Xuất khẩu gạo 2025 gặp nhiều thách thức

Việt Nam đang hướng đến xuất khẩu những sản phẩm gạo chất lượng cao. Ảnh: Hoàng Anh

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo năm 2024 đạt hơn 9 triệu tấn, tổng kim ngạch 5,7 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và 24% về giá trị so với năm ngoái.

Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Mức tăng trưởng đột biến năm 2024 đến từ sự thiếu hụt nguồn cung gạo trên toàn cầu khi một số quốc gia phải dừng xuất khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Đây là hệ quả của hiện tượng khí hậu El Nino gây ra hạn hán, mưa bão lớn và nắng nóng gay gắt.

Chính vì vậy, dự báo 2025 sẽ là một năm nhiều thách thức với xuất khẩu gạo khi Ấn Độ quay trở lại đường đua.

Mặt khác, một số thị trường lớn của Việt Nam như Indonesia, Trung Quốc được dự báo sẽ giảm nhu cầu nhập khẩu. Riêng thị trường Trung Quốc, trong năm 2024 đã giảm hơn 70% gạo nhập khẩu từ Việt Nam so với năm 2023.

Khi Ấn Độ cho phép xuất khẩu gạo trắng trở lại kể từ cuối tháng 9/2024, giá gạo loại 5% và 25% tấm của Việt Nam có xu hướng giảm từ 15 – 50USD/tấn.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được nhiều lợi thế. Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo Việt đã xây dựng được hướng đi khác biệt, tập trung vào những sản phẩm chất lượng cao, được quốc tế ưa chuộng.

Đơn cử, dù đã giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống chỉ còn 15% nhưng gạo Việt Nam bán tại thị trường Philippines vẫn duy trì ở mức cao, do người dân quốc gia này ưa thích gạo Việt bất chấp giá cao.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bổ sung, hiện 95% giống lúa và 89% sản lượng gạo của Việt Nam đạt chất lượng cao, tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường xuất khẩu gạo.

Hiện nay, đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tiếp tục mở ra phương hướng mới cho ngành lúa gạo chinh phục những thị trường khó tính.

Cùng với đó, những hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác lớn cũng là nền tảng thuận lợi giúp gạo Việt giữ vững thị trường xuất khẩu.

Vượt thách thức xuất gẩu gạo năm 2025 đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu tiếp tục tập trung vào lợi thế về chất lượng và giảm phát thải nhằm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đề xuất tiếp tục có giải pháp hỗ trợ, đồng hành về tín dụng từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo đủ vốn thu mua lúa gạo và đầu tư nâng cao chất lượng, tránh hiện tượng khó khăn về dòng tiền dẫn đến phải xuất khẩu gạo với giá rẻ.

Tin liên quan