Sau hơn 13 tháng phiêu lưu trên đỉnh, VN-Index lần đầu xuống dưới mốc 1.200 điểm. VN-Index đã ghi nhận 6 tuần liên tiếp giảm điểm, chuỗi dài nhất kể từ năm 2008.
Sau ba tuần giảm liên tiếp, thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục chìm trong vòng xoáy bán tháo. Đến 13h50p, VN-Index “chọc thủng” xuống dưới mốc 1.200 điểm, thậm chí có thời điểm xuống sát 1.180 điểm.
Tại đây, độ rộng của thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán khi có đến 987 mã giảm điểm, trong đó 342 mã nằm sàn. Trong đó nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thủy sản, dệt may, xây dựng, khu công nghiệp, thép, phân bón, bán lẻ... ghi nhận giảm mạnh.
Không có nhóm cổ phiếu nào ngược dòng mà chỉ "lác đác" vài cái tên đơn lẻ giữ được sắc xanh. Trong đó đáng chú ý nhất là VJC.
VN-Index kết phiên giảm 56,07 điểm (-4,53%) xuống 1.182,77 điểm. Vốn hóa HoSE cũng theo đó bị thổi bay 222.500 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên chỉ số này đóng cửa dưới 1.200 điểm trong vòng hơn 13 tháng trở lại đây. HNX-Index giảm 4,16% xuống 302,39 điểm. Trong khi, UpCOM-Index cũng mất 2,93% xuống 93,61 điểm.
Thanh khoản thị trường có sự cải thiện đáng kể lên 23.400 tỷ đồng, trong đó, giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt gần 18.600 tỷ đồng. Như vậy, sau đúng 3 tuần, giá trị giao dịch toàn thị trường mới trở lại trên 1 tỷ USD kể từ phiên 25/4.
Như vậy, với đà giảm giá biến động giảm 2 ngày 12-13/5 đã khiến cho VNindex bay gần 10% và đồng thời hàng tỉ đô la vốn hóa của thị trường đã bốc hơi.
VN-Index cũng ghi nhận 6 tuần liên tiếp giảm điểm, chuỗi dài nhất kể từ năm 2008, thời điểm chỉ số này giảm 7 tuần liên tiếp (5/5-16/6). Thị trường cơ sở bị bán tháo đẩy thanh khoản thị trường phái sinh lên mức kỷ lục với số lượng hợp đồng lên đến 437.000 đơn vị.
Giữa làn sóng bán tháo, giao dịch khối ngoại vẫn sáng, khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 550 tỷ đồng trên HoSE. Chủ yếu mua vào Chứng chỉ quỹ FUEVFVND (583 tỷ đồng), theo sau lần lượt là VNM (89 tỷ đồng), CTG (68 tỷ đồng), VRE (55 tỷ đồng), DGC (49 tỷ đồng).
Ngược lại, HPG bị xả mạnh nhất với giá trị 224 tỷ đồng. Tiếp đến là STB (-74 tỷ đồng), VCB (-47 tỷ đồng), KBC (-43 tỷ đồng), VHM (-37 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại bán ròng nhẹ, giá trị đạt hơn 7 tỷ đồng. UpCOM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 7 tỷ đồng.
Vậy nguyên nhân đến từ đâu?
Theo một chuyên gia đầu tư tài chính, có hay chăng thị trường phái sinh và nguồn lợi quá lớn của nó (thuế/phí/lợi nhuận) đã đẩy thị trường cơ sở nát bét như hiện nay.
Chỉ tính trong 6 tuần gần đây, số hợp đồng phái sinh (chủ yếu ở vị thế short (bán khống)) gia tăng chóng mặt từ 280.000 hợp đồng lên tới 437.000 hợp đồng ngày 13/5/2022, tương đương với giá trị giao dịch khoảng 53.000 tỉ đồng.
Nguồn lợi quá lớn từ các hơp đồng béo bở này đã thúc đẩy người chơi bán bất chấp cổ phiếu cơ sở để bán khống phái sinh.
Trước đó tại Trung Quốc những năm sụp đổ 2015, phái sinh là một sản phẩm khiến Shanghai Index nát tan, giảm sâu gần 60% giá trị. Sau đó, Trung Quốc rất dè dặt với chứng khoán phái sinh vì họ sợ hệ lụy đến thị trường cơ sở. Còn Việt Nam thì cho mở bung bét các dịch vụ phái sinh phá nát cơ sở?
Thiên Ân