Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào phiên 29/5 trong bối cảnh có thêm lo ngại về thời gian cũng như quy mô cắt giảm lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự tính…
Kết thúc phiên 29/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 411,32 điểm (-1,06%) xuống 38.441,54 điểm. S&P 500 mất 39,09 điểm (-0,74%) còn 5.266,95 điểm trong khi Nasdaq Composite trượt 99,30 điểm (-0,58%) thành 16.920,58 điểm.
Chỉ số Dow Jones giảm hơn 1% và chạm mức thấp nhất trong gần một tháng. Tất cả các lĩnh vực thuộc S&P 500 cũng nhuộm sắc đỏ, với ngành tiện ích vốn nhạy cảm với lãi suất ghi nhận mức giảm lớn nhất.
Nasdaq thoái lui sau khi đóng cửa trên mốc 17.000 lần đầu tiên vào 28/5, trong khi chỉ số Russell 2000 của các công ty vốn hóa nhỏ giảm 1,5%.
Trong phiên, Marathon Oil tăng 8,4% sau khi ConocoPhillips cho biết họ sẽ mua lại công ty này trong một thỏa thuận có giá trên 15 tỷ USD. Cổ phiếu ConocoPhillips giảm 3,1%. Ngành năng lượng giảm 1,8%.
Dick's Sporting Goods leo 15,9% nhờ việc nâng dự báo về doanh thu và lợi nhuận hàng năm, trong khi Abercrombie & Fitch tăng 24,3% khi dự báo tăng trưởng doanh thu hàng năm được nâng cao.
Trong khi đó, lĩnh vực hàng không gặp nhiều lực cản, với American Airlines mất 13,5% do động thái cắt giảm dự báo lợi nhuận quý 2/2024.
Sau tiếng chuông đóng cửa, cổ phiếu của Salesforce lao dốc 15% do kết quả và dự báo doanh thu quý hai thấp hơn ước tính. Trước đó, Salesforce kết thúc phiên giao dịch thông thường tăng nhẹ 0,7%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 12,24 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,38 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Trong phiên, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn đạt mức cao nhất trong 4 tuần là 4,6%, kéo dài mức tăng của ngày trước đó.
“Thị trường tiếp tục chứng kiến sự gia tăng của lợi suất trái phiếu, điều này đang gây áp lực lên cổ phiếu… Đó là sự tiếp nối của một quá trình phục hồi không ổn định, không đồng đều”, James Abate, nhà quản lý quỹ của quỹ Center American Select Equity cho biết.
Những kỳ vọng trái ngược nhau về quy mô và thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed cũng đã khiến thị trường lo lắng kể từ đầu năm đến nay. Lạm phát dai dẳng và những bình luận diều hâu từ các quan chức ngân hàng trung ương buộc các nhà giao dịch phải hạ kỳ vọng cắt giảm lãi suất xuống chỉ còn một lần vào tháng 11 hoặc tháng 12 tới, khác hẳn với dự kiến vào đầu năm nay về khả năng có nhiều lần cắt giảm, theo CME FedWatch Tool.
Trọng tâm chính trong tuần này sẽ là dữ liệu Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân của tháng 4 sẽ được công bố vào thứ Sáu - thước đo lạm phát ưa thích của Fed.
GIÁ DẦU GIẢM GẦN 1%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm khoảng 1% vào thứ Tư do các lo ngại về nhu cầu xăng dầu của Mỹ và dữ liệu kinh tế có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Lãi suất cao, được sử dụng để giải quyết tình trạng lạm phát kéo dài, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu về dầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 62 cent, tương đương 0,7, xuống mức 83,60 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 60 cent, tương đương 0,8%, xuống mức 79,23 USD/thùng.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo chỉ số PCE của Mỹ cho tháng 4. Trong khi đó, PCE, phong vũ biểu lạm phát ưa thích của Fed, dự kiến sẽ được giữ ở mức ổn định. Những kỳ vọng về thời điểm cắt giảm lãi suất đang bị thay đổi, khi các nhà hoạch định chính sách cảnh giác với tình trạng lạm phát cứng đầu.
Khi thị trường đang rơi vào tình trạng khó khăn, các công ty năng lượng có nhiều khả năng sẽ rút dầu ra khỏi kho và sử dụng ngay bây giờ thay vì chờ giá giảm trong tương lai. Nếu thị trường chuyển sang contango (khi giá của hợp đồng tương lai cao hơn so với giá giao ngay), các công ty năng lượng có thể bắt đầu tích trữ dầu cho tương lai, điều này có thể khiến giá dầu đi xuống.
Kim Nguyễn