“Tuýt còi” mới trái phiếu doanh nghiệp: Dễ ngậm quả đắng!

“Tuýt còi” mới trái phiếu doanh nghiệp: Dễ ngậm quả đắng!

Sau sự việc trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chững lại. Tuy nhiên, gần đây, cuộc đua phát hành trái phiếu lại tiếp tục “nóng” với sự trở lại của nhiều doanh nghiệp, thu hút hàng trăm nghìn tỷ đồng. Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) đã phải liên tục đưa ra cảnh báo rủi ro đối với các nhà đầu tư.

trai-phieu-.jpg

Cuộc đua lại tiếp tục

Tháng 4/2022, hoạt động phát hành trái phiếu trở nên trầm lắng sau sự kiện Tân Hoàng Minh bị thu hồi 9 đợt trái phiếu, bị khởi tố tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, theo thông tin từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 5 và 6, các doanh nghiệp bất động sản đã trở lại “cuộc đua” phát hành trái phiếu.

Theo báo cáo từ VBMA, trong tháng 4/2022 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu. Tháng 5 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với tổng giá trị khoảng 7 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 6, Vingroup dẫn đầu về khối lượng phát hành TPDN bất động sản với 100 triệu USD trái phiếu quốc tế (tương đương hơn 2,3 nghìn tỷ đồng). Về TPDN phát hành trong nước, trong tháng 6 Novaland đứng đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị phát hành gần 2,3 nghìn tỷ đồng; Tập đoàn Nam Long với 500 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cũng cho biết, sau khi giảm mạnh trong tháng 4 thì khối lượng phát hành đã tăng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng chủ yếu vẫn ở nhóm các tổ chức tín dụng. Nhóm bất động sản vẫn tiếp tục phát hành nhưng khối lượng phát hành thấp hơn rất nhiều so với Quý I/2022. Tổng khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ trong 7 tháng đầu năm 2022 là 280.641 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ năm 2021). Trong đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) chiếm 37,2% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp BĐS chiếm 31,5%, xây dựng chiếm 8,8%. Riêng trong tháng 7, 84,4% tổng khối lượng TPDN riêng lẻ phát hành là của các TCTD, các doanh nghiệp BĐS, xây dựng chiếm lần lượt 1,5% và 0,7%.

Bên cạnh đó, trước những động thái chấn chỉnh nghiêm của cơ quan quản lý, thị trường có hiện tượng mua lại trước hạn TPDN lớn. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 7, khối lượng mua lại là 86.556 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021, tập trung chủ yếu vào quý 2 với số lượng 49.100 tỷ đồng (đây là thời gian sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị thu hồi).

Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Trưng Vương, Vĩnh Phúc, bài học vụ Tân Hoàng Minh khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại, không muốn bị thanh tra, bêu tên, ảnh hưởng xấu tới thương hiệu, vì vậy, các doanh nghiệp chọn mua lại trái phiếu đã phát hành. Tất toán trước người mua chỉ thiệt về lãi suất, các doanh nghiệp chỉ tăng chi phí vốn vay. Dù thêm gánh nặng chi phí nhưng bản chất quá trình phát hành trái phiếu rồi mua lại đã giúp doanh nghiệp đảo nợ tín dụng, giãn được dòng tiền... Vì vậy, mua lại là cách tốt nhất để “né” bị thu hồi, khởi tố như Tân Hoàng Minh.

Nhà đầu tư có thể mất trắng

TS Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, theo Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI mới nhất, hiện tại, cổ phiếu vẫn được dùng khá nhiều để làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu. Trái phiếu có đảm bảo bằng tài sản hay cổ phiếu về lý thuyết có độ an toàn cao hơn vì công ty phát hành có nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu tài sản thế chấp cho trái chủ nếu xảy ra vỡ nợ. Tuy nhiên, thực tế, lãi suất của trái phiếu có đảm bảo trên thị trường thường thấp hơn trái phiếu không đảm bảo. Nếu lãi suất thị trường tăng hơn lãi suất trái phiếu, nhà đầu tư sẽ bị lỗ vì khoản thanh toán sẽ ít hơn khoản thanh toán thị trường (trong trường hợp lãi suất cố định). Khi lãi suất trên thị trường tăng, giá trị trái phiếu giảm xuống, nhà đầu tư muốn thanh lý trái phiếu cũng sẽ được trả ít hơn thị trường. Thậm chí nếu giá trị thị trường của tài sản thế chấp giảm giá, doanh nghiệp vỡ nợ thì việc trả nợ gốc cũng khó. Rõ ràng, rất nhiều rủi ro có thể xảy ra.

Trên thực tế hiện nay, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đảm bảo lại thu hút các nhà đầu tư bởi lãi suất cao hơn hẳn. Nhiều doanh nghiệp phát hành TPDN không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng, bức tranh tài chính không mấy khả quan, nhưng vẫn thành công nhờ nâng cao lãi suất. Tiêu biểu như chuỗi cầm đồ F88 đã phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu năm 2021. Tất cả các đợt phát hành tại F88 đều là các trái phiếu không chuyển đổi và không có tài sản đảm bảo, lãi suất neo ở mức 12 - 13%/năm. Nhìn vào hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của F88 năm 2020, chỉ số này đã tăng từ 1,41 lần năm 2019 lên 2,31 lần, chủ yếu do tăng dư nợ trái phiếu. Năm 2020, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế chỉ đạt 44,8 tỷ đồng, hoàn thành được 12% kế hoạch cả năm. Tương tự F88, không chỉ tăng lãi cao, nhiều doanh nghiệp còn bày nhiều “chiêu trò” thu hút đầu tư TPDN bằng quà tặng kim cương, vàng, voucher du lịch, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện tốt... nên không ít nhà đầu tư biết rõ rủi ro vẫn lao vào.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng thừa nhận, mặt bằng chung lãi suất TPDN tăng là một trong những lý do hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân. Trong khi lãi suất tiết kiệm còn thấp, lãi suất TPDN cao sẽ kích thích nhu cầu đầu tư mặc dù lãi suất trái phiếu tăng cao đồng nghĩa với việc mức độ rủi ro lớn. Việc nhà đầu tư nếu không nắm bắt thông tin về doanh nghiệp mà đẩy mạnh rót vốn vì mục tiêu kiếm lợi nhuận cao, rất dễ đối mặt với rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán gốc và lãi trái phiếu, nhất là những trái phiếu không đảm bảo, không chứng quyền.

Những rủi ro và lưu ý khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính khuyến nghị các nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN riêng lẻ cần thận trọng, nắm rõ những rủi ro và lưu ý các nội dung sau:

1. TPDN được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ nên nếu mua nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi trái phiếu.

2. Pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua TPDN phát hành riêng lẻ. Do đó, nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.

3. Các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.

4. Bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu.

5. Tài sản đảm bảo TPDN là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu. Khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.