UBND TP.HCM vừa có cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư công 2022 và các giải pháp giải ngân kế hoạch đầu tư công 2023.
UBND TP.HCM cho biết, tính đến hết ngày 31/1/2023, tổng số vốn đã giải ngân là gần 26.636 tỷ đồng, đạt 71,3% tổng kế hoạch vốn giao (hơn 37.366 tỷ đồng).
Xét về giá trị tuyệt đối, số vốn đầu tư công giải ngân 2022 cao hơn 2021 là hơn 6.900 tỷ đồng, tương ứng tăng 35,1%. Nếu xét về tỷ lệ thì cao hơn 10,2% so với cả năm 2021 (năm 2021 đạt tỷ lệ 61,1%).
Tuy tăng về cả giá trị tuyệt đối cũng như tỷ lệ giải ngân so với năm 2021, nhưng tỷ lệ giải ngân năm 2022 của TP.HCM vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Chưa kể, tỷ lệ giải ngân vốn giữa các tháng không đồng đều, vốn giải ngân chủ yếu dồn vào các tháng cuối năm.
Cụ thể, tổng số vốn giải ngân trong 3 tháng cuối niên độ kế hoạch năm 2022 (tháng 11/2022 đến tháng 1/2023) chiếm tỷ trọng 56% tổng số vốn giải ngân trong năm. Đặc biệt, trong tháng 12/2022 đã 32% tổng số vốn giải ngân trong năm, và là tháng giải ngân cao nhất trong năm 2022.
Trong năm 2023, theo kế hoạch được HĐND TP.HCM thông qua, tổng số vốn đầu tư công là hơn 70.000 tỷ đồng, bao gồm cả vốn Trung ương và vốn địa phương. Cao gấp đôi so với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.
Lãnh đạo TP.HCM đánh giá đây là thách thức rất lớn đối với công tác điều hành và thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản và chủ đầu tư.
Theo số liệu báo cáo Chính phủ, trong năm qua, nhiều chủ đầu tư chưa đảm bảo được tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 86% trở lên, gồm 63/92 cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án. Trong đó, 9 đơn vị có tỷ lệ giải ngân từ 80-86%; 23 đơn vị có tỷ lệ giải ngân từ 50-80%; 31 đơn vị giải ngân dưới 50%.
Năm 2023, tổng vốn đầu tư công của cả nước đã được Quốc hội thông qua là trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022.
Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân, UBND thành phố đã đề ra các giải pháp nhằm cải thiện tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023. Theo đó, TP.HCM đã đề xuất nhiều cơ chế mạnh mẽ nâng cao hiệu quả đầu tư công và xã hội hóa đầu tư trong dự thảo nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54.
Đáng chú ý với một số đề xuất quan trọng như cho phép HĐND TP.HCM được chủ động bố trí ngân sách địa phương nguồn chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Cùng với đó, phân cấp cho UBND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương…