Giá xăng dầu hôm nay 7/12: Nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm, OPEC+ đối mặt thêm bất đồng

Giá xăng dầu thế giới hôm nay chịu tác động từ loạt yếu tố, gồm lo ngại nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm, thêm thành viên của OPEC+ từ chối giảm sản lượng, và sản lượng tại Mỹ ở mức cao kỷ lục.

Giá xăng dầu hôm nay ngày 7/12 tại thị trường thế giới

Trong sáng nay ngày 8/12, đà lao dốc của giá xăng dầu thế giới đã có dấu hiệu ngưng. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đang lo ngại về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô của Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời, sản lượng khai thác dầu tại Mỹ tiếp tục quanh mức cao kỷ lục.

Cụ thể, vào lúc 7h30 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 74,05 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 69,76 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent giảm 0,34% và giá dầu thô WTI gần như đi ngang. Giá của cả hai loại dầu thô chủ chốt của thế giới đang quanh mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2023 đến nay.

Đáng chú ý, về mặt kỹ thuật, giá của hợp đồng dầu thô Brent giao vào tháng 6 – 7/2024 đã xuống thấp hơn giá của hợp đồng dầu thô Brent tháng 1/2024, cho thấy thị trường nhận định tình trạng dư cung có thể xảy ra trong vòng 06 tháng nữa. Đây là lần đầu tiên trong vòng 06 tháng qua, thị trường ghi nhận tình trạng này.

Giá xăng dầu hôm nay 7/12: Nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm, OPEC+ đối mặt thêm bất đồng

Xu hướng giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Dữ liệu mới nhất từ Chính phủ Trung Quốc cho thấy lượng dầu thô được nước này nhập khẩu trong tháng 11/2023 đã giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu nhiên liệu tại nước này chưa phục hồi bền vững.

Bên cạnh đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực” với lo ngại nước này đối mặt với tình trạng tăng trưởng thấp, rủi ro vỡ nợ của các chính quyền địa phương, và thị trường bất động sản trì trệ. Moody’s cũng hạ triển vọng tín nhiệm của một loạt ngân hàng thuộc Chính phủ Trung Quốc.

Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng khai thác dầu tại Mỹ tiếp tục duy trì quanh mức cao kỷ lục, hơn 13 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, tồn trữ nhiên liệu tại Mỹ trong tuần trước bất ngờ tăng cao gấp nhiều lần so với dự báo, cho thấy nhu cầu nhiên liệu đang ở mức yếu.

Một bộ phận nhà đầu tư trên thị trường hiện cũng cho rằng liên minh OPEC+ khó có thể kéo dài việc siết chặt nguồn cung khi việc cắt giảm sản lượng khai thác trong quý 1/2024 là dựa trên cơ chế “tự nguyện” của các quốc gia thành viên và phần lớn lượng cắt giảm là đến từ Saudi Arabia và Nga - những nước đang cắt giảm mạnh sản lượng. OPEC+ hiện đang kiểm soát hơn 40% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.

Đáng chú ý, Algeria - một quốc gia thành viên OPEC+ vừa cho biết nước này sẽ không kéo dài hoặc cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu. Trước đó, Angola - quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ 2 tại châu Phi đã từ chối tuân theo hạn ngạch sản lượng khai thác do liên minh OPEC+ phân bổ.

Trong ngày hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã cùng thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu thô nhằm duy trì “sự đoàn kết của liên minh OPEC+”.

Giá xăng dầu hôm nay ngày 7/12 tại thị trường trong nước

Vào ngày 6/12, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh theo diễn biến của thị trường thế giới. Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Theo đó, giá xăng dầu các loại trên thị trường như sau:

- Xăng E5RON92: không cao hơn 21.290 đồng/lít (giảm 509 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.032 đồng/lít;

- Xăng RON95-III: không cao hơn 22.322 đồng/lít (giảm 668 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 19.721 đồng/lít (giảm 475 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

- Dầu hỏa: không cao hơn 20.922 đồng/lít (giảm 194 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

- Dầu maduzt 180CST 3.5S: không cao hơn 15.527 đồng/kg (giảm 202 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).