Thị trường chứng khoán năm 2024: Rồng bay lên hay rồng bay xuống?

VN-Index bước sang năm 2024 sẽ tiếp diễn xu hướng tích cực và chỉ số chung của thị trường có thể chạm đến ngưỡng 1.450 điểm. Trong đó, những nhóm cổ phiếu tích cực được các công ty chứng khoán gọi tên trong năm tới là: ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, đầu tư công, dầu khí...

Thị trường chứng khoán năm 2024: Rồng bay lên hay rồng bay xuống?
Thị trường chứng khoán năm 2024: Rồng bay lên hay rồng bay xuống?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang “chạy” về những tháng cuối năm 2023. Giờ cũng là lúc các nhà đầu tư bàn tán “rôm rả” về các chủ đề như: nên “khai vị” những mã cổ phiếu nào đầu năm Giáp Thìn? Hay dự cảm thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ diễn ra như thế nào? Nhà đầu tư nên bổ sung những mã nào vào “thực đơn” của mình...

VN-INDEX SẼ "CẤT CÁNH" LÊN VÙNG GIÁ NÀO?

Trong báo cáo triển vọng 2024 công bố mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024.

Ngược lại, những rủi ro phải đối mặt là xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ tạm ngưng trong bối cảnh cả sức mua (trong nước và thế giới) lẫn nhu cầu vốn của nền kinh tế Việt Nam đều chưa cải thiện đáng kể; giá cả hàng hóa tăng trở lại cùng xu hướng mạnh lên của đồng USD kéo theo mức lạm phát cao hơn; căng thẳng địa chính trị trong khu vực và thế giới tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam.

Trong bối cảnh như vậy, thị trường trong trung hạn nhiều khả năng sẽ là những nhịp tăng giảm đan xen đi cùng sự phân hóa mang tính “tách tốp” ở các ngành giữa các các doanh nghiệp đầu ngành với triển vọng kinh doanh ổn định và sức chịu đựng tốt hơn so với phần còn lại trong ngành đó.

Về dài hạn, VCBS cho rằng Việt Nam sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 và tiếp tục duy trì sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII).

Thị trường chứng khoán năm 2024: Rồng bay lên hay rồng bay xuống? 2
Nguồn: VCBS

VCBS dự báo mức cao nhất VN-Index có thể đạt được trong năm 2024 là vùng 1.300 điểm. Tuy nhiên, cần lưu ý thị trường khả năng sẽ ghi nhận những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm.

Về thanh khoản, VCBS cho biết nếu mặt bằng lãi suất liên tục duy trì ở mức thấp trong phần lớn thời gian của năm 2024 thì có thể kích thích dòng tiền từ các nhà đầu tư trong nước vào thị trường dồi dào hơn. Tuy nhiên, bối cảnh đồng USD vẫn đang có xu hướng mạnh lên tương đối so với hầu hết các đồng tiền khác và mặt bằng lãi suất ở Mỹ tiếp tục giữ ở mức cao thì dòng tiền khối ngoại nhìn chung sẽ vẫn giữ xu hướng hạn chế giải ngân mới.

VCBS dự báo giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên có thể đạt khoảng 16.000 – 17.000 tỷ đồng trên cả ba sàn cho cả năm 2024, tương ứng giảm khoảng 5% so với năm 2023. Khối lượng giao dịch bình quân phiên cũng được kỳ vọng giảm khoảng 5% so với năm 2023, tương ứng đạt khoảng 830 – 850 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn.

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán VNDirect đánh giá, tăng trưởng EPS được kỳ vọng có thể cải thiện đáng kể nhờ nền kinh tế tiếp tục phục hồi với động lực chính từ sản xuất và xuất khẩu. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ tiếp tục được đẩy mạnh như: giảm thuế VAT, cải cách tiền lương, duy trì nới lỏng tiền tệ, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Mặt khác, mặt bằng kết quả kinh doanh trong 2023 đạt thấp sẽ khuếch đại hơn mức tăng trưởng của năm 2024.

Cho cả năm 2023, VNDirect dự báo EPS toàn thị trường có thể tăng trưởng 3,7% và sang tới năm 2024 có thể đạt mức 18%.

Thị trường chứng khoán năm 2024: Rồng bay lên hay rồng bay xuống? 3
Nguồn: Chứng khoán VNDirect

Hiện tại, P/E của VN-Index giao dịch ở mốc 13,6 lần. Dựa trên kỳ vọng EPS thị trường phục hồi trong quý 4 và mức P/E forward 2023 tương đương mức hiện tại, VNDirect cho rằng mức hợp lý của chỉ số VN-Index cuối 2023 là 1.140 – 1.150 điểm.

Bước sang 2024, kỳ vọng P/E của VN-Index sẽ phục hồi về mức trung bình 5 năm khoảng 15 lần do thị trường tài chính trở lại điều kiện bình thường trong khi EPS tăng trưởng tích cực, qua đó VN-Index có thể đạt vùng 1.400 – 1.450 điểm.

Trong khi đó, tại Chứng khoán MBS, các chuyên gia dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng lần lượt 3,6% và 16,8% trong năm 2023 và 2024. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp là chìa khóa cho sự hồi phục trở lại của thị trường chứng khoán. Dự báo về chỉ số chung của thị trường, Chứng khoán MSB thận trọng đưa ra 2 kịch bản.

Thị trường chứng khoán năm 2024: Rồng bay lên hay rồng bay xuống? 4
Nguồn: Chứng khoán MSB

Trong kịch bản cơ sở (xác suất 70%), Chứng khoán MSB dự báo VN-Index có thể tăng lên ngưỡng 1.300 - 1.350 điểm trong năm 2024, với các biến số lãi suất điều hành của Fed tăng thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm 2023, sau đó giảm từ quý 3/2024; mặt bằng lãi suất VND giữ nguyên như hiện tại hoặc giảm thêm 50 điểm cơ bản; lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm 2024 tăng 16,8%, P/E forward thị trường từ 12 - 12,5 lần.

Trong kịch bản kém khả quan (xác suất 30%), công ty chứng khoán này cũng đưa ra dự báo VN-Index có thể dao động quanh mức 1.170 - 1.230 điểm trong năm 2024. Các biến số đi kèm bao gồm lãi suất điều hành của Fed tăng thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm 2023 và duy trì ở mức cao suốt cả năm 2024, tỷ giá tăng hơn 3%, mặt bằng lãi suất VND tăng 25 - 50 điểm cơ bản, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm 2024 tăng 10%, P/E forward thị trường 11,5 - 12 lần.

Tương tự, Chứng khoán BIDV (BSC) cũng xây dựng 2 kịch bản dự báo VN-Index năm 2024. Trong kịch bản tích cực, các chuyên gia của BSC cho rằng VN-Index có thể đạt trên 1.360 điểm. Ngược lại với kịch bản tiêu cực, chỉ số này có thể về dưới 1.200 điểm.

“KHAI VỊ” NĂM 2024 BẰNG NHÓM CỔ PHIẾU NÀO?

Đánh giá về những nhóm cổ phiếu triển vọng trong năm 2023, VNDirect cho rằng nền kinh tế sẽ hồi phục trong giai đoạn cuối năm 2023 nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục được duy trì với môi trường lãi suất thấp, do đó ngành ngân hàng, vốn nhạy cảm với lãi suất sẽ là cơ hội tốt để đầu tư với định giá hấp dẫn.

Theo VNDirect, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm nhờ ngành sản xuất phục hồi với việc đơn hàng từ các thị trường quốc tế lớn tăng trong dịp cuối năm trong khi ngành xây dựng tiếp tục đà tăng trưởng với việc đầu tư công được đẩy mạnh. Thêm vào đó là tiêu dùng cá nhân phục hồi trong dịp lễ tết cuối năm. Trong bối cảnh nợ xấu tăng mạnh và NIM thu hẹp, những ngân hàng có bộ đệm dự phòng dồi dào là những ngân hàng có cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Kế tiếp là nhóm đầu tư công nhờ duy trì đà tăng trưởng và kỳ vọng có nhiều đổi mới sau kỳ họp Quốc Hội. Lũy kế 11 tháng đầu năm, giải ngân đạt hơn 549,6 nghìn tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ), tương đương gần 76% kế hoạch cả năm. VNDirect tiếp tục duy trì kỳ vọng giải ngân đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng khoảng 25% do chi tiêu sẽ tăng tốc trong tháng cuối năm.

Ngoài ra, theo kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Tài chính, chi đầu tư phát triển là 677 nghìn tỷ đồng chưa bao gồm số dư còn phải giải ngân từ năm 2023 chuyển sang. Nếu giả định 89% kế hoạch Chính phủ sẽ được giải ngân, thì còn lại 83 nghìn tỷ đồng sẽ được bổ sung vào tổng vốn đầu tư công mục tiêu năm sau. Từ đó, tổng vốn mục tiêu giải ngân năm 2024 sẽ là 760 nghìn tỷ đồng, cao hơn 5% so với mục tiêu của Chính phủ năm 2023. Câu chuyện liên quan còn tới từ quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt giai đoạn 2030-2045.

Thị trường chứng khoán năm 2024: Rồng bay lên hay rồng bay xuống? 5
VNDirect dự báo đầu tư công duy trì tích cực trong năm 2024

Ngoài ra, tín hiệu tích cực của dòng vốn FDI. Kể từ đầu năm 2023 đã có hàng loạt dự án FDI được kí kết với tổng vốn đầu tư liên tục gia tăng. Việt Nam sở hữu lợi thế tới từ chi phí vận hành cạnh tranh so với các quốc gia trong cùng khu vực, từ đó đã và đang thể hiện được tiềm năng để trở thành “bến đỗ”, trung tâm sản xuất mới của thế giới ở lĩnh vực điện tử, công nghệ, các ngành công nghiệp giá trị cao.

Thêm vào đó, các biện pháp cụ thể để thích ứng với Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) sẽ sớm được áp dụng có thể cải thiện khả năng cạnh tranh về thu hút FDI. Một số doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có thể hưởng lợi từ thúc đẩy cho thuê đất khu công nghiệp để lập nhà máy, xưởng sản xuất.

Còn theo báo cáo của Chứng khoán MSB, ngành dầu khí sẽ dẫn dắt thị trường năm 2024, với các dự án dự kiến được triển khai trong thời gian tới, tâm điểm là Lô B - Ô Môn. Câu chuyện chuyển dịch năng lượng có thể khiến ngành điện mở ra những cơ hội đầu tư mới. Theo tính toán, tổng mức đầu tư cho nguồn điện dự kiến đạt 98 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030, tương đương 9,8 tỷ USD/năm, phân bổ chủ yếu cho điện khí (30%) và điện gió (35%).

Nhu cầu phát triển lưới điện dự kiến chiếm khoảng 11% tổng nhu cầu vốn ngành điện. Việc đảm bảo đúng tiến độ các dự án lưới điện trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh mất cân đối nguồn điện hiện tại và nguồn điện sẽ phát triển rất nhanh trong tương lai. Tiếp theo là các ngành được hưởng lợi từ chu kỳ phục hồi của xuất khẩu như hóa chất, phân bón, thủy sản, nông sản, logistics, cảng biển.

Trong khi đó, VCBS lại cho rằng một số nhóm ngành đáng chú ý trong năm 2024 sẽ là các cổ phiếu ngân hàng, bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp và thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào ở hiện tại là yếu tố hỗ trợ về chi phí vốn cho hoạt động tín dụng của ngân hàng, phần còn lại là vấn đề tìm đầu ra. Dù phần lớn các ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tích cực so với khối doanh nghiệp sản xuất trong năm 2023, sự phân hóa được kỳ vọng sẽ xuất hiện rõ nét hơn trong năm 2024.

Theo đó, những ngân hàng duy trì được chất lượng dư nợ tín dụng tốt, bất chấp bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn chung, sẽ là những lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp với mức lợi nhuận chấp nhận được trong năm 2024.

Thị trường chứng khoán năm 2024: Rồng bay lên hay rồng bay xuống? 6
Những cổ phiếu được VCBS khuyến nghị

Tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp vẫn là rất lớn đi cùng với quá trình mở rộng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa, do đó nhà đầu tư có thể sàng lọc và tìm kiếm cơ hội đầu tư đối với những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đã bước sang chu kỳ bán hàng sau khi hoàn thành xong giai đoạn đầu tư.

Để kích thích tăng trưởng kinh tế, chính phủ sẽ tiếp tục xu hướng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công với trọng tâm là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, theo đó mang đến tác động tích cực cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng.

Nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu thời gian dài cho mục tiêu đầu tư tích sản có thể tìm kiếm cơ hội ở các ngành có tính chất “phòng thủ”, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế. Các cổ phiếu có đặc điểm như vậy thường là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước và hoạt động ở những ngành như công nghệ thông tin, viễn thông và các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước,…