Trong tuần này, nhiều ngân hàng trung ương trên toàn thế giới bao gồm Mỹ, Brazil, Anh, Nam Phi và Nhật Bản, sẽ đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ. Dự kiến, Fed có thể cắt giảm lãi suất từ 0,25 đến 0,50 điểm phần trăm trong khi BoE, BoJ nhiều khả năng giữ nguyên mức hiện tại…
Nhiều ngân hàng trung ương lớn sẽ tổ chức các cuộc họp chính sách tiền tệ trong tuần này và giới đầu tư đang chuẩn bị tinh thần cho những động thái về lãi suất theo cả hai hướng.
Cuộc họp hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ là trọng tâm chính được cả thế giới dõi theo. Ngân hàng trung ương Mỹ được kỳ vọng sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất trong tuần này. Câu hỏi còn lại duy nhất dường như là Fed sẽ cắt giảm lãi suất bao nhiêu.
Ở những nơi khác, thời điểm họp của Ngân hàng Trung ương Brazil cũng trùng khớp với Fed vào 17 và 18/9. Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Norges của Na Uy và Ngân hàng Dự trữ Nam Phi theo sau vào thứ Năm. Tuần lễ bận rộn kết thúc với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa ra quyết định lãi suất mới nhất vào thứ Sáu.
“Chúng ta đang bước vào giai đoạn cắt giảm lãi suất”, John Bilton, giám đốc chiến lược đa tài sản toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management nói trên CNBC. Cũng nhắc tới đợt cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm gần đây nhất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), ông Bilton tin rằng Fed sẽ có động thái tương tự trong tuần này và khả năng Ngân hàng Trung ương Anh cũng sớm tham gia vào “cuộc chơi”.
QUYẾT ĐỊNH CỦA FED
Fed sẽ công bố quyết định chính sách tiền tệ tiếp theo vào 18/9 (theo giờ địa phương). Thị trường đang có nhiều ý kiến khác biệt về việc liệu ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống phạm vi 5% - 5,25% hay 0,50 điểm phần trăm xuống 4,75% - 5%.
Trên thực tế, vẫn có nhiều lý do để ủng hộ cả hai phương án.
Một mặt, lạm phát vẫn ở mức trên mục tiêu 2%, với các chỉ số lạm phát cơ bản trong tháng 8 "nóng" hơn dự kiến, cho thấy Fed cần thận trọng và chỉ nên hạ 0,25 điểm cơ bản.
"Với lạm phát vẫn ở mức cao, khả năng thực hiện một đợt cắt giảm 0,50 điểm trở nên phức tạp hơn. Cho dù các dữ liệu mới chắc chắn không cản trở động thái nới lỏng chính sách vào hôm tới, nhưng sẽ có những ý kiến “diều hâu” về việc lạm phát cần được xử lý một cách cẩn trọng. Và đây là lý do chính đáng để mặc định về mức cắt giảm 0,25 điểm phần trăm”, Seema Shah, chiến lược gia toàn cầu chính tại Principal Asset Management, viết sau công bố báo cáo CPI của tháng 8.
Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế khác, bao gồm một báo cáo việc làm cho thấy thị trường lao động suy yếu, lại chỉ ra rằng ngân hàng trung ương có thể đang chậm trễ hơn so diễn biến thực tế. "Chúng tôi tin rằng Fed nên giảm lãi suất 0,50 điểm phần trăm để điều chỉnh theo xu hướng thay đổi của các rủi ro”, Michael Feroli, nhà kinh tế tại JPMorgan, viết trong một ghi chú.
Ông Feroli cho rằng Fed đang ở thế bị động, do vậy, tốt nhất họ nên chủ động cắt giảm mạnh ngay từ bây giờ rồi sau đó có thể “nhẹ tay” hơn trong quyết định vào tháng 11 và tháng 12.
Những người khác lại cho rằng một động thái gay gắt như vậy sẽ rất nguy hiểm cho thị trường, nên thay vào đó, họ ủng hộ việc Fed chỉ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm.
Ngoài quyết định chính sách, Fed cũng sẽ công bố các dự báo cập nhật trong bản tóm tắt dự báo kinh tế (SEP), bao gồm "biểu đồ dot-plot” thể hiện kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách về hướng lãi suất trong tương lai.
Nhìn chung, thị trường vẫn sẽ biến động bất kể Fed quyết định đi theo hướng nào. Điều này làm cho cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell càng trở nên quan trọng hơn. "Nhiệm vụ của ông Powell lúc 2:30 chiều thứ Tư sẽ phụ thuộc vào việc FOMC thống nhất phương án nào vào lúc 2:00 chiều. Nếu họ quyết định cắt giảm 0,50 điểm phần trăm, ông Powell sẽ cần truyền tải được thông điệp rằng hành động này nhằm hỗ trợ triển vọng tăng trưởng bền vững trong môi trường lạm phát thấp. Nhưng nếu FOMC cắt giảm 0,25 điểm phần trăm, ông ấy sẽ cần cho thấy Fed sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn nếu có dấu hiệu yếu kém trong thị trường lao động”, nhà kinh tế Michael Feroli phân tích.
ĐƯỜNG HƯỚNG ĐỐI LẬP
Còn đối với Brazil, ngân hàng trung ương nước này đã cắt giảm lãi suất nhiều lần kể từ tháng 7/2023. Nhưng dữ liệu kinh tế trong quý hai có thể dẫn đến việc tăng lãi suất vào tháng 9.
“Chúng tôi kỳ vọng Banco Central sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tuần tới lên 10,75% và tiếp tục tăng lên ngưỡng 11,50% vào cuối năm 2024”, Wilson Ferrarezi, nhà kinh tế tại TS Lombard cho biết trong một bản ghi chú nghiên cứu.
Theo ông, việc tăng lãi suất thêm vào năm 2025 là hoàn toàn có khả năng xảy ra nhưng sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến của hoạt động kinh tế nội địa trong quý 4/2024.
Đáng chú ý, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB) dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất vào thứ Năm, theo các nhà kinh tế được khảo sát bởi Reuters. Đây sẽ là lần đầu tiên ngân hàng này cắt giảm lãi suất kể từ khi họ điều chỉnh chính sách để ứng phó với hậu quả của đại dịch Covid-19 từ bốn năm trước.
Tại Anh, khả năng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cắt giảm lãi suất vào thứ Năm là khá thấp. Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy cả 65 nhà kinh tế tham gia đều dự đoán BoE sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5%. Ngân hàng Trung ương Anh đã thực hiện lần giảm lãi suất đầu tiên trong hơn bốn năm vào đầu tháng 8.
“Rất có thể BoE sẽ thực hiện các đợt cắt giảm theo quý. Do vậy, chúng tôi không nghĩ rằng họ sẽ hành động vào tuần tới, với tỷ lệ biểu quyết là 7-2”, Ruben Segura Cayuela, Trưởng ban kinh tế châu Âu tại Bank of America, nói với CNBC. Ông bổ sung rằng đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của BoE có khả năng diễn ra vào tháng 11.
Ngân hàng trung ương Na Uy, Norges Bank hiện vẫn đang giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 16 năm, 4,5% và cho biết nhiều khả năng lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Cuộc họp của Norges Bank sẽ diễn ra vào 19/9.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tới, nhưng đa số các nhà kinh tế dự đoán khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất trong quý 4/2024.
Mỹ Hân