Chứng khoán ngày 15/4, sau tuần giao dịch phục hồi khá tích cực nhưng với thanh khoản suy giảm mạnh, VN-Index khởi đầu tuần hôm nay với những áp lực lớn đến từ tình hình thế giới như căng thẳng Iran - Isarel gia tăng, áp lực tỷ giá tăng mạnh.
Diễn biến trong phiên giao dịch sáng vẫn khá tích cực khi VN-Index vẫn tăng điểm nhẹ lên 1.281 điểm. Tuy nhiên áp lực bán đột ngột tăng mạnh trong cuối phiên chiều với khối lượng đột biến dẫn đến nhiều mã giảm mạnh. Kết phiên VN-Index giảm mạnh 59,99 điểm (-4,70%) về mức 1.216,61 điểm. Đây là phiên giảm mạnh hơn phiên giao dịch 18/3/2023, chỉ thua kém phiên giảm điểm kỷ lục ngày 28/1/2021.
HNX-Index giảm 11,62 điểm (-4,82%) về mức 229,71 điểm. Độ rộng thị trường trên 02 sàn giao dịch rất tiêu cực khi có 647 mã giảm giá (142 mã giảm sàn), 75 mã tăng giá (10 mã tăng trần) và 65 mã giữ giá tham chiếu.
Với diễn biến bán mạnh đột biến trong phiên chiều, hầu hết các nhóm ngành đều chịu áp lực bán mạnh với tỷ lệ các mã giảm hết biên độ tăng đột biến. Trong đó nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán hầu hết đều giảm mạnh hết biên độ giao dịch, thanh khoản gia tăng vượt mức trung bình như BVS (-9,84%), SHS (-8,65%), SBS (-8,00%), FTS (-6,99%), HCM (-6,95%)...
Các cổ phiếu ngân hàng sau khi có diễn biến khá tích cực đầu phiên cũng chịu áp lực bán mạnh đột biến, thanh khoản gia tăng mạnh với VAB (-8,33%), BID (-6,93%), CTG (-6,82%), TPB (-6,42%), TCB (-6,33%)... ngoài SHB (+0,44) tăng giá.
Nhóm cổ phiếu dầu khí sau diễn biến tích cực tuần trước, tăng điểm tốt đầu phiên cũng chịu áp lực bán mạnh, nhiều mã giảm hết biên độ khi kết phiên, thanh khoản gia tăng vượt mức trung bình như PVB (-9,92%), PVC (-9,76%), PVS (-9,53%), CNG (-6,99%), PVT (-6,98%)... Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su cũng có diễn biến tương tự, hầu hết giảm mạnh hết biên độ với DTD (-9,86%), SIP (-6,93%), SZC (-6,92%), KBC (-6,89%), BCM (-6,89%)...
Các cổ phiếu bất động sản cũng chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản gia tăng đột biến với rất nhiều mã giảm hết biên độ như CEO (-9,78%), NDN (-9,73%), TIG (-8,53%), NRC (-8,00%), KDH (-7,00%)... ngoài QCG (+4,17%), KOS (-0,40%)... Các nhóm ngành khác cũng có diễn biến tương tự thể hiện áp lực bán mạnh, áp lực giảm mạnh tỉ trọng ngắn hạn, dư nợ đột biến.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế bán tháo ở giai đoạn này, dừng bán và quan sát thị trường. Đồng thời, nếu các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao thì có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp.
Tránh mua thêm đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cao Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chỉ số VN-Index lao dốc mạnh với trạng thái bán tháo quyết liệt trên toàn bộ nhóm ngành khiến cho chỉ số có mức giảm điểm sâu nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Mặc dù nhiều khả năng chỉ số sẽ có nhịp phục hồi kỹ thuật khi chạm quanh ngưỡng hỗ trợ 1.220 (+/-10) điểm. Tuy nhiên, rủi ro giảm điểm vẫn còn đang lấn át khi tâm lý tiêu cực còn đang bao trùm lên toàn thị trường.
Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể mở lại một phần vị thế trading với tỷ trọng nhỏ. Tuy nhiên, tránh mua thêm đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cao và ưu tiên bán giảm vị thế, cơ cấu lại danh mục trong các nhịp hồi phục sớm.
Mua thăm dò ở ngưỡng 1.180-1.200 điểm Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Ngoài biên độ giảm sâu thì thanh khoản hôm nay cũng được kích hoạt ở mức cao với khối lượng khớp lệnh tăng 45,92% so với mức trung bình 20 phiên. Đây là một tín hiệu cho thấy áp lực bán tháo đã xảy ra và khả năng sẽ còn tiếp diễn trong các phiên tới.
Xu hướng ngắn hạn đang rất xấu. Tuy vậy, CSI vẫn kỳ vọng ngưỡng hỗ trợ 1.180-1.200 điểm có thể ngăn cản áp lực bán và giúp thị trường lấy lại điểm cân bằng sau những hành động hoảng loạn bán ra vừa qua. Vì vậy, CSI ưu tiên mở vị thế mua thăm dò ở ngưỡng này trong các phiên tới.
Tránh mở mua mới quá sớm Chứng khoán Asean
Thị trường hôm nay ghi nhận sự điều chỉnh mạnh nhất trong vòng 2 tháng qua và xác nhận phiên giao dịch trong ngày thứ 6 vừa qua là "Bull trap". Khối lượng giao dịch tăng mạnh cho thấy sự hoảng loạn của dòng tiền, đặc biệt khi có những sự chuyển biến đáng e ngại trước các thông tin vĩ mô mới như tỷ giá, lãi suất. Do đó, khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục quan sát, tránh mở mua mới quá sớm và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp - trung bình.
Tận dụng các nhịp hồi phục trong phiên để hạ tỷ trọng về mức thấp Chứng khoán Phú Hưng (PHS)
Về mặt kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm mạnh trở lại đi kèm khối lượng giao dịch tăng mạnh, cho thấy áp lực bán mạnh. Chỉ số đã xuyên thủng các đường MA quan trọng gồm cặp EMA12,26 và MA50, đồng thời thủng ngưỡng 1220; bên cạnh đó chỉ báo MACD cũng đang giảm mạnh khi duy trì dưới đường Signal và khả năng cao còn cắt xuống đường 0.
Nhìn chung tất cả những tín hiệu này cho khả năng nhịp giảm ngắn hạn còn tiếp diễn, có thể còn giảm về vùng cầu 1160-1190, tương ứng quanh MA200. Tuy vậy tín hiệu trong ngày đang bị quá bán sâu, khả năng có thể hồi phục đầu phiên sáng mai.
Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index cũng có diễn biến tương tự, khả năng có thể còn giảm về vùng cầu 220-225. Nhìn chung, rủi ro thị trường vẫn còn ở mức cao, do đó chiến lược chung nên tận dụng các nhịp hồi phục trong phiên để hạ tỷ trọng về mức thấp, trường hợp nếu chỉ số tiếp tục giảm nhanh về vùng cầu thì có thể nắm giữ vị thế chờ hồi phục để cơ cấu lại sau.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.
Bảo Châu