Bộ Công thương vừa đưa ra một số cơ chế, chính sách cần thiết để triển khai đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch điện VIII.
Theo Bộ Công thương, cần cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà và điện gió theo vùng, đặc biệt với các khu vực trung tâm phụ tải, có nguy cơ thiếu điện như Bắc Bộ.
Do đó, cần nghiên cứu, hoàn thiện trình cấp thẩm quyền ban hành khung giá cho các loại hình nguồn điện, nhất là nguồn năng lượng tái tạo. Dự kiến tiến độ hoàn thành công việc này trong năm 2024.
Tiếp theo là cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA dự kiến hoàn thành trong năm 2024-2025. Cụ thể gồm: ban hành thí điểm, tiến tới xây dựng chính thức cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ đồng bộ với sửa đổi Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Bên cạnh đó, nghiên cứu ban hành các quy định kiểm soát chặt chẽ tiến độ các dự án nguồn/lưới điện, xác định trách nhiệm cụ thể các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cũng như có chế tài xử lý triệt để các dự án chậm tiến độ. Việc này, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Bộ Công thương cũng tính tới việc đẩy nhanh kế hoạch chuyển giao, thay đổi chủ thể hợp đồng, thu xếp nhiên liệu, bố trí nhân lực vận hành các nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2-2 sau khi kết thúc PPA và GSA hiện tại nhằm đảm bảo khả năng huy động không bị gián đoạn. Tiến độ sẽ hoàn thành vào 2024-2025.
Ngay trong năm 2023, dự kiến hoàn thành nghiên cứu đề xuất cơ chế để giải quyết triển để các vướng mắc trong đàm phán PPA các nhà máy điện LNG Nhơn Trạch 3,4 và Hiệp Phước nhằm đảm bảo tiến độ vận hành năm 2025.
Đảm bảo thực hiện quy hoạch điện VIII hiệu quả, đồng bộ cũng cần thiết hoàn thành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trong năm 2024.
Đồng thời, xây dựng phương án nhập khẩu LNG (hoàn thành năm 2027) thay thế khí tự nhiên để hạn chế ảnh hưởng của suy giảm sản lượng khí tại Nam Bộ.
Nguyễn Cảnh