Bên cạnh tác động tích cực từ sự hồi phục của nền kinh tế, các yếu tố trực tiếp góp phần và đà tăng trưởng vừa qua của thị trường chứng khoán còn tới từ việc duy trì mức lãi suất thấp và tăng vốn đầu tư công, đà bán ròng chậm lại của khối ngoại và kỳ vọng bước đầu về nâng hạng thị trường.
Sau giai đoạn trầm lắng, thị trường chứng khoán đã sôi động trở lại từ ngày 15/2 khi tăng trưởng đến 24,8% về tổng khối lượng giao dịch hàng ngày so với tháng 1, đạt 848 triệu USD, trong đó đã có những phiên giao dịch trên 1 tỷ USD.
Đồng thời, chỉ số VN Index kết thúc tháng 2 với tín hiệu tích cực khi tăng 6,6% so với tháng trước, lên mức 1252 điểm, vượt qua đỉnh của năm ngoái là 1.245 điểm.
Theo báo cáo mới nhất của Dragon Capital, những diễn biến tích cực về dòng tiền trên thị trường cho thấy cổ phiếu tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn với sự đóng góp đáng kể từ sự phục hồi kinh tế vĩ mô.
Dữ liệu gộp của 2 tháng đầu năm cho thấy nền kinh tế có một số chỉ báo tích cực. Xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 59,5 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu đạt 54,5 tỷ tương đương mức tăng 18,0%.
Đặc biệt, hoạt động thương mại đối với các quốc gia mà Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao trong thời gian gần đây đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản đều tăng 54% và xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 17,5% so với cùng kỳ.
Sự phục hồi ổn định còn được phản ánh bởi chỉ số PMI duy trì trên ngưỡng 50 trong 2 tháng liên tiếp trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng và các công ty bắt đầu khôi phục lại hoạt động tuyển dụng để phục vụ sản xuất.
Sau dịp Tết, hơn 90% lực lượng lao động tại TP.HCM quay trở lại làm việc trong khi nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành dệt may và gó, đã có đơn hàng cho đến tháng 6/2024.
Sự phục hổi của hoạt động thương mại còn tác động tích cực đến ngành cảng biển của Việt Nam, cụ thể tổng khối lượng hàng hóa được xử lý thông qua cảng biển đạt 112 triệu tấn trong 2 tháng đầu năm, tăng 8% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ nới lỏng cũng góp phần hỗ trợ nền kinh tế phục hồi khi nhiều ngân hàng thương mại cũng đã chủ động triển khai các gói vay ưu đãi với lãi suất hấp dẫn.
Mặt khác, doanh số bán lẻ trong nước cũng đã tăng 5% chủ yếu nhờ vào hoạt động mua sắm và du lịch dịp nghì lễ, cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục phục hồi.
Hoạt động FDI tiếp tục thể hiện sức hút với vốn đăng ký trong 2 tháng đầu năm đạt 4,5 tỷ USD, tương ứng mức tăng 58,6%, giải ngân FDI tăng 9.8% lên 2,8 tỷ USD, trong đó riêng tháng 2 kết quả đạt kỷ lục ở mức 1,5 tỷ USD.
Bên cạnh tác động tích cực từ sự hồi phục của nền kinh tế, các yếu tố trực tiếp góp phần và đà tăng trưởng vừa qua của thị trường chứng khoán còn tới từ việc duy trì mức lãi suất thấp và tăng vốn đầu tư công, đà bán ròng chậm lại của khối ngoại và kỳ vọng bước đầu về nâng hạng thị trường.
Cụ thể, cổ phiếu tiếp tục là kênh đầu tư thay thế hấp dẫn cho tiền gửi có kỳ hạn khi mà lãi suất trung bình của tiền gửi 12 tháng hiện tại đã về 4,7%, so với mức đỉnh trên 10%.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chi tiêu đầu tư công đã tăng 21,8%, lên 2,4 tỷ USD trong hai tháng đầu năm 2024 và kỳ vọng sẽ tạo động lực cho ngành nguyên vật liệu, đồng thời kích thích nhu cầu từ các dự án cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, xu hướng bán ròng của khối ngoại gần đây đang cho thấy dấu hiểu cải thiện khi giảm xuống còn khoảng 100 triệu USD so với đỉnh điểm hơn 400 triệu USD vào tháng 12/2023.
Trên thực tế, định giá của VN Index vẫn hấp dẫn với tỷ lệ PE dự kiến cho năm 2024 là 10,6 lần đối với 80 doanh nghiệp hàng đầu, so với các nước khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan (16 lần), Malaysia (14,1 lần), Indonesia (13 lần) và Philippines (12,6 lần).
Về kỳ vọng nâng hạng thị trường, theo Dragon Capital, hiện có khoảng 700-800 tỷ USD đang được đầu tư vào phân khúc thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE. Nếu như Việt Nam có thể nâng hạng thị trường, tỷ trọng đầu tư có thể chiếm từ 0,2 – 0,24%, tương đương 1,3 -1,9 tỷ USD.
Dũng Phạm