Thông tin từ MBS, phía MOECO (thuộc Mitsui) – đơn vị nắm cổ phần trong dự án thượng nguồn và trung nguồn đã đưa ra chấp thuận quyết định đầu tư cuối cùng cho chuỗi dự án Lô B. Theo dự báo của MBS, FID cho dự án khí điện Lô B – Ô Môn sẽ được phê duyệt vào cuối quý 2/2024...
Ngày 28/3/2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng các đối tác đã ký kết một số thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn, góp phần đảm bảo tiến độ chung cho toàn chuỗi dự án và tiến tới quyết định đầu tư cuối cùng (FID).
Bên cạnh các hợp đồng cơ bản như mua bán khí (GSPA), vận chuyển khí (GTA), đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA), dự án cũng đã có Hợp đồng bán khí Lô B (GSA) giữa bên bán là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với bên mua là Tổng Công ty Phát điện 2 – EVNGENCO2 (chủ đầu tư dự án Nhà máy điện Ô Môn I).
Theo hợp đồng GSA này, lượng khí khai thác từ Lô B sẽ được phân bổ một phần cho Nhà máy điện Ô Môn I với lượng khí mỗi năm khoảng 1.265 tỷ m3 trong giai đoạn bình ổn (tương đương 25% tổng lượng khí khai thác hàng năm của Lô B).
Trước đó vào tháng 10 - 11/2023, sau một thời gian chậm triển khai, các bên liên quan trong chuỗi dự án Lô B – Ô Môn đã ký kết các Thỏa thuận khung và Biên bản Thỏa thuận. Bên cạnh đó, Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) đã thực hiện trao thầu hạn chế (LLOA) hai gói thầu EPCI#1và EPCI#2 ở khâu thượng nguồn, ngay cả khi dự án chưa có Quyết định Đầu tư cuối cùng. Đây là động thái linh hoạt của các bên liên quan trong dự án, nhằm đảm bảo tiến độ dự án khi FID chưa được chấp thuận nhanh chóng.
Theo báo cáo ngành dầu khí mới công bố của Công ty Chứng khoán MB (MSB), các hợp đồng quan trọng cho chuỗi dự án Lô B – Ô Môn đã được ký kết. Các vấn đề còn lại cần giải quyết để có FID tính đến thời điểm hiện tại sẽ bao gồm: hợp đồng bán khí GSA cho các Nhà máy Điện Ô Môn II, III và IV và hợp đồng mua bán điện PPA cho cả 4 nhà máy điện. Hiện tại, chỉ có GSA cho Nhà máy điện Ô Môn I đã được ký kết và nhà máy điện này đã đi vào vận hành.
Theo MBS, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III và IV đang được triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư (trước đó đã chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ EVN sang PVN), nghiên cứu các cơ chế để đảm bảo tiến độ chung của chuỗi dự án Lô B. Trong khi đối với nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, PVN đã ký kết thỏa thuận khung hợp đồng bán khí cho dự án với đối tác là nhà đầu tư (liên danh Marubeni – WTO) vào tháng 3/2023.
Trước những diễn biến tích cực trong đàm phán các hợp đồng thương mại của các bên liên quan thời gian gần đây, MBS cho rằng FID cho dự án có thể không được chấp thuận trước khi các gói thầu hạn chế hết hiệu lực, tuy nhiên các bên có thiện chí thỏa thuận thêm. Với kịch bản này, các bên có khả năng cao sẽ tiếp tục gia hạn các gói thầu hạn chế hoặc tiếp tục ký một thỏa thuận khác (Side Agreement) để dự án tiếp tục triển khai cho đến khi có FID.
Báo cáo của MBS cũng cho biết thêm, phía MOECO (thuộc Mitsui) – đơn vị nắm cổ phần trong dự án thượng nguồn và trung nguồn đã đưa ra chấp thuận quyết định đầu tư cuối cùng cho chuỗi dự án Lô B. Như vậy, quyết định đầu tư cuối cùng sẽ cần thêm phản hồi từ phía PVN và PTTEP để được chính thức chấp thuận. Theo dự báo của đội ngũ phân tích, FID cho dự án sẽ được phê duyệt vào cuối quý 2/2024.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia của MBS gợi ý một số doanh nghiệp niêm yết có thể được hưởng lợi nhờ tham gia vào các công đoạn khác nhau của chuỗi dự án Lô B – Ô Môn. Điển hình như, cổ phiếu PVS khi trúng thầu các gói EPCI#1 và EPCI#2 ở khâu thượng nguồn; tham gia gói thầu EPC đường ống bờ.
Cổ phiếu PVD sẽ hưởng lợi do có thể tham gia vào giai đoạn đầu của dự án từ năm 2025 và khoan các giếng khai thác bổ sung vào giai đoạn sau của dự án.
Tương tự, cổ phiếu GAS cũng được đánh giá triển vọng nhờ nắm giữ 51% cổ phần của dự án đường ống dẫn khí. Do đó, hưởng lợi từ năm 2026 nhờ cước vận chuyển khí và nguồn khí bổ sung từ Lô B. Ngoài ra, cổ phiếu PVC cũng được chú ý bởi cung cấp dung dịch khoan; hay cổ phiếu PXS do là thầu phụ cho khâu thượng nguồn…
Hải Băng