Tháng hành động vì An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới” diễn ra trên cả nước từ ngày 15/4 và kéo dài đến 15/5, với mục tiêu lớn nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP.
Phát hiện nhiều vi phạm
Bước đầu ra quân, ngày 17/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố và các lực lượng chức năng huyện Thanh Trì tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh đối với hai cơ sở tại chợ Tam Hiệp, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện các cơ sở đang bày bán 1.050 kg nầm lợn đông lạnh, 300 kg xương lợn, 150 kg đùi gà… Toàn bộ số hàng hóa trên là thực phẩm đông lạnh, chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp.
Sự việc xảy ra tương tự, trước đó, ngày 10/4, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phối hợp với Đội 7 Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an phường Tam Bình, TP Thủ Đức kiểm tra đột xuất một điểm kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 20.035 kg nội tạng động vật đông lạnh. Trị giá số hàng hóa vi phạm là 2.003.500.000 đồng.
Không chỉ dừng lại ở những vi phạm trong việc nhập lậu thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thời gian gần đây, các vụ ngộ độc tập thể xuất hiện nhiều hơn. Bộ Y tế vừa có báo cáo, quý I/2024, cả nước có 16 vụ với 659 người bị ngộ độc thực phẩm (tăng gần ba lần về số người bị ngộ độc so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có ba người tử vong. Đơn cử, chiều 9/4, 28 học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa bị nôn ói, đau bụng sau khi ăn cơm cuộn, cơm nắm trước cổng trường học, đã có một học sinh tử vong.
Đây là vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt thứ 4 xảy ra tại Khánh Hòa chỉ trong vòng hơn một tháng qua. Đáng lưu ý, trong vụ thứ 3 xảy ra bốn ngày trước đó, toàn bộ nạn nhân là học sinh. 37 học sinh ở phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang bị ngộ độc sau khi ăn sáng với cơm gà, sushi, đồ ăn nhanh... Tháng trước, 10 học sinh ở Nha Trang cũng mắc rối loạn tiêu hóa nghi do ăn cơm gà trước cổng trường. Cũng tháng 3, 369 người bị ngộ độc do ăn tại quán cơm gà Trâm Anh vì nhiễm khuẩn Salmonella, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus...
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc thực phẩm là hậu quả của việc sử dụng thực phẩm không an toàn, chứa các tác nhân gây ngộ độc (thực phẩm bị ô nhiễm). Các tác nhân gây ngộ độc bao gồm tác nhân sinh học (vi sinh vật, độc tố vi sinh vật, vi nấm…), tác nhân hóa học (thuốc trừ sâu, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, chất cấm sử dụng trong thực phẩm…), hoặc do độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (độc tố cá nóc, cóc, nấm độc, ốc biển lạ…).
Nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm do hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm lạc hậu. Việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn chậm. Công tác xây dựng cơ sở kiểm soát an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến. Hoạt động của các ban chỉ đạo ATTP cấp xã, phường còn nhiều hạn chế bởi không có thiết bị chuyên dụng để kiểm tra, phát hiện vi phạm về ATTP; năng lực hậu kiểm còn hạn chế, thiếu hụt lực lượng triển khai, nhất là ở cấp quận, huyện, cơ sở…
|
Kiểm tra giám sát chặt chẽ các loại phẩm mầu hóa chất độc hại có trong bánh mứt kẹo.
|
Tăng cường hậu kiểm
Thông báo số 16/TB-VPCP (ngày 17/1/2024) của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP đã nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hậu kiểm thay cho tiền kiểm trong công tác quản lý ATTP. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý nhà nước cần tập trung thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực có nguy cơ cao, có thể tác động lớn đối với sức khỏe người dân.
Tháng hành động vì ATTP diễn ra đúng vào thời điểm hè, nắng nóng, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm dự kiến sẽ nhiều hơn, đặc biệt ở các thành phố đông dân cư và tập trung nhiều khách du lịch. Với quy mô dân số khoảng 13 triệu dân và đóng vai trò đầu mối, phân phối, kinh doanh thực phẩm, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024, Sở ATTP TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP. Đồng thời, nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. Về công tác thanh tra và kiểm tra, thành phố tăng cường các lực lượng chuyên ngành và liên ngành với tất cả 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Đặc biệt, Sở ATTP sẽ thực hiện kiểm tra đột xuất bếp ăn ở một số trường học, không báo trước…
Sở Y tế TP Hà Nội cũng thông tin toàn thành phố hiện có hơn 70.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, có hơn 10.000 cơ sở sản xuất thực phẩm, gần 25.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 35.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và hơn 5.800 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Đó là con số thống kê, còn trên thực tế chưa thể đếm hết được các quán hàng rong, các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ không đăng ký kinh doanh. Điều này cho thấy, công tác quản lý vệ sinh ATTP đối với một thành phố trên dưới 10 triệu dân như Hà Nội vẫn còn là một thách thức lớn.
Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-BCĐCTATTPTP (ngày 1/4/2024) về triển khai công tác hậu kiểm về ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Theo đó, các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP từ thành phố đến cơ sở, thông qua hoạt động hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Tháng hành động vì ATTP năm nay có chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới” cũng vì lý do, trong bối cảnh công nghệ và mạng xã hội không ngừng phát triển, việc kinh doanh, sản xuất thực phẩm đang có nhiều thay đổi. Hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều trang cá nhân quảng cáo, kinh doanh thực phẩm. Hoạt động này đang phát triển nhanh, đa dạng với nhiều hình thức khác nhau nhằm gây sự quan tâm, chú ý của cộng đồng. Trong số đó, có nhiều người kinh doanh các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm nhập lậu, thậm chí hàng nhái, hàng giả được quảng cáo, kinh doanh tràn lan, gây nguy cơ không nhỏ cho người tiêu dùng. Thực tế, trách nhiệm quản lý lĩnh vực này không chỉ của riêng ngành y tế mà còn có nhiều bộ, ngành khác liên quan dẫn đến một số nội dung trong quản lý nhà nước còn có chồng chéo, bất cập.
Ngoài ra, việc thực thi pháp luật về ATTP còn kẽ hở, nhiều lúc, nhiều nơi còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế mà đưa ra thị trường các đồ ăn, thức uống không an toàn. Lực lượng làm công tác kiểm tra, giám sát ATTP còn mỏng khiến việc kiểm tra, giám sát ATTP lâu nay vẫn chủ yếu làm theo kế hoạch và thời vụ, nên số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý mới chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế diễn ra.
Trong Tháng hành động năm nay, Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về vệ sinh ATTP đã yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng từ tháng 4 đến tháng 8. Tuy nhiên, theo đề xuất của nhiều chuyên gia y tế, trong tình hình hiện nay, khi các loại hóa chất, phụ gia, nguyên liệu sản xuất thực phẩm và thực phẩm được bán trên không gian mạng ngày càng đa dạng, chất lượng không bảo đảm, đòi hỏi các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là chính quyền các cấp cần chủ động nâng cao hơn nữa trách nhiệm và kỹ năng chuyên môn trong quản lý ATTP, không phải đợi đến Tháng hành động về ATTP mới lo hành động mà công tác bảo đảm ATTP cần được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng phải phối hợp liên ngành chặt chẽ, chủ động thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh, công khai mọi trường hợp vi phạm về ATTP, không để tình trạng việc đã rồi mới xử lý; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng để mỗi người dân không chỉ biết phân biệt, lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn mà còn biết tẩy chay thực phẩm nguy hại, thực phẩm bẩn và sẵn sàng đấu tranh với mọi hành vi vi phạm về ATTP.
AN NHƯ