Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC nhằm can thiệp thị trường, qua đó thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới. Thế nhưng, nghịch lý là càng đấu thầu giá vàng càng tăng...
Giá vàng miếng SJC tăng "điên cuồng" bất chấp động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước là tổ chức đấu thầu vàng nhằm tăng lượng cung. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới cũng ngày càng giãn rộng.
NHIỀU PHƯƠNG ÁN CHO "BÀI TOÁN" GIÁ VÀNG
Kể từ đầu năm 2024, giá vàng miếng SJC liên tục lập đỉnh kéo theo biên độ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới giãn rộng ở mức cao, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/lượng. Diễn biến này khiến nhà đầu tư và người dân nắm giữ vàng "đau tim" và các chuyên gia kinh tế cũng phải “đau đầu”.
Một trong những nguyên nhân chính gây của hiện tượng này chính là Nghị định 24/2012/NĐ-CP với quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Trước năm 2012, vàng được coi như phương tiện thanh toán khiến nền kinh tế bị “vàng hóa”, từ đó gây áp lực lên tỷ giá và hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, Nghị định 24 được ban hành nhằm ngăn chặn tình trạng “vàng hóa”, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và sự an toàn thị trường tài chính, đặc biệt là giảm tác động bất lợi đối với việc điều hành tỷ giá.
Tuy nhiên, hơn 10 năm sau khi Nghị định 24 được ban hành, một số bất cập đã xuất hiện. Do không nhập khẩu thêm vàng nên lượng cung ít, khiến giá vàng trong nước ngày càng cao hơn giá vàng quốc tế. Điều này dẫn đến tình trạng đầu cơ, đẩy giá hay nhập lậu vàng nhằm kiếm lợi bất chính, gây ra rủi ro tiềm ẩn cho thị trường vàng trong nước nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, các chuyên gia kinh tế cũng hiến kế nhiều phương án nhằm “ghìm cương” giá vàng và bình ổn thị trường. Trong đó, đa phần là đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần cho phép nhập khẩu vàng trở lại, không chỉ vàng miếng, mà cả vàng nhẫn, vàng trang sức... Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới.
Song song với đó, các chuyên gia cũng đề xuất rằng cần sửa quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và bỏ việc công nhận SJC là thương hiệu vàng miếng chuẩn quốc gia. Bởi đây là nguyên nhân chính làm cho giá vàng SJC luôn cao hơn giá thế giới.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Nghị định 24 chỉ đề cập đến vàng vật chất, đặc biệt vàng miếng SJC được chọn là thương hiệu quốc gia và được Nhà nước độc quyền sản xuất và kinh doanh. Trong khi theo khảo sát của Hiệp hội và qua các buổi làm việc, các nước trên thế giới, trong đó có các nền kinh tế lớn, thì ngân hàng trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng, bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường, nên chỉ có vai trò trong điều phối vàng dự trữ quốc gia.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu giữ độc quyền chỉ có vàng miếng SJC, cung ít, cầu nhiều thì đương nhiên giá tăng, nên chúng ta phải mở cửa, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh để có nguồn cung lớn hơn, cạnh tranh hơn. Càng có cạnh tranh về cung, càng có lợi cho thị trường mua - bán, không có chuyện tăng giá phi lý như thời gian qua.
Nhập khẩu vàng có thể làm giảm lượng dự trữ ngoại hối bằng USD. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều cũng đưa ra, việc dùng USD để nhập khẩu vàng chỉ làm thay đổi loại tài sản dự trữ.
Bên cạnh đó, còn nhiều đề xuất khác như lập sàn giao dịch vàng để quản lý thị trường. Sàn giao dịch vàng là công cụ được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để điều hòa về cung, cầu vàng. Ngoài bảo đảm phản ứng rất kịp thời mà không cần phụ thuộc nhập khẩu vàng, giao dịch vàng trên tài khoản còn giúp người tham gia vào thị trường dễ đưa quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt là sẽ giúp cho các cơ quan chức năng của Nhà nước kiểm soát tốt các hoạt động giao dịch vàng nhờ thông tin minh bạch.
Sàn giao dịch vàng tương tự như các sàn giao dịch kim loại ở các nước, hay như sàn chứng khoán trong nước và sẽ phát triển theo từng giai đoạn, ban đầu là vàng vật chất, sau đó đến vàng tài khoản. Những giao dịch lớn về vàng phải thực hiện ở trên đó để Nhà nước dễ dàng kiểm soát, tránh tình trạng đầu cơ, buôn lậu.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng từng đánh giá, khi có sàn giao dịch vàng thì mọi thứ sẽ công bằng và rõ ràng hơn. Thông qua sàn giao dịch, biến động giá cả và hoạt động mua bán vàng được thể hiện cụ thể, người dân có thể nhìn vào đó để theo dõi. Khi đó việc đầu cơ vàng cũng sẽ hạn chế vì các hành vi đầu cơ, làm giá sẽ dễ dàng bị phát hiện và truy tố trước pháp luật.
Rất nhiều đề xuất đưa ra, song đến thời điểm hiện tại, phương án duy nhất mà Ngân hàng Nhà nước “chốt” đó là tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng SJC sau 11 năm tạm hoãn.
Động thái của cơ quan quản lý này đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới tài chính, có người ủng hộ nhưng cũng không ít người phản đổi kịch liệt. Và thực tế đã chứng minh, sau 5 phiên đấu thầu vàng đã qua, dường như kế sách của Ngân hàng Nhà nước đã “phản ứng ngược” với thị trường.
CÀNG ĐẤU THẦU GIÁ CÀNG TĂNG SỐC
Động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước qua việc tổ chức đấu thầu vàng miếng được kỳ vọng sẽ giúp tăng cung vàng trên thị trường, từ đó góp phần xử lý ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao.
Tuy nhiên trên thực tế, nửa tháng qua đi với 5 phiên đấu thầu, tuy không “ế” hoàn toàn nhưng cũng chỉ có 6.800 lượng vàng mang ra bán được doanh nghiệp đăng ký mua. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC vẫn leo thang từng giờ và khoảng cách chênh lệch giữa trong nước với thế giới chưa có dấu hiệu thu hẹp.
Đỉnh điểm là phiên giao dịch ngày 10/5, giá vàng miếng SJC xô đổ mọi kỷ lục, tăng vọt lên trên 92 triệu đồng/lượng và nhiều dự báo sau đó đưa ra rằng giá kim loại quý này còn có thể tăng lên 100 triệu đồng/lượng. Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, giá vàng trong nước đắt hơn thế giới 18-20 triệu đồng/lượng.
Có thể thấy, việc giá vàng SJC tăng không ngừng khiến ngày càng nhiều người hoài nghi về hiệu quả của đấu thầu vàng miếng SJC trong việc hạ nhiệt giá thương hiệu vàng này, thu hẹp chênh lệch với vàng quốc tế như mục tiêu mà cơ quan quản lý đặt ra.
Theo giới phân tích, giá đấu thầu vàng miếng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra chưa khi nào thấp cả. Vậy nên khi doanh nghiệp mua với giá cao thì việc họ cũng bán ra với giá cao hơn là lẽ đương nhiên. Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều khuyến cáo, nếu Ngân hàng Nhà nước càng mở nhiều phiên đấu thầu vàng miếng thêm nữa và với giá đấu thầu vẫn ở mức cao ngất ngưởng như hiện tại thì mục đích kéo giá vàng miếng giảm là khó khả thi.
Trao đổi với báo chí, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Thông thường, người tham gia đấu thầu quyết định về giá, người mua quyết định số lượng. Song với các cuộc đấu thầu vàng trong thời gian vừa qua, tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vừa là người đưa ra mức giá khởi điểm, vừa quyết định về số lượng là chưa hợp lý".
Theo ông Nghĩa, giá khởi điểm trong các phiên đấu thầu cũng quá cao, không thể thực hiện mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và ngoài nước. Trong khi đó, giá cao cũng là tác nhân đẩy giá vàng SJC trên thị trường tăng mạnh như trong thời gian vừa qua. Mặt khác, các phiên đấu thầu bị hủy liên tục và kết quả trúng thầu với số lượng vàng ế nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường, khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng tăng mạnh.
Về kỳ vọng của các phiên đấu thầu khiến thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và ngoài nước nhưng thực tế giá vàng vẫn tăng liên tục, vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Giải pháp đấu thầu vàng miếng như hiện nay không phải là biện pháp hữu hiệu để tăng nguồn cung và giải quyết bài toán chênh lệch về giá vàng trong và ngoài nước. Giải pháp tăng nguồn cung là cho phép doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng và Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông. Việt Nam cũng dễ dàng nhập khẩu vàng từ Singpore, Hong Kong, Thái Lan…"
Trước lo ngại về việc nhập khẩu vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, ông Nghĩa khẳng định: "Không cần lo lắng việc nhập khẩu vàng ảnh hưởng đến tỷ giá. Bởi lâu nay không cho phép nhập khẩu vàng thì ngoại tệ vẫn chảy vào vàng qua đường nhập lậu. Chênh lệch giá vàng càng cao thực tế càng khuyến khích nhập lậu vàng. Việc cho phép xuất nhập khẩu vào chính thức sẽ khuyến khích được xuất khẩu vàng nữ trang, giúp thị trường cân bằng được ngoại tệ".
Nguyễn Lan