Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) duy trì dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay ở mức 4,8%, tuy nhiên điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống còn 5,8%.
Tại Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á phiên bản tháng 7/2023 được công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định nhu cầu nội địa mạnh mẽ tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi của kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục giảm, tiến gần về ngưỡng trước đại dịch khi giá nhiên liệu và lương thực giảm, dự báo mức lạm phát ở các nước châu Á đang phát triển là 3,6% trong năm nay, so với mức dự báo 4,2% hồi tháng 4/2023 của ADB. Trong khi đó, mức lạm phát dự báo của năm 2024 được nâng lên thành 3,4% so với ước tính trước đó là 3,3%.
Dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát của các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương. Nguồn: Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á, ADB, 7/2023.
Kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phục hồi
Theo ADB, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đang thúc đẩy tăng trưởng của khu vực. Dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, không thay đổi so với mức dự báo hồi tháng 4, giữa bối cảnh nhu cầu nội địa mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, nhu cầu xuất khẩu hàng điện tử và các hàng hóa chế tạo khác của châu Á đang phát triển đang chậm lại, do chính sách thắt chặt tiền tệ dẫn tới sự trì trệ của hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế phát triển chủ đạo. Dự báo tăng trưởng của khu vực trong năm 2023 ở mức 4,8% trong khi năm 2024 được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 4,7% so với mức dự báo 4,8% hồi tháng 4.
Ông Albert Park, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB nhận định: “Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phục hồi sau đại dịch với tốc độ ổn định. Nhu cầu trong nước và hoạt động dịch vụ đang tạo đà cho tăng trưởng, trong khi nhiều nền kinh tế cũng đang được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch. Tuy nhiên, hoạt động công nghiệp và xuất khẩu vẫn còn yếu, dẫn tới triển vọng tăng trưởng và nhu cầu toàn cầu trong năm tới bị suy giảm”.
ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho hầu hết các tiểu vùng ở Châu Á - Thái Bình Dương. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm Đông Nam Á, nơi triển vọng được hạ xuống còn 4,6% trong năm nay và 4,9% trong năm tới, so với mức ước tính lần lượt là 4,7% và 5,0% trong tháng 4. Dự báo cho tiểu vùng Cáp-ca-dơ và Trung Á được điều chỉnh giảm nhẹ, từ 4,4% xuống còn 4,3% cho năm 2023 và từ 4,6% xuống còn 4,4% vào năm 2024.
ADB nhận định, nhu cầu bên ngoài yếu tiếp tục gây áp lực lên sản xuất công nghiệp của Việt Nam.
Hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống mức 5,8%
Đáng chú ý, ADB điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 từ 6,5% xuống còn 5,8% và từ 6,8% xuống còn 6,2% trong năm 2024. Nhu cầu bên ngoài yếu tiếp tục gây áp lực lên sản xuất công nghiệp và chế biến chế tạo, trong khi các điều kiện trong nước dự kiến sẽ được cải thiện. Lạm phát được dự báo sẽ chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024.
Trước đó, trong Báo cáo công bố tháng 4/2023, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 sẽ ở mức 6,5% và tăng lên 6,8% trong năm 2024 và nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi này.
Trước ADB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng mới cập nhật điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống mức khoảng 4,7% cho cả năm 2023 với kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nay khi xuất khẩu phục hồi và các chính sách được nới lỏng. Con số này thấp hơn so với dự báo tăng trưởng tăng 5,8% mà IMF đưa ra hồi tháng 4/2023.
Về phía các cơ quan, chuyên gia trong nước, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay của Việt Nam đạt 3,72%, thấp hơn kế hoạch đề ra; trong đó, tăng trưởng GDP quý II/2023 đạt 4,14%. Các động lực tăng trưởng như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, dịch vụ chưa phục hồi hoàn toàn khi chịu các tác động từ bên ngoài. Tổng cục Thống kê cũng nhận định việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay như đã đề ra sẽ gặp nhiều thách thức.
Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2023” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố cũng cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 từ 5,34% – 6,46% theo 3 kịch bản.
Cụ thể, kịch bản 1 giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 5,64%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.
Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong Kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 3,66%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,87%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.
Kịch bản 3 giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn,…) và sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động, thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư theo hướng hiệu quả hơn. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 2,17%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 4,39%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.