Sau quy hoạch điện VII, năm 2023, ngành điện đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch điện VIII. Theo đó, nhiều thách thức được đặt ra như đường truyền tải điện bị quá tải, các dự án chậm quy hoạch, chưa đủ hành lang pháp lý, chưa có cơ chế giá... Trong đó, giá điện sẽ ở mức như thế nào là câu chuyện gây ra nhiều băn khoăn và tranh cãi nhất.
QUY HOẠCH ĐIỆN CÒN NHIỀU BẤT CẬP
Quy hoạch điện VII được phê duyệt vào năm 2011 cho giai đoạn 2011 - 2020 xét đến năm 2030. Sau 4 năm thực hiện, quy hoạch điện VII điều chỉnh được phê duyệt nhằm cập nhật lại tình hình kinh tế - xã hội, đưa ra những kiểm chứng và đánh giá về tốc độ tăng trưởng kinh tế phù hợp với tình hình thực tế và định hướng của quốc gia.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tình hình thực hiện 2 quy hoạch điện trên về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề tồn tại như cơ cấu, nhu cầu sử dụng điện ở các ngành kinh tế, vùng miền có sự thay đổi yêu cầu phải phân bổ, bố trí lại, vẫn còn hiện tượng quá tải ở đường truyền tải quốc gia và một số địa phương…
Theo đánh giá của các chuyên gia, quy hoạch điện VII vẫn có quan điểm khá cứng về quy mô, tiến độ và vị trí triển khai dự án. Đặc biệt, quy hoạch điện VII đã được điều chỉnh khá nhiều lần, trong đó có việc dừng lại các dự án điện hạt nhân, một số trung tâm nhiệt điện than lớn ở khu vực Tây Nam bộ không triển khai được và nhiều dự án điện đầu tư theo hình thức BOT chậm tiến độ...
Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, việc triển khai quy hoạch điện VII chưa như mong muốn do nhiều nguyên nhân liên quan đến vấn đề văn bản pháp lý và việc thu xếp vốn của các Tập đoàn, Chủ đầu tư trong nước rất khó khăn do Chính phủ tạm dừng chủ trương bảo lãnh vay vốn. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác gồm năng lực tài chính, kỹ thuật, nguồn lực nhân sự của một số nhà đầu tư, tổng thầu không đảm bảo khiến tiến độ dự án bị chậm.
Tại phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã thừa nhận trong quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VII điều chỉnh có rất nhiều vấn đề chưa chế định được nên mới để những sơ hở, bị lợi dụng, đặc biệt là vấn đề về giá.
“Trong thời gian vừa qua, biểu giá điện hỗ trợ (FIT) đã bị lợi dụng”.
Theo đó, hầu hết chủ đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời đã chạy đua thời gian để hưởng giá ưu đãi (giá FIT), bỏ qua hoặc bỏ sót thủ tục, thậm chí vi phạm pháp luật.
Sang năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiệm vụ chính yếu của quy hoạch điện VIII là đảm bảo cấp điện tin cậy ổn định cho phát triển kinh tế, xã hội và phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo nhằm hướng tới phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, tính đến hiện tại, việc thực hiện quy hoạch điện VIII vẫn được đánh giá còn nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là phát triển điện khí LNG. Cụ thể, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG tại Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu.
Về cơ sở hạ tầng, hiện nước ta mới chỉ có duy nhất 1 kho chứa được xây dựng đưa vào vận hành tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, còn nhiều kho chứa LNG đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên toàn quốc. Trong tổng số 13 dự án điện khí cần phát triển đến năm 2030, chỉ có duy nhất điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 đang trong giai đoạn xây dựng và sắp đưa vào vận hành, một dự án đang trong quá trình làm các thủ tục đầu tư, còn lại hầu hết các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Đặc biệt, giá thành LNG hiện còn cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện mà EVN bán ra cho nền kinh tế. Trong khi đó, Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG.
Song song với đó, nhiều vấn đề chưa được xem xét, thống nhất như bỏ bảo lãnh Chính phủ nhưng các doanh nghiệp lại chưa đủ hành lang pháp lý để bảo lãnh thay thế, bảo lãnh, bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ - nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG…
ĐẾN BAO GIỜ MỚI HẾT CÃI NHAU VỀ GIÁ ĐIỆN?
Có thể thấy, tại các chương trình quy hoạch điện trên đều tồn đọng vấn đề lớn nhất là giá điện. Xét trong quy hoạch điện VIII mới nhất, vì LNG là nguồn khí an toàn được nhiều quốc gia sử dụng nên giá khá cao. Việt Nam không chủ động được nguồn cấp LNG do phải nhập khẩu 100% loại nhiên liệu này.
Trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi, giá LNG biến động thất thường. Vì thường chiếm tỉ lệ từ 70 - 80% giá thành điện năng sản xuất nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.
Tại diễn đàn phát triển điện khí theo quy hoạch điện VIII, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bày tỏ lo ngại vì không ngờ khi bàn về hiện thực hóa quy hoạch này lại có hàng loạt vấn đề đáng ra phải xử lý trong quá trình làm quy hoạch chứ không phải quy hoạch xong rồi mới đặt ra, trong đó có vấn đề giá.
Theo ông, phải có thị trường thì hẵng nói đến giá. Việt Nam chưa có thị trường điện, về cơ bản mới chỉ có tự do, cạnh tranh về phát điện. Việc truyền tải điện hiện nay phụ thuộc vào EVN. Bên cạnh đó, chúng ta không có thị trường phân phối bán lẻ điện nên giá điện hiện nay vẫn do nhà nước ban hành.
Thị trường LNG là chúng ta nhập về, đặc điểm thị trường LNG thời gian qua cực kì khác biệt sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Sau khi xảy ra xung đột tại Nga và Ukraine, các nước châu Âu quay sang mua LNG của Mỹ với giá đắt khủng khiếp, cao hơn khoảng 50 - 70% so với giá tại Nga.
“Khi chúng ta đặt ra vấn đề điện LNG, một lần nữa đặt cái ngành điện của chúng ta vào sự phụ thuộc. Các nước châu Âu giàu có mới có thể trợ giá năng lượng. Việt Nam có tiền để làm việc này hay không? Giá biến động khủng khiếp thì ta điều hành như nào?”.
Cùng quan điểm giá LNG cao, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, giá thành điện khí LNG vẫn cao do nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện phụ thuộc giá nhập khẩu. Giá LNG tăng cao sẽ tác động đến giá thành sản xuất điện tại Việt Nam. Đây sẽ là khó khăn khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký các hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Huy Hoạch, Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam lại cho rằng, hiện chưa có khung giá phát điện của các dự án điện LNG nên cũng chưa biết nên đàm phán mức bao nhiêu là hợp lý. Nếu chỉ nhìn với mức giá LNG trên thế giới trong thời gian qua thì giá mua điện từ nguồn điện khí LNG sẽ cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện mà EVN bán ra cho các hộ tiêu thụ điện. Do vậy, EVN cũng chẳng thể quyết được việc mua bán này.
Với vai trò là cơ quan giám sát, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, cơ chế giá điện còn hạn chế, chưa thực hiện được chủ trương về giá điện hai thành phần và còn bù chéo. Theo ông Huy, để điều chỉnh giá điện cần phải tính đến thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Về thời gian thực hiện quy hoạch điện VIII, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bày tỏ: “Ít nhất từ năm 2024, chúng ta hãy chấm dứt câu chuyện về cơ chế chính sách để thực hiện đi. 7 năm cực kì nhanh, để thực hiện đúng quy hoạch như mong muốn thì những nỗ lực nếu không xác định đúng, nó sẽ trở thành bài học rất đắt giá”.
Ngọc Nhi