Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trong cuộc phỏng vấn về đường hướng phát triển của Đà Nẵng để xứng danh thành phố đáng đến, đáng sống tầm cỡ quốc tế.
Thế thì, khi đã đáng sống theo kiểu cống hiến, định vị mình như một TP sáng tạo, một mảnh đất hướng tới tương lai thì chắc chắn câu chuyện đầu tư sẽ tiếp tục hướng theo như vậy.
Đà Nẵng phải là một đô thị thông minh, đô thị số trong thời đại số. Cho nên, phải quan tâm tới hạ tầng số, và phải làm nhanh. Điều đó mới tạo ra sức hút người tài, người có năng lực cống hiến cho khoa học công nghệ, sáng tạo.
Chúng ta đang nói theo tiêu chí một TP đáng sống đẳng cấp cao đòi hỏi những gì? Để thấy rằng, Đà Nẵng đang phải đặt ra những nhiệm vụ mang tính cấp bách cao. Làm được những nhiệm vụ đó chắc chắn không thể chỉ trông đợi vào tiền đầu tư Nhà nước mà phải có liên minh phát triển giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân.
“Dư địa phát triển ở tầm cao còn rất nhiều”
Theo ông, Đà Nẵng có những áp lực gì khi muốn thu hút người tài, người giàu, nhân sự chất lượng cao đến an cư, cống hiến?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Khi thảo luận những vấn đề tương lai của Đà Nẵng thì nổi lên câu chuyện: Đợt Covid-19 cho thấy nếu chỉ phát triển du lịch thì sẽ bị phụ thuộc vào một ngành và tiềm ẩn rủi ro. Cho nên, Đà Nẵng cần tiếp tục nâng cấp du lịch, nhưng để khẳng định một môi trường “đáng sống” thì phải làm sao để người ta cảm thấy giảm thiểu được rủi ro.
Vì thế, Đà Nẵng phải định hướng trở thành một trung tâm phát triển công nghệ cao, cảng logistics, có những mô hình TP nhỏ phát triển năng động bên trong TP hiện hữu… Như thế thì khoảng trống - tức dư địa phát triển ở tầm cao còn rất nhiều.
Bên cạnh đó, BĐS công nghiệp, những KĐT đáng sống hạng sang ven sông… vẫn còn dư địa tốt. Những đô thị mà “nhất cận thị - nhị cận giang” đều rất phát triển. Chính quyền phải có tầm nhìn quy hoạch, phải biết mời những người biết làm và có năng lực vào làm, nếu không sẽ làm hỏng tiềm năng.
Tôi cho rằng, theo cách đặt vấn đề như thế, chân dung Đà Nẵng đúng theo nghĩa không phải hội tụ xô bồ mà mang một đẳng cấp khác biệt. Ngoài ra còn khoảng trống kết nối Đà Nẵng với Huế - Hội An, mở biên ra để cho không gian sáng tạo hướng về Quảng Nam là những vấn đề đang được tích cực đặt ra.
Đà Nẵng còn nhiều dư địa phát triển các đô thị đẳng cấp bên sông (Ảnh minh họa).
Ông có đề cập tới việc Đà Nẵng phải mời những người biết làm, có năng lực để làm nếu không sẽ phí tiềm năng. Có phải là trong việc phát triển tới đây, để xứng danh TP đáng đến, đáng sống tầm cỡ quốc tế, Đà Nẵng cần mời gọi “những con đại bàng”?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Đúng thế. Đà Nẵng cần là một hình mẫu để thu hút đại bàng. Tôi hay lấy ví dụ về Sun Group. Khi mời được Sun Group vào là đã giúp Đà Nẵng định hình chân dung tương lai của mình – chân dung khác biệt, đẳng cấp. Ngoài Sun Group, chưa ai có thể làm được những dự án như Bà Nà Hills hay Lễ hội pháo hoa quốc tế. Những tổ chức khác biệt sẽ góp phần làm cho Đà Nẵng trở nên khác biệt.
Sun Goup định hình chân dung cho thành phố này. Vậy khi Đà Nẵng mời các nhà đầu tư khác đến họ cũng phải chiếu theo tiêu chuẩn này. Điều đó vừa giúp xác định diện mạo tương lai đồng thời bảo đảm các doanh nghiệp vừa, nhỏ cùng với tập đoàn lớn hợp lực thành sức mạnh để đưa Đà Nẵng phát triển.
Địa phương nào biết nhìn về tương lai theo tầm nhìn vĩ mô thì sẽ phải đi săn “đại bàng” chứ không phải chờ “đại bàng” đến. Những con “đại bàng” sẽ giúp cho địa phương kích hoạt hết tiềm lực. Nguyên tắc đó các tỉnh đang vận dụng rất mạnh nhưng không phải nơi nào cũng thành công giống nhau mà sẽ tùy thuộc vào chiến lược.
Chú trọng đại bàng không đồng nghĩa bỏ qua doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đà Nẵng cũng phải là doanh nghiệp vừa và nhỏ đẳng cấp, với đội hình tương xứng, để đưa Đà Nẵng trở thành một nơi đẳng cấp.
Trân trọng cảm ơn ông!