổng giám đốc EVN, hiện EVN và các tổng công ty phát điện chỉ chủ động được khoảng 37,5% nguồn điện, 10% phụ thuộc vào Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), còn lại là nhà đầu tư BOT và tư nhân.

Như vậy, tỷ trọng mua điện của EVN hiện chiếm 80% chi phí giá thành. Lãnh đạo EVN cho rằng, đây là con số bất bình thường, cần phải xem xét lại việc vận hành thị trường điện. Bởi thực tế từ các nước, giá thành sản xuất điện từ nguồn phát dao động 40 - 50%, còn lại là các khâu truyền tải, phân phối. Trong khi ở nước ta chiếm tới 80%, ảnh hưởng cân đối tài chính và tối ưu hóa hoạt động.

THÁO GỠ KHÓ KHĂN TÀI CHÍNH CỦA EVN CẦN ĐIỀU CHỈNH GIÁ BÁN ĐIỆN

Dự báo trong năm 2024, EVN sẽ tiếp tục phải đối mặt hàng loạt các khó khăn, thử thách. Tổng Giám đốc EVN bày tỏ, năm 2024 cần có sự điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện thì mới giải quyết được những khó khăn về tài chính của EVN.

Bên cạnh đó, EVN đã xây dựng kế hoạch năm 2024 với nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5%.

Báo cáo của EVN chỉ rõ, Tập đoàn đặt mục tiêu tập trung mọi nỗ lực nhằm cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân, đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt.

EVN sẽ chỉ đạo các nhà máy điện chuẩn bị tốt công tác sản xuất điện ngay từ đầu năm 2024, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu (than, khí, dầu) cho phát điện đối với các nhà máy nhiệt điện và thiếu hụt nước các hồ thủy điện theo quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao về xây dựng thị trường điện theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững; tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.

Bước vào năm 2024, EVN đã đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chính nhằm nỗ lực vượt khó để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Theo đó, phấn đấu điện thương phẩm đạt từ 262,26 - 269,3 tỷ kWh, tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối không vượt quá 6,05%, năng suất lao động tăng trên 8%, kế hoạch vốn đầu tư toàn Tập đoàn là 101.911 tỷ đồng. Đồng thời, phấn đấu đảm bảo cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo cung cấp điện năm 2024, Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) Nguyễn Đức Thiện thông tin thêm, tổng công ty dự kiến sẽ mua điện từ Trung Quốc qua lưới điện 220 kV cấp điện cho 1 phần Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Thái Nguyên với sản lượng mua cả năm 2.569 tỷ kWh.

Cùng với đó là lên phương án nhập khẩu điện Trung Quốc qua các đường dây 110kV liên kết (Thâm Câu - Móng Cái, Lào Cai - Hà Khẩu, Mamaotiao – Thanh Thủy). EVNNPC cũng đã lên 2 kịch bản cấp điện năm 2024 căn cứ trên dự báo phụ tải và công bố khả dụng của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).

Giá điện năm 2023 chỉ tăng, EVN vẫn báo lỗ 2 năm liên tiếp 3
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tại hội nghị

Trước các kiến nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, Bộ Công Thương đang rà soát chính sách, đề xuất sửa Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội thông qua năm 2024. Trong đó, các kiến nghị của EVN về cơ chế phát triển năng lượng, thị trường điện, giá sẽ được ghi nhận trong quá trình sửa luật, các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tập Tập đoàn hoạt động thuận lợi hơn.

Ngoài ra, ông Tân cũng yêu cầu EVN chuẩn bị kịch bản, nhất là kế hoạch cung ứng điện mùa khô, để đảm bảo tuyệt đối không thiếu điện như năm 2023.