Khó khăn 'bủa vây', doanh nghiệp kiến nghị tăng cường quản lý phụ phí cảng biển

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics, các hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường quản lý phụ thu, phụ phí dịch vụ của các hãng tàu biển.

Thời gian vừa qua, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ logistics của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics liên tiếp gặp khó

Do căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ, từ tháng 12/2023 hàng loạt hãng vận tải biển lớn đã tạm dừng lịch trình qua Biển Đỏ, hàng trăm tàu lớn phải thay đổi đường đi, vòng qua Mũi Hảo Vọng ở phía nam Châu Phi, khiến thời gian đi biển kéo dài thêm 10 - 15 ngày, từ đó làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển, tác động lên thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.

Bên cạnh thời gian vận chuyển kéo dài, một trong số những tác động tiêu cực đang diễn ra rõ ràng nhất đó là việc giá cước vận tải biển và các loại phụ thu, phụ phí của các hàng tàu tăng cao.

Thông tin từ Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho biết, từ đầu tháng 2/2024, các hãng tàu nước ngoài đã đồng loạt công bố tăng 10% - 20% phí xếp dỡ hàng hóa (THC) đối với mỗi loại dịch vụ container tại Việt Nam. Nếu xét theo giá trị tuyệt đối thì phí THC tăng thêm 10% - 20% của các hãng tàu cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam.

Có thể kể tới hãng tàu KMTC tăng phí từ 126 USD lên 138 USD kể từ ngày 15/2/2024, (tương đương tăng khoảng 290.000 đồng) với container 20 feet. Hãng Heunga tăng từ 120 USD lên 132 USD; hãng TSL tăng từ 3 triệu đồng lên 3,55 triệu đồng (tương đương tăng 550.000 đồng); hãng Yang Ming tăng từ 2,536 triệu đồng lên 3,042 triệu đồng (tương đương tăng hơn 500.000 đồng) từ ngày 20/2/2024…

Theo Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT ban hành ngày 25/12/2023 của Bộ Giao thông vận tải, từ ngày 15/2/2024, giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam được điều chỉnh tăng.

Theo đó, khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển thuộc khu vực I (các cảng biển từ vĩ tuyến 20 độ trở lên phía Bắc gồm các cảng biển khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và không áp dụng với bến cảng Lạch Huyện) từ tàu (sà lan) lên bãi sẽ tăng tối thiểu từ 33 USD lên 36 USD cho một container 20 feet (tức tăng 3 USD, tương ứng khoảng 75.000 đồng). Tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, tăng từ 52 USD lên 57 USD/container 20 feet (tức tăng 5 USD, khoảng 120.000 đồng) và tăng từ 77 USD lên 85 USD/container 40 feet (tức tăng tăng 8 USD, khoảng 200.000 đồng)…

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh, trên thực tế các hãng tàu nước ngoài tăng phí THC cao vượt khung quy định tại Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT. Cụ thể, mức tăng quy định tại Thông tư vào khoảng 100.000 - 200.000 đồng/container, nhưng các hãng tàu tăng phí THC lên tới hơn 500.000 đồng/container. Mặt khác, Thông tư phân chia theo 03 khu vực cảng biển trên cả nước với mức tăng khác nhau, nhưng các hãng tàu lại tăng phí THC chung cho các cảng ở Việt Nam.

Kiến nghị tăng cường quản lý phụ phí của các hãng tàu biển

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong văn bản gửi Thủ tướng cùng các bộ, ngành liên quan mới đây, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam đề xuất 03 giải pháp tăng cường quản lý phụ phí của hãng tàu nước ngoài.

Thứ nhất, bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hoàn thiện cơ chế quản lý mức giá và các loại phụ thu đối với hàng hóa tại cảng biển, tránh trường hợp các hãng tàu tùy ý tăng giá và lạm thu ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hàng xuất nhập khẩu. Hãng tàu cần có báo cáo về cơ cấu phí THC, trong trường hợp các phụ thu này siêu lợi nhuận thì đề xuất cơ quan chức năng xem xét áp dụng các chính sách thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thứ hai, sớm rà soát và ban hành cơ chế quản lý việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, yêu cầu chủ tàu ngừng ngay việc thu các loại phí không hợp lý; đồng thời kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành các cơ chế phù hợp quản lý việc thu phí của các hãng tàu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Thứ ba, tham khảo kinh nghiệm quản lý các hãng tàu nước ngoài từ các quốc gia lân cận để xây dựng, hoàn thiện các giải pháp tăng cường kiểm soát hoạt động của các hãng tàu nước ngoài, tránh thất thu ngân sách nhà nước, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong nước.

Trước Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA) cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan đề nghị bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển vào danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hoàn thiện cơ chế quản lý mức giá và các loại phụ thu đối với hàng hoá tại cảng biển, tránh trường hợp các hãng tàu nước ngoài tuỳ tiện tăng giá và lạm thu ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hàng. Trong trường hợp các phụ thu siêu lợi nhuận thì phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt....

Cần có sự chia sẻ, hợp tác cùng ứng phó với những tác động tiêu cực

Trước đó, trao đổi tại cuộc họp thảo luận tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ do Bộ Công Thương phối hợp cùng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Vụ Trung Đông - Châu Phi (Bộ Ngoại giao) tổ chức ngày 06/02/2024, đại diện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hiệp hội logistics đề nghị các hãng tàu biển cần có sự chia sẻ, hỗ trợ, hợp tác để cùng ứng phó với những tác động tiêu cực từ tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ, nhất là việc ổn định giá cước và phí vận chuyển hàng hóa.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, đối với hàng thủy sản đông lạnh, chi phí vận chuyển sang bờ Tây nước Mỹ hiện tăng 70%; sang châu Âu tăng khoảng 3,5 - 4 lần. Cùng với khó khăn về suy giảm đơn hàng xuất khẩu, căng thẳng tại Biển Đỏ gây thêm khó khăn cho ngành hàng thủy sản.

Phản ánh tình trạng hãng tàu thu thêm phụ phí, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam dẫn chứng về trường hợp có doanh nghiệp đã xếp hàng lên tàu từ ngày 20/12/2023 nhưng đến ngày 5/1/2024 thì bị hãng tàu áp dụng phụ thu với giá 2.000 USD/container 40 feet.

"Việc hãng tàu áp dụng phụ phí không báo trước, không trao đổi thỏa thuận làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào thế “cá nằm trên thớt"", bà Liên nhận định và cho rằng với xung đột tại Biển Đỏ, ngành hàng gia vị đang có nhiều lợi thế xuất khẩu sang Châu Âu tuy giá trị xuất khẩu thấp nhưng lại chịu tác động rất lớn. Do đó các Bộ, ngành chức năng cần có biện pháp chế tài thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam đối với các hãng tàu biển hoạt động tại Việt Nam, tránh tình trạng các hãng tàu tăng phụ thu, phụ phí mà không thông báo trước, không thỏa thuận với doanh nghiệp.

"Đối với việc các hãng tàu thực hiện tăng ngay giá phụ thu mà không có thông báo, với bất kỳ trường hợp nào các hãng tàu áp dụng không đúng thì các doanh nghiệp gửi thông tin về Cục Hàng hải Việt Nam, Cục cam kết sẽ xem xét xử lý các trường hợp hãng tàu, doanh nghiệp vi phạm trong việc niêm yết giá theo quy định của pháp luật", đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.

Khó khăn 'bủa vây', doanh nghiệp kiến nghị tăng cường quản lý phụ phí cảng biển
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phát biểu tại cuộc họp thảo luận tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ

Để ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của tình hình Biển Đỏ đối với hoạt động xuất nhập khẩu và vận tải hàng hóa liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị các nhóm giải pháp như: ổn định giá cước và phí vận chuyển; phân luồng hàng hóa và lựa chọn tuyến đường thay thế; đa dạng nguồn cung ứng hàng hoá; lưu ý trong đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm bám sát tình hình...

Trong đó nhấn mạnh các hãng tàu cần nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là quy định về niêm yết, công khai giá cước vận chuyển. Không áp đặt các loại phí, phụ thu không có cơ sở, với mức thu quá cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Tin liên quan